"Sức mạnh báo chí là sức mạnh của quần chúng nhân dân"

Tổng hợpThứ Ba, 22/06/2010 03:33:00 +07:00

Đó là lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp với các nhà báo nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Sức mạnh của thông tin báo chí chính là sức mạnh của công luận, của quần chúng nhân dân. Do vậy, nếu nhìn rộng hơn thì báo chí không chỉ là cầu nối mà còn là phương tiện quan trọng trong định hướng các chuẩn mực giá trị của xã hội, vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc.

 

- Cách đây 15 năm, khi đang là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, ông đã khẳng định rằng: “Báo chí là cầu nối cán bộ với nhân dân”. Xuất phát từ thực tế nào để ông có được tư tưởng rất thời đại này?

 

-Trước hết phải nói đến mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân. Cán bộ là công bộc của nhân dân, vì thế cán bộ phải hoà mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:“trung với nước, hiếu với dân”, “dân là dân của nước, nước là nước của dân”. Người đã cụ thể hóa tư tưởng “hiếu với dân” bằng chủ trương “Đảng và Chính phủ là đày tớ của nhân dân”, “Chính quyền phải có trách nhiệm lo cho dân: Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành”.

Qua thực tiễn công tác ở địa phương tôi thấy nếu cán bộ không gắn bó với dân thì làm việc gì cũng khó. Mà để gần với dân, hiểu dân thì người cán bộ phải nắm thông tin nhiều chiều, từ kênh thông tin báo cáo của cơ sở, qua phản ánh của dư luận, qua kiểm tra, giám sát, làm việc trực tiếp, trong đó có kênh thông tin quan trọng từ báo chí.

Báo chí với chức năng phản ánh xã hội sẽ bao quát nhiều vấn đề từ vĩ mô đến vi mô, cả những vấn đề liên quan đời sống hàng ngày của người dân. Báo chí là cơ quan ngôn luận của các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội. Người dân thông qua báo chí nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, kiến nghị, phản ánh những bất cập trong xã hội. Qua báo chí, cán bộ sẽ hiểu dân hơn, để từ đó gần dân, giúp dân, xử lý các kiến nghị đề xuất của công dân với tinh thần trách nhiệm, đúng đắn, kịp thời, chính xác hơn.

 

- Qua 15 năm, quan điểm này cần có bổ sung gì để phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay, thưa Bộ trưởng?

 

- Khi nói “ Báo chí là cầu nối cán bộ với nhân dân” là tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của báo chí đối với những người làm công tác quản lý nhà nước. Nếu nhìn ở góc độ khác thì báo chí còn là cầu nối nhân dân với cơ quan nhà nước, mà thực tiễn không phải đến bây giờ mới có sự tương tác ấy. Báo chí đang ngày càng có vai trò quan trọng trong xã hội dân chủ.

Sức mạnh của thông tin báo chí chính là sức mạnh của công luận, của quần chúng nhân dân. Do vậy, nếu nhìn rộng hơn thì báo chí không chỉ là cầu nối mà còn là phương tiện quan trọng trong định hướng các chuẩn mực giá trị của xã hội, vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc.

 

- Nhiều nhà báo lão thành cho rằng chưa bao giờ nhà báo khó tác nghiệp như hiện nay. Bộ trưởng đánh giá thế nào về nhận định này? Liệu có phải hoạt động báo chí đang bị quản lý quá chặt, thưa ông?

 

- Nếu so với trước đây, chưa bao giờ hoạt động báo chí phát triển như giai đoạn hiện nay. Hệ thống báo chí Việt Nam đã có sự phát triển toàn diện cả về số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức thông tin và đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Có được những thành quả đó là do Đảng, Nhà nước ta đã có đường lối phát triển văn hóa nói chung, báo chí nói riêng phù hợp với xu thế và thực tiễn.

