Tai biến chạy thận 8 người chết ở Hòa Bình: Không nên mặc cả trước cái chết của bệnh nhân

Sức khỏeThứ Năm, 16/11/2017 15:14:00 +07:00

Cái nhìn khách quan nào cho sự cố ngành y và liệu có nên “mặc cả” với cái chết của người bệnh như sự cố làm 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình?

Những ngày cuối tháng 5/2017 vừa qua, dư luận nói chung và những bệnh nhân bệnh thận nói riêng không khỏi bàng hoàng trước sự cố y khoa khi chạy thận khiến 8 người tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Sau hơn nửa năm, sự việc hiện đã được điều tra khởi tố, các bị can hiện đã bị bắt tạm giam để điều tra. Bản thân ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình bấy giờ cũng đã bị cách chức do có trách nhiệm liên quan trong vụ tai biến.

Tuy nhiên, mọi chuyện chưa dừng lại ở đó khi bệnh viện và thân nhân người bệnh đã tử vong trong vụ tai biến vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong thỏa thuận đền bù.

Phía bệnh viện đồng ý hỗ trợ đền bù từ 136 triệu đồng tới 242 triệu đồng, tùy từng gia đình, từng trường hợp.

Tuy nhiên, về phía thân nhân các nạn nhân lại không đồng ý mức hỗ trợ đền bù này và yêu cầu bồi thường 250 triệu đồng cho mỗi gia đình. 

3aae8f9df1711c2f4560

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế từng chia sẻ về việc không nên tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương sau vụ tai biến chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình (Ảnh: Nguyên Hoàng)

Tòa án và lương tâm

Phóng viên VTC News đã có trao đổi với ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế về vấn đề này.

Theo ông Quang, Bộ Y tế không có chức năng hướng dẫn vấn đề này, bồi thường phải theo quy định pháp luật. Ông Quang cho biết, phải đợi kết luật cuối cùng của tòa án sau khi có kết quả của cơ quan điều tra, từ đó mới có phán quyết về bồi thường cụ thể cho hợp tình hợp lý.

“Phải hiểu rõ, phân biệt rõ giữa bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật và việc hỗ trợ đền bù dựa trên thỏa thuận hai bên”, ông Quang nói.

Trong khi việc bồi thường là bắt buộc theo quy định pháp luật, hỗ trợ đền bù lại thể hiện trên phương diện tình cảm, với tinh thần cầu thị và trách nhiệm trước cái chết của người bệnh. Mức hỗ trợ là thỏa thuận của bệnh viện và người nhà bệnh nhân.

Trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận sẽ phải chờ kết luận cuối cùng từ phía tòa án để xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai, mức độ bồi thường thiệt hại là bao nhiêu.

Khách quan mà nói, ông Quang cho rằng,  cũng nên xác định bệnh viện chỉ có thể làm theo đề nghị trong khả năng thôi, chứ không thể theo đòi hỏi của mọi người, bởi có người nặng, người lớn tuổi, người nuôi con nhỏ, hay người lao động…

Hơn nữa, bệnh viện hiện cũng đã làm trên phương diện tình nghĩa, trực tiếp thỏa thuận với thân nhân người bệnh tử vong, chứ không phải đợi kết luận của tòa án.  

Nếu thực hiện theo trình tự đợi tòa án ra kết luận cuối cùng, Tòa sẽ xác định mức bồi thường phụ thuộc vào từng người một, rồi chưa kể thời gian đền bù cho gia đình các nạn nhân cũng sẽ bị kéo dài.

Ông Quang cũng mong: “Người nhà bệnh nhân nếu có thể cũng nên nhìn theo góc độ đấy, dù sao người thân cũng đã về nơi chín suối. Chúng ta dừng xới lên chuyện cho đau lòng thêm mà hãy bình tĩnh, cùng ngồi lại với nhau giải quyết cho nhẹ nhàng”.

Quy trình và y đức

Cũng vừa mới đây, một sản phụ bị vỡ tử cung vừa được cứu sống thành công cả mẹ và con sau khi được các bác sĩ tại BVĐK huyện Thạch Thất bỏ qua các thủ tục hành chính để tiến hành cứu chữa bệnh nhân.

Nếu thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính, lấy máu xét nghiệm…, chắc chắn người bệnh sẽ không qua khỏi, ông Quang nhận định.

Thủ tục hành chính đầy đủ có thể coi là quy trình an toàn, quy trình trái với tinh thần y đức, đạo đức của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và lời thề Hippocrates mà mọi nhân viên Y khoa đều nguyện làm theo.

Nguyên nhân tìm tới sự “an toàn” mà theo ông Quang là do các y, bác sĩ không còn nhiệt huyết sau khi thực hiện hàng nghìn ca mổ khó thành công nhưng vẫn bị xã hội lên án, xỉa xói chỉ sau một sự cố y khoa.

Dần dà dẫn tới tư tưởng làm đầy đủ theo quy trình, để tìm tới sự an toàn, bởi những trường hợp được khen thì lại rất ít, nhưng nếu bỏ qua thủ tục mà dẫn tới cái chết người bệnh thì tội đồ lại là các y bác sĩ.

Video: Tai biến chạy thận 8 người chết ở Hòa Bình - Gia đình nạn nhân sẽ  được bồi thường thế nào?

“Không ai biết trước sự cố gì xẽ xảy tới nhưng dù là gì, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp không cho phép họ làm ngơ, họ sẽ bỏ qua tất cả thủ tục để cứu người. Chúng ta cũng cần nhìn nhận mọi việc khách quan trên cơ sở tình người”, ông Quang nói.

Bởi thế, bài học sau sự cố chạy thận làm 8 người tử vong ở BVĐK tỉnh Hòa Bình cho thấy, sự cố xảy ra thường rất nghiệm trọng, thậm chí là chết người, nên nhắc nhở phải có sự cẩn trọng hơn nữa đối với những người làm ngành y khoa.

Nhiều ý kiến cho rằng,  dù sao cũng không nên “mặc cả” trước cái chết đau thương của những người bệnh.

Nguyên Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn