Sửng sốt phát hiện quần thể sâm khổng lồ trên đỉnh Ngọc Linh

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 19/06/2015 06:28:00 +07:00

Đặt ba lô xuống đất, dược sĩ Long sửng sốt biết mình đứng giữa một quần thể sâm khổng lồ, hoa sâm thơm lừng, ong bay vo vo như ruồi nhặng.

(VTC News) - Đặt ba lô xuống đất, dược sĩ Long sửng sốt biết mình đứng giữa một quần thể sâm khổng lồ, hoa sâm thơm lừng, ong bay vo vo như ruồi nhặng.


Kỳ 3: Quần thể sâm khổng lồ

Thời điểm phát hiện ra cây sâm là 9 giờ sáng 19/03/1973. Cây sâm này mới 9 năm tuổi. Chính dược sĩ Nguyễn Châu Giang thấy một loài cây lạ, có những bông hoa li ti màu trắng, nên đã bẻ ngang thân đưa cho ông Đào Kim Long.

Nhìn cành lá, bông hoa, dược sĩ Đào Kim Long đã biết ngay đó là loài Panax, nó còn được gọi với tên tiết trúc, đốt trúc, bởi có thân thành từng khúc, là loài sâm quý hiếm hàng đầu.

Mặc dù biết đó là sâm, nhưng ông chỉ tiết lộ với ông Giang, còn không nói với dược sĩ Nguyễn Thị Lê, người của Ban Dân y tỉnh Kon Tum. Sở dĩ ông Long giấu dược sĩ Lê, chưa nói vội, là bởi ông sợ thông tin tiết lộ ra ngoài, người ta sẽ nhổ sạch. Ngoài ra, loài sâm này mới phát hiện, chưa được nghiên cứu đầy đủ, nếu phát ngôn sai, sẽ ảnh hưởng đến uy tín.

Dược sĩ Đào Kim Long bên một bình rượu sâm Ngọc Linh 

Dược sĩ Đào Kim Long quyết định dựng lều ở độ cao 1.800m, cách đỉnh Ngọc Linh không xa lắm, nơi phát hiện ra cây sâm đầu tiên. Khu vực đó là sườn đông nam của dãy Ngọc Linh.

Mở rộng tìm kiếm, đến trưa, thì chính dược sĩ Long đã phát hiện thêm 1 cây sâm 11 năm tuổi. Dược sĩ Long khẳng định rằng địa điểm dựng lều chưa phải là quần thể sâm, nên đoàn đã nhổ lều đi tiếp lên phía đỉnh núi.

Đến khoảng 17h30 ngày hôm đó, đến độ cao khoảng 2.000m so với mặt nước biển, khi đặt ba lô xuống đất, dược sĩ Đào Kim Long đã chết đứng vì sửng sốt, khi ông đứng giữa một quần thể sâm khổng lồ, bát ngát, với hoa sâm thơm lừng, ong bay vo vo như ruồi nhặng.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam vừa trình Chính phủ đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh với chi phí dự kiến 9.000 tỷ đồng. Theo mục tiêu của Đề án, đến giai đoạn 2015 - 2020, phát triển 200 ha sâm với 2 triệu cây giống; từ năm 2025 sản xuất 500 - 1.000 tấn sâm thương phẩm/năm, đưa Việt Nam xếp thứ 2 trên thế giới về sản xuất sâm (thứ tự hiện tại là Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Mỹ). Hàng năm sản xuất ra được 500 - 1.000 tấn sâm thương phẩm, đem lại doanh thu 2 tỷ USD.
Tại đây, đoàn tìm kiếm thảo dược đã dựng trại. Ông Long nhớ lại: "Tôi vẫn nhớ rõ, cạnh đó là con suối nước chảy róc rách. Hai bên suối đất tương đối phẳng, sạch, không có cỏ. Cây cổ thụ tốt um tùm, rất ít ánh sáng lọt xuống được. Mặt đất khá dày mùn và lá khô. Khắp mặt đất là nhân sâm ra hoa trắng li ti nhìn vô cùng đẹp mắt.


Đêm đó, chúng tôi được ngủ giữa rừng sâm thơm lừng. Sáng hôm sau thức dậy, tôi cùng Giang và cô Lê phải tạo một lối đi xuống suối để khi đi lấy nước không dẫm vào cây sâm. Anh tưởng tượng sâm mọc ken dày như vườn rau vậy, phải lách chân cẩn thận lắm mới không dẫm vào chúng. Nhìn vườn sâm như thế cũng đủ biết rằng nó đã mọc ở đây hàng triệu năm rồi, không có con người xâm phạm".

