VN Pharma nhập thuốc ung thư giả: Cục Quản lý Dược cấp phép thì phải chịu trách nhiệm

Sức khỏeThứ Ba, 29/08/2017 07:52:00 +07:00

"Trong vụ VN Pharma, việc miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của Cục Quản lý dược là không phù hợp; việc ông này ông kia của Cục Quản lý dược không bị xử lý lại được thăng chức, hóa ra Cục này hoàn toàn vô can", Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP VN Pharma bán thuốc chữa ung thư giả, Hội đồng Xét xử đã kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan thuộc Cục Quản lý dược.

PV báo điện tử VTC News đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan xung quanh vấn đề này.

"Buôn thuốc giả" nhưng lại xử thành tội "Buôn lậu" là rất nguy hiểm cho xã hội

- Thưa bà, trách nhiệm của cá nhân, tập thể Cục Quản lý dược thế nào trong vụ việc VN Pharma bán thuốc chữa ung thư giả cho người bệnh?

Là Đại biểu Quốc hội giám sát các vấn đề về Y tế, theo tôi, Cục Quản lý dược không thể nói đơn giản là anh đã hợp tác với cơ quan điều tra, đã báo với cơ quan điều tra… rồi tự nhiên miễn trách nhiệm. Tôi không đồng ý việc đó.

Trong phiên xét xử sai phạm tại công ty VN Pharma vừa rồi, Tòa án cũng đã kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan thuộc Cục Quản lý dược. Cho nên, có thể trong thời gian tới, cơ quan điều tra sẽ xem xét sai phạm, cần thiết sẽ khởi tố.

1-lan_SGCQ

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, rất khó khăn chúng ta mới bắt được một vụ "buôn thuốc giả" thì phải xử lý thật nghiêm để răn đe.

Sự việc ở đây có hai vấn đề, nếu chỉ vì Cục Quản lý Dược hợp tác điều tra tốt mà được miễn truy tố thì cái này không có trong luật. Nếu thế, thì tất cả mọi vụ việc trên đời này đơn giản quá, bạn có dám không hợp tác với cơ quan điều tra không? Nếu cơ quan điều tra hỏi thì phải trả lời chứ.

Thứ hai là việc Cục Quản lý dược đã kịp thời báo cơ quan điều tra, có biện pháp ngăn chặn với lý do Cục nghi ngờ thuốc của VN Pharma là giả, nghi ngờ hồ sơ có vấn đề. Tôi chỉ nói thế này: Nếu như đã nghi ngờ thì anh đã không cấp giấy phép. Chứ anh đã cấp giấy rồi thì anh phải chịu trách nhiệm.

Theo trình tự thì Cục Quản lý dược cấp phép, sau đó công ty nhập thuốc, rồi bán ra thị trường tới các phòng khám, bệnh viện sử dụng. Nếu có vấn đề thì các Sở Y tế địa phương báo cáo lên thì Cục Quản lý dược mới biết và có căn cứ để nghi ngờ. Tôi hỏi, Cục Quản lý dược ngồi trên cấp giấy thì biết gì mà nghi ngờ? Rất vô lý.

Vấn đề gây bức xúc cho dư luận là hồ sơ công ty còn mới toanh, nhưng VN Pharma chỉ mất vài tháng để được cấp đăng ký thuốc.

Thậm chí, thuốc của VN Pharma đăng ký cho đến giờ mình cũng không biết của công ty nào. Trong khi, có những thuốc của các hãng dược nổi tiếng phải mất đến cả năm trời để xin đăng ký. Như vậy, dư luận có quyền nghi ngờ, anh gác cửa (chỉ Cục Quản lý dược - PV) như thế này là quá vô trách nhiệm.

Sau đó, chỉ vì anh thấy động tĩnh, hoặc có dấu hiệu thế này thế kia thì anh mới có công văn đề nghị điều tra. Cục Quản lý dược không đề nghị thì công an vẫn điều tra.

- Mức án dành cho giám đốc công ty VN Pharma như vậy đã thỏa đáng, đúng người đúng tội chưa, theo ý kiến cá nhân bà?

Vụ việc này xử không đúng tội. Đối tượng Nguyễn Minh Hùng (39 tuổi, ngụ quận 10, TP HCM, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma) chỉ bị xử tội "Buôn lậu" là không đúng, tội này phải là tội “Buôn thuốc giả”.

Thứ hai, là miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của Cục Quản lý dược là không phù hợp. Còn việc ông này ông kia của Cục Quản lý dược không bị xử lý lại được thăng chức, hóa ray Cục Quản lý dược là hoàn toàn vô can, không có tội lỗi gì.

Vì nguyên tắc lên chức là như thế, trong suốt quá trình anh làm tốt, không để xảy ra vi phạm thì mới được cất nhắc. Tuy nhiên, nói như vậy cũng là hơi vội vã, tôi không muốn nhắc đến chuyện ông này ông kia lên chức nhưng thực sự việc đó buồn cười quá. Lẽ ra chúng ta phải xử nghiêm để làm gương cho những người khác.

bo y te2222222222

 Ông Trương Quốc Cường (bên trái), khi còn là Cục trưởng Cục Quản lý dược ký cấp phép cho nhập khẩu thuốc H – Capita của công ty VN Pharma nay được bổ nhiệm lên Thứ trưởng. Ông Nguyễn Tấn Đạt (bên phải), trưởng Phòng quản lý kinh doanh dược người trực tiếp đánh giá hồ sơ được lên chức Phó cục trưởng liệu có trách nhiệm trong vụ việc?

Những người còn đang manh nha ý định làm tiền, kiếm được lợi nhuận trong chuyện thuốc thang này phải chùn tay lại. Chứ thế này thì sướng quá, ông quản lý nhà nước, “gác cửa” cấp như thế, cấp nhanh hơn thuốc khác trong khi đó chất lượng thì tào lao, còn ông thì lên chức.

Còn ông Hùng, người trực tiếp đi nhập thuốc đó thì có bị xử 12 năm tội “Buôn lậu” thôi. Thế thì rất nguy hiểm cho xã hội.

Bác sĩ mà vô lương tâm thì đâu sợ bị chửi rủa, họ sợ bị phạt thôi

- Bà đánh giá thế nào về thực trạng cấp phép nhập và phân phối thuốc hiện nay?

Vấn đề này để giải quyết triệt để thì rất khó, vì nó còn liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của người làm ngành Y, Dược. Nhất là về đạo đức nghề nghiệp, khi chúng ta không có chế tài để xử lý.

Cụ thể, với chuyện hoa hồng thầy thuốc, không có luật nào xử lý chuyện đó cả. Tôi đã đề xuất bổ sung vào Luật Dược chế tài xử lý đối với việc này nhưng không được chấp nhận.

Các nước khác, nếu công ty có chính sách chi hoa hồng cho bác sĩ mà bị bắt quả tang thì có thể bị phạt hàng tỷ USD. Cho nên, giờ chúng ta phải bổ sung về luật, cùng với việc kiểm soát về giả cả thuốc, tránh tình trạng công ty nâng khống lên để rồi lấy chênh lệch đó chi hoa hồng cho bác sĩ.

Việc ngăn chặn càng khó hơn khi các công ty cạnh tranh với nhau, bởi đây là thị trường rất cạnh tranh. Công ty này chi hoa hồng rồi, công ty khác cũng phải chi, cứ như vậy đua nhau là không được.

Video: Vụ VN Pharma, trách nhiệm cao nhất thuộc về ai?

Về thuốc giả thì nước ta đã có luật rõ ràng, khung hình phạt cho thuốc giả rất nặng cao nhất là tử hình, nặng hơn tội buôn lậu nhiều. Nhưng bao lâu nay chúng ta bắt được bao nhiêu vụ thuốc giả? Và khi bắt được rồi thì “nó” lại xoay qua thành buôn lậu như vụ công ty VN Pharma.

Thử hỏi, làm như vậy sao mà răn đe, mà giải quyết được. Cho nên, dư luận bức xúc là đúng.

Tôi đồng ý rằng những vụ việc như thế này bắt rất khó, vì chúng tẩu tán chứng cứ rất nhanh và tinh vi. Chính vì bắt rất khó như vậy nên khi bắt được công ty nào, cá nhân nào phải xử cho nghiêm.

Chuyện chi hoa hồng cho bác sĩ, chứng cứ đã có, căn cứ trên đó sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Chứ bây giờ Tòa lại tách riêng ra, đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc thì tôi không biết đến bao giờ mới thực hiện được.

Đừng có để lâu sự việc lại chìm xuồng.

- Biện pháp nào để ngăn chặn tiêu cực trong lĩnh vực đăng ký, cấp phát thuốc này?

Câu hỏi này dành cho lãnh đạo ngành Y tế, tôi với vai trò là Đại biểu Quốc hội giám sát thì chỉ đề xuất vậy. Tôi đã đề xuất rất nhiều trong việc sửa đổi Luật Dược, nhưng không được tiếp thu, có đề xuất thì cũng có ai thực hiện đâu?

Chúng ta phải xem lại cơ chế của mình, phải công khai minh bạch hơn. Phải xử lý vấn đề tận gốc, những vi phạm phải có chế tài xử lý cho thật nghiêm.

Hoa hồng thì phải có chế tài xử phạt như thế nào, phải xử lý vai trò của công ty. Công ty còn xử được chứ nắm được bằng chứng bác sĩ ăn hoa hồng thì cực kỳ khó. Chẳng có ông bác sĩ nào ký nhận cả, vậy nên phải xử lý công ty chi hoa hồng.

Bởi vì, hoa hồng chi bởi công ty sẽ có chứng cứ, không có một trình dược nào lấy tiền túi đi chi hoa hồng, họ phải lấy tiền công ty. Lấy tiền công ty thì trong sổ sách sẽ phải dùng hai hệ thống hoặc như thế nào đó thì cơ quan điều tra lần ra được thôi.

Khi mà tìm ra được bằng chứng công ty chi hoa hồng cho bác sĩ thì đầu tiên ta phạt hành chính thật nặng. Tái diễn thì ta truy tố, cứ xử thật nghiêm vài lần thì sẽ bớt đi tiêu cực.

Thứ nữa, là phải lành mạnh hóa thị trường. Thị trường giờ rất phức tạp, thuốc sản xuất cũng nhiều, nhập khẩu cũng nhiều. Đặc biệt, nhập khẩu cả những thuốc mình sản xuất được vẫn cho nó vào thì nó phải “đánh nhau” để tồn tại. Quản làm sao nổi.

Tại sao chúng ta không xây dựng những hàng rào kỹ thuật để hạn chế bớt những thuốc mà mình đã sản xuất được. Bản thân thuốc H – Capita mà VN Pharma nhập về có đầy trên thị trường và còn nhiều mặt hàng khác trong nước đang ế đầy ra nhưng VN Pharma vẫn nhập về với danh nghĩa là thuốc Canada để nó bán, chiếm nhóm thầu.

Sau cùng mới là giáo dục và tuyên truyền. Báo chí cũng góp phần tuyên truyền, còn xã hội thì chửi rủa những ông bác sĩ vô lương tâm. Nhưng thực sự, một khi bác sĩ đã vô lương thì họ sợ gì chửi rủa mà chỉ sợ phạt thôi.

 
Một khi bác sĩ đã vô lương thì họ sợ gì chửi rủa mà họ chỉ sợ phạt thôi.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan

Và cuối cùng đau khổ nhất, chạnh lòng nhất là những người không vi phạm, bởi mình cũng là bác sĩ, là dược sĩ rồi cả xã hội nhìn vào bằng con mắt như thế nào. Trong khi đũa đâu có vơ cả nắm được, cũng có người này người kia.

Thực ra, chuyện hoa hồng chiết khấu thì ngành nghề nào cũng có chứ chẳng riêng gì ngành dược, chỉ có điều trong ngành việc đó không được phép. Có một số trường hợp được phép chia sẻ về lợi nhuận là các hội thảo khoa học, hội nghị… nhưng vẫn phải kiểm soát để nó không biến tướng trở thành phương tiện hối lộ.

Nói chung, để ngăn chặn thì có nhiều biện pháp nhưng nương nhẹ trong xử lý thì không bao giờ thay đổi được.

Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế thời điểm đó là Cục trưởng Cục Quản lý dược ký cấp phép cho nhập khẩu thuốc H – Capita của công ty VN Pharma được bổ nhiệm lên Thứ trưởng.

Ông Nguyễn Tấn Đạt, trưởng Phòng quản lý kinh doanh dược người trực tiếp đánh giá hồ sơ và đề nghị cấp phép cho nhập khẩu H – Capita được lên chức Phó cục trưởng Cục quản lý dược sau khi Nguyễn Minh Hùng (Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma) bị bắt.

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn