Thủ tướng: 'Chống dịch tả lợn châu Phi phải như chống giặc'

Sức khỏeThứ Hai, 04/03/2019 12:48:00 +07:00

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải cùng vào cuộc quyết liệt chống dịch tả lợn châu Phi.

Sáng 4/3, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; các bộ ngành và nhiều địa phương đã có dịch cũng như các địa phương có nguy cơ cao.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tất cả lãnh đạo các tỉnh tham gia họp trực tuyến phải trực tiếp tham dự vì đây là bệnh dịch rất nguy hiểm.

53403595_801013273594541_8455738630894256128_n

 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chặn dịch tả lợn châu Phi.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi cũng cấp bách không khác gì ‘chống giặc’. 

“Chống dịch như chống giặc, chúng ta phải huy động các cấp, các ngành cùng ngăn chặn có hiệu quả dịch đã xâm nhập vào 7 tỉnh thành. Nếu chúng ta ngăn chặn tốt, kịp thời hơn thì dịch không lan rộng. Nhìn sang Trung Quốc, với sự quyết liệt họ đã thành công, đây là bài học cho chúng ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng đặt hàng loạt câu hỏi: Tại sao dịch bùng phát từ một tỉnh, 2 tỉnh đến 7 tỉnh? Nguyên nhân thực sự ở đâu? Do vận chuyển, tiêu thụ hay phát tán trong không khí, hay có người che giấu...

Theo Thủ tướng, do đặc điểm nuôi lợn ở Việt Nam khác các nước, nên các địa phương, các Bí thư, Chủ tịch phải vào cuộc quyết liệt.

“Một vài tỉnh chỉ cử đại diện cơ quan thú y tham dự là không được. Tôi yêu cầu hệ thống chính trị các cấp, ngành, thực hiện nghiêm túc chỉ thị 04. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về việc này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương vừa tuyên truyền, vừa yêu cầu người chăn nuôi thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán; không giết mổ, mua bán lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm cám cho lợn.

"Sau hội nghị này, các địa phương cần quyết liệt không để dịch lây lan. Tôi tin tưởng rằng, dịch tả lợn châu Phi sẽ được ngăn chặn hiệu quả ở Việt Nam.

53080120_2152830524832533_2170311429243011072_n

 Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trong khi đó, báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả lợn châu Phi là bệnh dịch rất nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn. Bởi lẽ, virus gây bệnh lan truyền rất nhanh bằng nhiều con đường, nhiều hình thức và đã xâm nhập vào đàn lợn là tỷ lệ chết rất cao, thậm chí 100%.

“Trên thế giới chưa tìm ra vắc-xin phòng, chống. Nếu không khống chế được thì tổn hại về kinh tế sẽ rất lớn”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo báo cáo nhanh, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả, đại đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y xử lý tiêu hủy ngay lập tức.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, không gây bệnh cho các loài động vật khác, lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%, bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn, không lây nhiễm và gây bệnh ở người.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 2017 đến ngày 3/3/2019, đã có hơn 20 quốc gia báo cáo có dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, một số nước xung quanh Việt Nam đã có dịch nhưng chưa công bố.

VIỆT AN
Bình luận
vtcnews.vn