Thể hiện bản lĩnh bên chén rượu, cốc bia, nhiều người hóa tâm thần

Sức khỏeThứ Sáu, 15/02/2019 11:47:00 +07:00

Dù biết tác hại của rượu bia, nhưng đấng mày râu vẫn sẵn sàng bắt tay với “thần chết” để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông.

“Đua nhau” nhập viện

ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, năm nào cũng vậy, trước và sau Tết, lượng người nhập viện do bia rượu lại tăng cao, thậm chí có ngày 2 đến 3 ca ngộ độc rượu trong tình trạng khác nhau từ nặng tới nhẹ.

Đáng chú ý, bệnh nhân bị ngộ độc rượu không chỉ có người lớn tuổi mà người trẻ tuổi cũng nhiều, đặc biệt, có cả nữ giới.

Mới đây nhất, Trung tâm tiếp nhận một nam thanh niên 27 tuổi, ở Bắc Ninh, được người nhà đưa đến với biểu hiện nôn, hôn mê vì nhậu tiệc liên hoan với bạn bè. Người này sau khi uống khoảng 4,5 lít rượu cùng 12 người bạn khác thì bắt đầu nôn, chóng mặt rồi lịm đi cho tới khi đến viện.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, lơ mơ, không nhận thức. Xét nghiệm lượng kali/máu, đường/máu thấp, rối loạn nhịp tim. Rất may là bệnh nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời. Nếu muộn, rất có thể không giữ nổi tính mạng.

ruou

 Biết uống là nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn chọn rượu làm "bạn".

Hai bệnh nhân khác cũng với tình trạng tương tự. Cả hai đều bị ngộ độc rượu có cồn methanol và có tiền sử nghiện rượu, nhập viện trong tình trạng rất nặng, hôn mê, sốc, toan chuyển hóa nặng.

Trong số này có một bệnh nhân 54 tuổi tại Hà Nam dù biết mắc xơ gan, tiểu đường nhiều năm nay nhưng do nghiện rượu, lại thêm con cháu về đông nên trong mấy ngày Tết ông luôn trong tình trạng quá chén. Người nhà cho biết, ông uống liên tục, mỗi ngày 1 lít rượu, triền miên, kéo dài trong nhiều ngày.

Không dừng lại ở đó, người đàn ông này còn uống thêm các loại rượu lạ không phải của nhà nấu mà do người khác mang biếu, nên lâm vào tình trạng nguy kịch, nhập viện khẩn cấp vào mùng 4 Tết vừa qua. Để giữ lại tính mạng cho ông, các bác sĩ đã liên tục cấp cứu, hồi sức tích cực trong nhiều ngày. Người nhà người thân vì thế cũng mất Tết vì thay nhau vào viện chăm sóc.

Nghiện rượu là "bắt tay với cái chết"

Theo PGS. TS Bùi Quang Huy – Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân Y 103, một người uống rượu liên tục không nghỉ mỗi ngày trên 300ml rượu 40 độ được coi là nghiện rượu.

Nhiều người trong số đó, chỉ vì rượu mà hóa tâm thần. Cao điểm, tại Khoa tâm thần của bệnh viện, 100 bệnh nhân bị tâm thần thì có tới 30% phải điều trị các chứng bệnh về rối loạn tâm thần do nghiện rượu gây nên.

Hầu như ngày nào khoa cũng tiếp nhận 2 – 3 người nghiện rượu nhập viện, thậm chí có ngày 5 – 6 người. Độ tuổi nghiện rượu đa phần 40 – 50 tuổi. Tuy nhiên, việc xuất hiện ngày càng nhiều những bệnh nhân trẻ nhập viện do nghiện rượu đã không còn hiếm.

Bác sĩ Huy nhớ gần đây có một nam thanh niên mới 27 tuổi nhập viện khẩn cấp do sảng rượu. Anh này nghiện tới mức hàng ngày phải đút chai rượu vào trong ngực áo, kèm theo cái ống hút ở chai rồi thi thoảng cúi xuống cổ áo "hút trộm" rượu cho mọi người khỏi biết.

ruou 2

Sau những cuộc vui chè chén là nỗi lo của gia đình khi những con "ma men" có nguy cơ cao phải nhập viện bất cứ lúc nào. (Ảnh minh họa: Kenh14) 

Theo BS Huy, trong tổng số 100 bệnh nhân nhập viện do sảng rượu thì có khoảng 1/3 bệnh nhân sẽ chết. Điều này thực tế không có gì đáng ngạc nhiên vì cấp cứu người bị sảng rượu được coi là cấp cứu tâm thần tối khẩn cấp. 

Ngoài ra, sảng rượu cũng có những triệu chứng rất kỳ lạ. Điển hình như trong 24 giờ đồng hồ sau khi uống rượu bệnh nhân sẽ không ngủ được, lúc nào cũng hoang tưởng, nghe thấy ma quỷ, chửi rủa, ám hại trong đầu. Thậm chí có bệnh nhân bị rối loạn về ý thức, không biết về thời gian, không gian, không rõ trời đang sáng hay tối.

“Những bệnh nhân như vậy thường rất dễ chết bởi nhiều lý do, có thể vì tai nạn ngã từ tầng cao xuống vì luôn trong tình trạng hoang tưởng, có thể do rối loạn ý thức tự đâm chém vào bản thân mình dẫn đến thiệt mạng.

Tuy nhiên, nguy cơ cao nhất, thường gặp nhất vẫn là những người nhập viện do uống rượu dẫn đến viêm cơ tim, ngừng tim hay rối loạn điện giải. Trường hợp này bệnh nhân uống rượu sẽ ra mồ hôi như tắm, nôn, không uống được nước hay uống vào là nôn. Đây cũng những trường hợp cực kỳ khó cấp cứu nên thiệt mạng rất nhanh chóng”, BS Huy nhấn mạnh.

Đáng sợ là vậy, nhanh chết đến thế, nhưng hình như khắp nơi, trong các bữa liên hoan, gặp mặt, rượu bia vẫn là thứ không thể thiếu đối với cánh mày râu. Thậm chí ít thôi chưa đủ, phải “uống nhiều” mới thấy “vui”.

Người uống quá nhiều rượu hay nghiện rượu lâu ngày sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, xơ gan, đau dạ dày, suy thận, thậm chí sốc, ngộ độc dẫn tới thiệt mạng...

Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, việc tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam thuộc những nước cao trong khu vực, ước tính mỗi người Việt trên 15 tuổi có thể tiêu thụ khoảng 8,3 lít cồn nguyên chất trong 1 năm (2016).

Như vậy, có khoảng 70% người Việt Nam đều ít nhiều chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của rượu bia. Con số này nhiều hơn lượng bia rượu mỗi người Trung Quốc dùng và gấp 4 lần người Singgapore.

Năm 2018, chỉ số sử dụng rượu bia của Việt Nam đang đứng ở số 29 trên thế giới.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong dịp nghỉ lễ Tết Kỷ Hợi 2019 vừa qua, cả nước có khoảng 1000 ca ngộ độc rượu phải nhập viện.

Video: Cách xử lý nhanh khi ngộ độc rượu

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn