Chi phí logistics trong giá thành sản phẩm

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 05/05/2017 20:09:00 +07:00

Giao nhận và kho vận (hay còn gọi là Logistics) là một loại hình dịch vụ có vai trò rất quan trọng với quá trình sản xuất, kinh doanh của một ngành cũng như toàn bộ nền kinh tế Quốc dân.

Với quy mô từ 20 đến 22 tỷ Đô la Mỹ một năm chiếm tới hơn 20%GDP của cả nước, những năm gần đây loại hình dịch vụ này đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển hội nhập tại Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp Logistics của Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu của thị trường và đa phần chỉ dừng ở việc cung cấp các dịch vụ đơn lẻ. Điều này đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Logistic trong bối cảnh hội nhập sâu với thế giới cũng như việc hàng loạt các hiệp định thương mại Quốc tế đã và sắp có hiệu lực tại Việt Nam.

Căn cứ vào một số tiêu chí đánh giá như hải quan, cơ sở hạ tầng, vận tải Quốc Tế, chất lượng và năng lực thực hiện hoạt động Logistics, báo cáo hàng năm của World Bank (WB) đã xếp hạng LPI (Logistics Performance Index) chỉ số thực hiện dịch vụ Logistics của Việt Nam ở vị trí 55/153 Quốc Gia. Theo các chuyên gia, chi phí các doanh nghiệp phải trả cho dịch vụ Logistic ở Việt Nam hiện quá cao so với mức trung bình của Thế giới, chiếm đến 25% GDP khoảng 12 tỷ Đô la Mỹ, cao hơn nhiều so với 19%GDP ở Trung Quốc hay 8%-9% GDP ở Nhật Bản. Trong đó, chi phí vận chuyển chiếm khoảng 60% tổng chi phí Logistics.

Hạ tầng giao thông, cảng biển kém phát triển là nguyên nhân chính khiến cho chi phí vận tải nội cao hơn và tăng khoảng 10% cho mỗi đơn hàng.

Vậy, thực tế chi phí Logistics chiếm bao nhiêu trong giá thành sản phẩm?

Công ty MiFaCo là đơn vị chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đi Mỹ, Châu Âu. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty đã xác định chi phí cho Logistics là khá cao nên mọi chi phí vận chuyển nội địa, thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa đến tận cầu cảng doanh nghiệp tự lo, phần còn lại doanh nghiệp xuất hàng bán FOB. Mặc dù bán giá FOB nhưng khi chi phí vận tải biển tăng giá, công ty phải hạ giá bán cho đối tác. Nguyên nhân là khi giá xăng dầu tăng, giá vận tải đường biển cũng tăng theo. Những lúc như thế, các đối tác buộc doanh nghiệp phải chia sẻ cước với họ về cước vận chuyển và cũng vì điều này mà doanh nghiệp phải hạ giá bán.

Theo số liệu của Hiệp Hội Mỹ nghệ và chế biến Gỗ TP. Hồ Chí Minh chi phí cho Logistics của Việt nam hiện nay là khá cao và điều này làm cho các sản phẩm của doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh. Hầu hết các doanh nghiệp trong Hiệp Hội Mỹ nghệ và chế biến Gỗ TP. Hồ Chí Minh chuyên về hàng mỹ nghệ và chế biến gỗ xuất khẩu chủ yếu xuất đi đường biển và bán giá FOB. Thế nhưng chi phí vận chuyển nội địa cũng không hề thấp. Một container đồ gỗ có giá vận chuyển khoảng 20.000 Đô la Mỹ còn với hàng thủ công mỹ nghệ thì một container hàng có giá từ 10.000 - 15.000 Đô la Mỹ, những hàng hóa có cước phí cao như đồ gỗ thì lại cồng kềnh nên vận chuyển với số lượng có hạn, trong khi đó những mặt hàng thủ công mỹ nghệ có thể chở được nhiều thì giá trị rất thấp nên cuối cùng chi phí vận chuyển cho mặt hàng này cũng không hề rẻ. Đây chính là điều bất hợp lý mà các doanh nghiệp trong Hiệp Hội Mỹ nghệ và chế biến Gỗ TP. Hồ Chí Minh đang phải chịu.

Trong khi các doanh nghiệp gỗ than phiền về cước phí vận chuyển thì các doanh nghiệp Dệt may lại cho rằng cước phí cho Logistics hiện nay là không quá cao. Đối với ngành hàng này, chi phí Logistics chỉ chiếm khoảng 0.8% - 2% so với tổng doanh thu. Với tính chất gọn nhẹ, hàng dệt may, may mặc tận dụng được nhiều diện tích của container hơn các mặt hàng gỗ, nội thất. Chính vì thế mà chi phí Logistics cho mặt hàng này khá nhỏ.

Một nguyên nhân khác là do đường sá, cơ sở hạ tầng của Việt nam kém, các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất lại ở xa cách cảng biển nên chi phí cho vận chuyển khá cao. Thêm vào đó, các công ty Logistics của Việt nam quy mô nhỏ lẻ, năng lực chưa mạnh như các nước trong khu vực nên chưa thể đảm bảo tất cả mà chỉ có thể thực hiện theo từng chặng, để hoàn thành hết tất cả các khâu phải có rất nhiều các doanh nghiệp dịch vụ Logistics tham gia. Do vậy, chi phí Logistics cấu thành trong giá thành sản phẩm rất cao. Ngoài những lí do trên, thì những lí do khác như chi phí cho thủ tục hải quan cũng là điều đáng bàn. Mặc dù hiện nay các thủ tục hải quan nhìn chung có cải tiến, sử dụng hải quan điện tử nhưng vẫn còn nhiều chuyện “nhiêu khê”, chưa thực hiện đồng bộ hiện đại hóa, tức là vừa phải khai tuyến mạng, vừa phải in hồ sơ nộp trực tiếp tại các cơ sở hải quan tại cảng. Điều này dẫn đến tiêu tốn thời gian, chi phí đi lại và chi phí lưu kho, lưu bãi.

Hinh anh Sung than cong nha Nguyen manh toi dau trong cuoc chien ho thanh Gia Dinh? 3

 

Ngoài ra, loại hình vận tải của Việt nam đường bộ là chủ yếu, trong khi đó đường sông, đường sắt hầu như là hạn chế đặc biệt là đường sắt do không tận dụng được phương thức vận tải rẻ hơn này, làm hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, trình độ chuyên nghiệp của các công ty dịch vụ Logistics chưa cao, chưa áp dụng được các công nghệ kỹ thuật nên các dịch vụ cung cấp chưa nhanh chóng, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ Logistics và thời gian làm hàng.

Làm thế nào để giải bài toán giảm chi phí Logistics tại Việt nam?

Trong bối cảnh các công ty Logistics đang cạnh tranh với nhau để có được khách hàng, đặc biệt các công ty Logistics của nước ngoài với bề dày kinh nghiệm đang đặt chân vào Việt nam thì bài toán được đặt ra với các công ty Logistics Việt nam là phải tạo ra một gói dịch vụ không chỉ hấp dẫn về chi phí mà còn về cả các giá trị gia tăng. Vậy, các giải pháp để giải bài toán giảm chi phí Logistics ở Việt nam hiện nay:

Một là, về phía Nhà nước, cần phải có các chính sách hợp lý để nâng cao chất lượng hạ tầng về vận tải như cảng biển, cảng hàng không hay là đường bộ, đường sắt, đường sông. Những việc làm này đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích hợp lý đầu tư mới có thể cải thiện nhanh tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém này. Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đầu tư vào lĩnh vực này để tận dụng nguồn lao động dồi dào của đất nước.

Hai là, về phía Doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics cần phải đầu tư công nghệ, đầu tư con người để cung cấp cho thị trường dịch vụ Logistics chuyên nghiệp hơn, nâng cao năng lực, góp phần giảm giá thành sản phẩm cho hàng trong nước để cạnh tranh với nước ngoài. 

Đối với doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Logistics thường không có tập quán thuê ngoài dịch vụ Logistics, gây ra sự lãng phí về đầu tư trong các công ty, các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu có liên quan đến dịch vụ Logistics. Những doanh nghiệp này, nếu tự mình làm dịch vụ Logistics thì cần phải nâng cao tính hợp lý của mình hoặc nếu làm không tốt nên thuê ngoài sẽ giảm được chi phí hơn.

Như vậy, phía sử dụng dịch vụ Logistics cũng cần phải thay đổi quan điểm thì hai bên cung cầu mới gặp nhau và tạo nên một sức cạnh tranh trên thị trường./.

Th.S Nguyễn Thanh Nga (Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thương Mại)
Bình luận
vtcnews.vn