Sức mạnh của truyền thông xã hội

Tổng hợpThứ Ba, 16/10/2012 02:40:00 +07:00

Internet nói chung và social media nói riêng đã trở thành nguồn cung cấp thông tin tuyệt vời.

Ngày nay, việc sử dụng radio, TV để cập nhật tin tức, đã trở nên cũ kỹ. Internet nói chung và social media nói riêng đã trở thành nguồn cung cấp thông tin tuyệt vời. Đặc biệt, khi các mùa bầu cử bắt đầu diễn ra tại các quốc gia trên thế giới cũng là lúc các phương tiện truyền thông xã hội được tranh thủ tối đa sức mạnh. Hầu như trong mọi chiến dịch tranh cử, chúng ta đều thấy bóng dáng của truyền thông xã hội nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri, đặc biệt là cử tri trẻ - những người có thể ít xem truyền hình, ít đọc báo nhưng lại dành rất nhiều thời gian cho các trang mạng xã hội.

 
Sẽ là không đủ nếu không có mặt trên mạng xã hội

Có thể nói, kể từ năm 2012, sẽ là không đủ nếu các ứng cử viên tổng thống hay thủ tướng chỉ dừng lại ở những hoạt động như bắt tay thân mật, ôm hôn các em nhỏ hay thực hiện vài chương trình quảng cáo trên truyền hình. Hơn bao giờ hết, họ cần đưa cả những hình ảnh vui nhộn, hài hước lên các trang mạng cá nhân của mình.

 
Nếu như năm 2008, việc tiến hành các chiến dịch vận động bầu cử tổng thống Mỹ trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook hay Twitter mới ở giai đoạn manh nha thì giờ đây, xu hướng này đã quá rõ rệt. Các ứng cử viên đã tham gia vào nhiều cuộc chiến trên mạng mà những người không sử dụng Internet khó có thể hiểu được như chia sẻ danh sách các bài hát trên dịch vụ Spotify, đưa công thức làm bánh mì bí ngô lên mạng Pinterest hay khoe ảnh những lúc vui chơi cùng con cái tại nhà lên Instagram.

 
Những người vận động bầu cử cho biết, để thu hút được các cử tri, nhất là những cử tri trẻ, họ phải tích cực tạo ra các cuộc đối thoại trên các dịch vụ như Tumblr, nơi các cuộc tranh luận chính trị thường diễn ra dưới dạng những video hay tranh biếm họa. Để nhắc nhở người dùng Tumblr đón xem cuộc thảo luận tranh cử tổng thống đầu tiên vào ngày 3/10, êkip vận động của đương kim tổng thống Mỹ Obama đã dùng một đoạn clip cắt ghép trong bộ phim Mean Girls mà ở đó diễn viên Lindsay Lohan có nói câu: “Đó là ngày 3/10”. Trong khi đó, trên tiểu blog Twitter, vệ sĩ của ông Mitt Romney lại đăng hình gia đình ông chơi trò Jenga trước khi cuộc tranh luận diễn ra. Theo ông Zachary Moffatt - giám đốc kỹ thuật số nhóm vận động tranh cử của ông Romney, những cách làm này tuy có vẻ mới lạ song chúng đều dựa trên một số nguyên tắc chính trị cũ, đó là “càng nói chuyện được với nhiều người, khả năng chiến thắng càng cao”.

Tính hai mặt của mạng xã hội

Tuy nhiên, do tính hai mặt của internet, một bài viết hay một bức ảnh được đăng có chủ ‎ý trên mạng xã hội có thể nhanh chóng biến thành một thảm họa. Chỉ một câu nói hớ hênh hay một lỗi đánh máy cũng có thể khiến cả chiến dịch trở nên lố bịch và sau đó sẽ bị nhắc đi nhắc lại nhiều lần. 

 
Còn nhớ hồi tháng 7 vừa qua, khi đề cập đến tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng công cộng, ông Obama đã nói với nhóm người vận động tranh cử rằng: “Các bạn không xây dựng được”. Ngay lập tức, đội vận động của ông Romney đã phản pháo bằng cách đăng lên mạng ảnh của những người chủ cửa hàng xúc xích cùng nhiều người khác, mỗi người một vẻ khác nhau kèm theo khẩu hiệu “Tôi đã xây dựng nên nó.”

Cả hai nhóm ủng hộ các ứng viên Tổng thống Obama và Romney đều có xu hướng dựa vào các bức ảnh, khẩu hiệu và những lần nhấn nút “like” của những người ủng hộ. Nhóm của ông Obama tỏ ra đặc biệt thích thú với việc đăng tải những bức ảnh động hay những video clip về ứng viên của mình do bất cứ ai tạo ra. Đó có thể là những hình ảnh khi tổng thống đập tay ăn mừng với trẻ em hay cảnh ông ôm vợ và con gái. Đó cũng có thể là clip chọc cười đối thủ. Những người thường xuyên theo dõi chiến dịch vận động của ông Obama trên Tumblr có vẻ thích phương pháp tiếp cận này.

Bằng chứng là có khá nhiều bài đăng trên Tumblr thu hút tới gần 70.000 người thích và đăng lại trên trang cá nhân của mình. Adam Fetcher, phó thư ký báo chí của nhóm vận động cho ông Obama cho rằng “đó là việc giao tiếp hai chiều hết sức chân thực và truyền thông xã hội là sự mở rộng tự nhiên của các tổ chức lớn như chúng tôi”. Trong khi đó, sự hiện diện của nhóm ủng hộ ông Romney trên Tumblr mờ nhạt hơn nhiều, chủ yếu là những bức ảnh cổ động với khẩu hiệu như "Không, chúng ta không thể", nhằm chế giễu khẩu hiệu nổi tiếng một thời "Vâng, chúng ta có thể" của ông Obama. Những bài đăng trên blog Tumblr của Romney hiếm khi nhận được hơn 400 phản hồi.

Cả hai nhóm chiến dịch ủng hộ các ứng viên tổng thống đều có những thành viên thành thạo internet và luôn tận dụng tối đa mọi cơ hội lồng ghép chiến lược cũng như thông điệp vào các trang mạng xã hội. Dù không bên nào sẵn sàng cung cấp cách làm cụ thể song có thể thấy cả hai đều dựa nhiều vào các mạng xã hội như Facebook và Twitter để kêu gọi quyên góp, nhắc nhở mọi người về các sự kiện sắp diễn ra hay chia sẻ các bài báo và video thể hiện quan điểm của họ.

 
Nếu như Flickr và Instagram được khai thác như một cuốn nhật ký‎ bằng hình cho chiến dịch vận động bầu cử mà ở đó, người ta có thể thấy các ứng viên tổng thống đang ăn bánh tại một nhà hàng nhỏ ven thị trấn thì Tumblr và Pinterest lại là nơi các nhóm vận động chia sẻ những hình ảnh hay tư liệu mà người ủng hộ gửi tới.

Một điều đáng chú ý nữa là các ứng viên tổng thống không phải là người trực tiếp đăng tải các câu nói hay hình ảnh lên mạng. Đôi khi việc này do vợ họ làm. Trong khi ông Romney có một chiến dịch vận động bầu cử trên mạng Pinterest thì vợ ông, bà Ann, cũng có một trang riêng chia sẻ những món đồ thủ công hay các cuốn sách mà bà yêu thích. Khi bà Michelle Obama đăng một tin nhắn lên mạng Twitter hay chia sẻ một hình ảnh nào đó lên trang Pinterest, bà thường ký tên viết tắt là “MO” để người đọc có thể phân biệt được bài của bà với bài của các thành viên trong chiến dịch vận động.

Twitter và Facebook, hai sân chơi lớn nhất

Thực tế cho thấy Twitter và Facebook vẫn là những sân chơi lớn nhất đối với các cuộc vận động trực tuyến bởi ở đó, độ bao phủ và lượng người dùng đã tăng gấp 10 lần so với 4 năm trước đây. Có thể nhiều người không hiểu việc đăng các video clip hay danh sách bài hát lên các trang mạng không chính thống sẽ giúp ích gì cho cuộc bầu cử hay liệu cử tri có quan tâm đến việc danh sách ca nhạc của ông Obama có tên ca sĩ Stevie Wonder hay ông Romney thích Johnny Cash hơn? Mặc dù lợi ích của những nỗ lực này không dễ cân đo đong đếm nhưng không bên nào bỏ lỡ cơ hội. Nói như ông Jan Rezab – giám đốc điều hành hãng phân tích truyền thông xã hội Socialbakers – thì không ai biết lợi ích của việc mặc quần vào buổi sáng là gì, chỉ biết rằng sẽ rất tệ nếu bạn không mặc quần.

Trong khi đó, ông Coye Cheshire, phó giáo sư chuyên nghiên cứu về hành vi và niềm tin trên mạng, lại chỉ ra một động lực khác của việc cập nhật những thông tin ngoài lề như vậy lên mạng. “Điều quan trọng là để mọi người biết liệu một nhân vật chính trị lớn có chung sở thích với mình hay không”. Cũng theo vị giáo sư đến từ Đại học California tại Berkeley này, việc tạo ra danh sách các bài hát trên Spotify là hành động giúp các ứng viên trở nên gần gũi hơn.

 
Đó là câu chuyện tại Mỹ. Còn tại Singapore, nơi mà truyền hình, đài phát thanh và báo chí đều thuộc sở hữu nhà nước, các mạng xã hội như Facebook, Twitter và ngay cả trang web chia sẻ video Youtube đều được sử dụng để mang lại một sân chơi cân bằng cho các ứng viên. Truyền thông xã hội đã được sử dụng để nhanh chóng đáp ứng các ý kiến của nhân dân và huy động quần chúng trong các cuộc tuần hành ở sân vận động sau các cuộc tụ họp vào ban đêm hoặc giờ ăn trưa ở các khu kinh doanh.

Thậm chí Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tổ chức một cuộc trò chuyện trên Facebook để thu hút các cử tri lần đầu tiên bỏ phiếu vốn là thế hệ trẻ có hiểu biết về internet. Có thể nói, truyền thông xã hội đã trở thành công cụ thích hợp vào đúng thời điểm. Bất cứ người nào chiến thắng sẽ phải quen với việc sử dụng internet và sự cởi mở mới trong thế giới truyền thông xã hội.

Mới đây nhất, trước những ngày diễn ra vòng bầu cử tổng thống Venezuela, tại các đường phố của đất nước này đã xuất hiện nhiều tranh cổ động cho ứng viên Tổng thống Hugo Chavez. Để thu hút thêm số lượng cử tri, ngoài tranh cổ động, ông Chavez còn tiếp thị hình ảnh lãnh đạo của mình qua chương trình đối thoại “A lô Tổng thống”.

Ban đầu, chương trình chỉ phát trên đài phát thanh nhưng sau đó được phát sóng trực tiếp trên hệ thống truyền hình toàn quốc với mục đích tiếp xúc với công chúng, đồng thời đưa ra những thông báo và giải thích về những chính sách quan trọng của chính phủ. Một kênh quan trọng không kém nữa là mạng xã hội Twitter. Sau khi gia nhập tiểu blog này, tài khoản của ông Chavez đã thu hút 2,5 triệu người vào tháng 12-2011 và có thêm nửa triệu người theo dõi từ đầu năm 2012 đến nay.

 Lan Anh / Theo The New York Times

Bình luận
vtcnews.vn