Thời điểm đó, số gạo mang theo đã hết, theo kế hoạch là phải quay về, nhưng dược sĩ Long quyết định ở lại. Ông hướng dẫn ông Giang, bà Lê cách đào sâm, chiết lấy nước uống để tăng cường sức khỏe, tiếp tục công việc.

Khu vực này rừng rú hoang vu, tổ ong rất nhiều, nên thu hái tổ ong, bóc lấy nhộng ong non để ăn, uống mật ong lấy dưỡng chất. Rau diếp cá rừng và cần dại rất nhiều, cứ thế nhổ ăn sống để có chất xơ.

Khu vực này có rất nhiều cỏ kim cương, còn gọi là cỏ nhung. Dược sĩ Long cùng hai đồng nghiệp nhổ để ăn sống, hoặc nấu canh ăn như rau, tăng cường sức khỏe rất tốt.

Ông Long trong lần trở lại thăm núi Ngọc Linh. Ảnh nhân vật cung cấp

Theo ông Long, có thể ăn cỏ kim cương thoải mái, mà không bị độc tố như một số thầy thuốc phát ngôn. Từ thời xưa người Trung Quốc đã sử dụng loài cỏ này và ông cũng đã biết đến nó. Tuy nhiên, ông không nghiên cứu sâu về nó. Mãi về sau này, cỏ kim cương mới nổi tiếng ầm ĩ.

Hai hôm sau khi đóng chốt ở địa điểm này, thì bắn được một con lợn rừng, đủ thực phẩm cho nhóm ăn nửa tháng mới hết.

Thời gian đóng chốt ở đây, dược sĩ Long nghiên cứu giải mã cây sâm từ đâu đến, vùng phân bố của nó thế nào.

Sau 20 ngày nghiên cứu, dược sĩ Long khẳng định loài sâm này xuất hiện từ trên đỉnh núi Ngọc Linh, phân bố từ đỉnh núi xuống. Nó là loài bản địa, không thể di cư từ đâu đến được.

Từ trên đỉnh núi, chúng di cư xuống thấp hơn, mọc dọc hai bên suối, mọc dày ở những địa điểm ẩm ướt, dưới tán rừng nguyên sinh, có độ mùn cao.

Vườn sâm trồng trên núi Ngọc Linh. Ảnh nhân vật cung cấp 

Chúng thích nghi nhất với dải nhiệt độ ổn định từ 12 đến 15 độ C. Con suối như chiếc điều hòa nhiệt độ giúp loài sâm phát triển mạnh. Nhiều khu vực chỉ có sâm Ngọc Linh và cây chàm ô rô.

Mùa xuân, từ củ sâm mọc lên thân cây, rồi ra hoa, kết quả. Hoa trắng li ti, cho quả nhỏ như hạt ngô màu đỏ, thành một chùm giữa lá. Phải đến tháng 9 và tháng 10 quả mới chín. Cuối năm thì cây lụi, tự đổ xuống, đặt hạt xuống đất.

Những cơn mưa nhỏ cuối mùa, tạo ra dòng suối nhỏ, nước chảy chậm, từ từ cuốn hạt xuống suối, trôi xuống phía hạ nguồn. Hạt sâm mắc vào bờ, gặp điều kiện phù hợp, nhiệt độ dưới 25 độ C là sinh trưởng được.

Vì thế, sau này, triển khai ra các hướng khác, ông Long phát hiện sâm Ngọc Linh còn xuống đến tận vùng thấp, nơi độ cao chỉ có 1.000m so với mặt nước biển. Tuy nhiên, ở vùng thấp này phân bố thưa hơn và chúng cũng phát triển chậm hơn.

Sâm Ngọc Linh có pháp danh Panax vietnamensis) là một loài cây thuộc Họ Cuồng cuồng (Araliaceae), còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm) củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu, là loại sâm quý được tìm thấy ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô (Kon Tum), huyện Trà My tỉnh Quảng Nam. Chúng xuất hiện trên độ cao 1.200 đến 2.100m, dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn. Sâm Ngọc Linh là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới.

Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên chỉ có khoảng 25 saponin.

Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, lên tổng cộng 52 loại. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất.

Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn