Tìm lại gương mặt cho cô bé mang dị tật hiếm gặp ở Quảng Bình

Sức khỏeThứ Sáu, 28/06/2019 15:50:00 +07:00

Mắc dị tật hiếm gặp khiến cô bé Tôn Nữ Hoàng Dung bị bạn bè sợ hãi, không thể đến trường và phải đối mặt với những nguy cơ lớn về sức khỏe.

Cô bé Tôn Nữ Hoàng Dung (4 tuổi, Quảng Bình) khi vừa sinh ra đã mang dị tật hiếm gặp ở xương sọ, phần não tràn ra vùng mũi, khiến mắt bị đẩy xuống, lồi ra ngoài, làm ảnh hưởng đến ngoại hình và thị lực. Mắt trái của bé hoạt động bình thường, trong khi mắt phải bị đục giác mạc.

Bên cạnh đó, việc thiếu da mí mắt và sụn đỡ bên trong cũng khiến mắt em thường xuyên bị khô. Cô bé là đứa con duy nhất của anh Tôn Thắng Dũng và chị Hoàng Thị Thùy Linh.

Mẹ của bệnh nhi cho biết khi mang thai con gái, chị có đi khám định kỳ thường xuyên nhưng thai nhi nằm úp nên không phát hiện dị tật từ sớm. Lúc vừa chào đời, Hoàng Dung chỉ nặng 2 kg và phải được theo dõi suốt 2 tuần trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh.

di tat bam sinh

Bé Hoàng Dung trước khi phẫu thuật 

“Tôi đã rất sốc, nhưng tôi hiểu rõ rằng mình sẽ phải yêu thương con nhiều hơn vì biết chắc tương lai của Hoàng Dung sẽ không được êm đẹp như những đứa trẻ bình thường khác”, chị chia sẻ khi lần đầu tiên nhìn thấy con gái.

Là cô bé thông minh và lém lỉnh, thế nhưng Hoàng Dung không thể đi học vì những đứa trẻ khác khi nhìn thấy em đều hoảng sợ và khóc. Cô bé chỉ biết lủi thủi một mình ở nhà chơi với búp bê, xem TV và luôn hỏi mẹ: “Mẹ ơi khi nào con được đi học?”, “Mẹ ơi sao các bạn không chơi với con?”.

Năm hai tuổi, Hoàng Dung đã trải qua ca phẫu thuật đầu tiên để loại bỏ lượng mỡ tích tụ ở phía trước đầu với kích thước bằng một quả bưởi. Tuy nhiên, phần mắt nếu không được can thiệp sớm, em có khả năng bị mất thị giác vĩnh viễn.

Sau đó, gia đình đã đưa Hoàng Dung sang Singapore để điều trị. Cô bé được bác sĩ Keith Goh, chuyên khoa phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Mount Elizabeth, tiếp nhận.

Sau khi thăm khám, bác sĩ này cho biết: “Nếu không được điều trị, phần não thoát vị ở vùng sọ trước sẽ dần thế chỗ cho nhãn cầu và mũi, làm biến dạng gương mặt. Trong trường hợp này, bé có thể mất đi thị lực và gương mặt sẽ còn biến dạng hơn nữa”. Vì vậy, ê-kíp bác sĩ nhanh chóng tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi.

Sau ca mổ kéo dài 11 tiếng, bệnh nhi phục hồi tốt. Em đã được xuất viện và trở về Việt Nam sau vài tuần theo dõi. 6 tháng sau cuộc đại phẫu, khuôn mặt của Hoàng Dung đã có nhiều thay đổi. Em khỏe mạnh và vui vẻ hơn, mắt đã có thể nhắm lại một phần và vẻ ngoài cũng được cải thiện.

Theo bác sĩ Keith, bước điều trị tiếp theo cho bệnh nhi sẽ được thực hiện khi Hoàng Dung trưởng thành hoàn toàn, có thể từ 18 tuổi trở lên.

Bệnh nhi cần được kiểm tra thường xuyên về thị lực và tình trạng của mắt. Ngoài ra, sự phát triển của khuôn mặt cũng phải được theo dõi để chắc chắn không có vấn đề về việc hô hấp. Đặc biệt, bé cần được theo dõi và kiểm tra sự phát triển của não bộ.

IMG_6410 4

Bé Tôn Nữ Hoàng Dung (4 tuổi) và mẹ là chị Hoàng Thị Thùy Linh, cùng với bác sĩ Keith Goh (bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại bệnh viện Mount Elizabeth) và bác sĩ Noel Yeo (CEO của bệnh viện Mount Elizabeth) đã có một buổi trò chuyện chia sẻ về hành trình tìm niềm hy vọng mới cho Hoàng Dung qua ca phẫu thuật kéo dài 11 tiếng tại Singapore để tái tạo lại gương mặt dị dạng bẩm sinh.

IMG_6397 4

Gương mặt của bé Hoàng Dung thay đổi rất nhiều sau khi được phẫu thuật.

Tại buổi gặp gỡ báo chí, chị Thùy Linh - mẹ bé Tôn Nữ Hoàng  Dung rơm rớm nước mắt chia sẻ: “Suốt quá trình chạy chữa cho cháu ở Singapore, tôi và bé cảm nhận được sự ấm áp từ Bác sĩ Keith Goh. Thật sự bác không chỉ là một bác sĩ mà như một người cha, một người thân của gia đình tôi”.

Trong khi đó, Bác sĩ Noel Yeo – Giám đốc điều hành tại Mount Elizabeth chia sẻ suy nghĩ của ông về trường hợp của Hoàng Dung: “Với những tiến bộ trong công nghệ và kỹ thuật phẫu thuật,chúng ta đang có nhiều lựa chọn tốt hơn để điều trị các bệnh lý phức tạp và nguy hiểm. Mount Elizabeth cam kết sẽ hỗ trợ các bệnh nhân Việt Nam tốt nhất có thể, mang đến sự an tâm và đảm bảo rằng họ cảm thấy thoải mái khi lưu trú tại bệnh viện. Sáng kiến gần đây nhất là xây dựng một khu điều trị dành riêng cho bệnh nhân Việt Nam (Vietnam themed Ward), được thiết kế đặc biệt để họ cảm thấy gần hơn với quê hương".

Thiếu Huyền
Bình luận
vtcnews.vn