Quan điểm phát triển nhanh đi đôi với quản lý tốt hoạt động báo chí là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong công tác quản lý nhà nước về báo chí. Hoạt động báo chí trong cơ chế thị trường không tránh khỏi những va vấp nghề nghiệp. Cơ chế của chúng ta thông thoáng, cởi mở nhưng cũng có những quy định đòi hỏi người làm báo phải tôn trọng. Cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức của công dân và cán bộ trong việc phối hợp với báo chí. Một số vụ hành hung nhà báo trong thời gian qua cho thấy cần phải có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi đe dọa, cản trở, hành hung phóng viên khi đang tác nghiệp vì sự nghiệp chung.

 

- Những bài báo hay thường được xem như những con dao sắc, ai cũng muốn dùng dao sắc nhưng tất thảy đều sợ đứt tay. Ông nghĩ sao về điều này?

 

- Một bài báo sắc sảo về nghiệp vụ báo chí, tuân thủ đúng pháp luật nhưng khi đăng còn phải cân nhắc về tác động xã hội của bài báo, phải đặt bài viết trong tổng thể những lợi chính trị, văn hóa, đối ngoại của đất nước. Một bài báo viết hay là một bài báo viết đúng, hợp lòng dân sẽ có sức lan tỏa rộng lớn. Cố nhiên có nội dung hay với nhóm người này, lại chưa phù hợp với nhóm người khác. Đó là tính 2 mặt của 1 vấn đề.

Cái chính là phải vì số đông chân chính. Đừng sợ dư luận hiểu nhầm. Bởi 1 bài viết có tâm, có tầm, có văn hóa thì tự nó sẽ tìm được chỗ đứng, lan tỏa trong không gian, bền vững với thời gian và lưu lại trong lòng công chúng, hướng thiện cho con người làm những điều tốt.

 

- Thời gian vừa qua, báo chí đã làm được nhiều việc, tuy nhiên cũng có không ít tổn thất, điển hình như sau vụ PMU18 có không ít nhà báo bị kỷ luật, thậm chí có người bị phạt tù. Điều này tạo ra nhiều ảnh hưởng tới giới báo chí, nhất là những người mới vào nghề. Ông có lời khuyên nào với các nhà báo trẻ?

 

- Nghề làm báo liên quan tới nhiều lĩnh vực, do vậy đòi hỏi người viết phải am hiểu sâu kinh tế, xã hội và pháp luật. Nếu người viết không am hiểu Pháp luật thì khi phản ánh thông tin dễ phạm sai lầm. Đối với nhà báo trẻ càng phải rèn luyện sao cho có cái tâm trong sáng, không ngừng học hỏi chuyên môn nghiệp vụ, tường tận pháp luật, nâng cao bản lĩnh chính trị thì mới bắt nhịp đúng đắn với thực tế và chuyên sâu nghề nghiệp thì sẽ thành công.

 

- Bộ trưởng nhận xét về các nhà báo hiện nay?

 

- Tôi nhận thấy về cơ bản anh em làm báo chí đều tốt, họ là những phóng viên được đào tạo cơ bản, lăn lộn trong thực tiễn, yêu nghề, năng động, sáng tạo, đam mê ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp thu nhanh phương pháp làm báo hiện đại, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và các hành vi sai trái. Tuy vậy, cái thiếu ở một bộ phận phóng viên trẻ là thiếu kinh nghiệm, nhận thức về chính trị, xã hội còn đơn giản, thiếu sự nhạy cảm xã hội cần thiết nên dễ sa vào các lỗi nghiệp vụ thuần túy, chủ quan cần được khắc phục dần trong tương lai.

Nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi chúc các Nhà báo Việt Nam thực hiện tốt phương châm hành động 10 chữ: Tận tụy, Sáng tạo, Trung thực, Nhanh nhậy, Hướng thiện.

 

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hoàng Ly
Ảnh: Hồ Quang                                                                                                                                                                                

Bình luận
vtcnews.vn