Sử dụng và thanh toán BHYT đối với thủy tinh thể nhân tạo

Sức khỏeThứ Sáu, 24/11/2017 11:41:00 +07:00

Nhiều thông tin hay đã được cung cấp tại hội thảo Chia sẻ kết quả nghiên cứu Khảo sát việc sử dụng và thanh toán BHYT đối với thủy tinh thể nhân tạo do BHXH Việt Nam phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức, diễn ra ngày 22/11 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho biết, trong những năm qua, chi phí vật tư y tế (VTYT) trong khám chữa bệnh BHYT tăng nhanh hàng năm.

Nếu như năm 2015, tổng chi phí VTYT là 2.955,4 tỷ đồng (chiếm 5,6% chi phí khám, chữa bệnh BHYT) thì năm 2016, tổng chi VTYT là 8.870,6 tỷ đồng (chiếm 6,4% chi phí khám chữa bệnh BHYT). Chi phí cho thuỷ tinh thể năm 2015 là 533,5 tỷ đồng, năm 2016 là 726,5 tỷ đồng.

3

 Hội thảo Chia sẻ kết quả nghiên cứu Khảo sát việc sử dụng và thanh toán BHYT đối với thủy tinh thể nhân tạo 

Trên cả nước có gần 300 cơ sở KCB thực hiện phẫu thuật thay thuỷ tinh thể nhân tạo. Chi phí thanh toán thuỷ tinh thể chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng chi phí VTYT trong khám, chữa bệnh BHYT. Trên thị trường có hàng trăm loại thuỷ tinh thể với mức giá khác nhau, thậm chí cùng 1 loại thuỷ tinh thể nhưng lại có giá khác biệt giữa các địa phương.

Trong khi đó, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, sử dụng thuỷ tinh thể hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập do quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu, mua sắm thuỷ tinh thể hay VTYT nói chung như hàng hóa thông thường, chưa thực sự phù hợp với với mặt hàng đặc thù trong KCB.

Không những thế, việc đánh giá loại thuỷ tinh thể nào, tiêu chí kỹ thuật nào của thuỷ tinh thể đáp ứng được nhu cầu điều trị, việc ghi thông tin đấu thầu, mức thanh toán BHYT đối với thuỷ tinh thể như thế nào là phù hợp,… đang là vấn đề cần được các cơ sở KCB, cơ quan quản lý, cũng như các nhà hoạch định chính sách quan tâm.

Để có cái nhìn tổng thể về việc sử dụng và thanh toán BHYT đối với thuỷ tinh thể, từ đó đánh giá, đề xuất một số giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả quỹ khám, chữa bệnh BHYT, đảm bảo cơ sở KCB, người bệnh tiếp cận được các loại thuỷ tinh thể có chất lượng tốt, giá cả hợp lý và được sự hỗ trợ của WHO, BHXH Việt Nam triển khai hoạt động “Khảo sát việc sử dụng và thanh toán BHYT đối với thuỷ tinh thể nhân tạo” tại Việt Nam.

1 3

 Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo phát biểu tại Hội thảo

Sau khi thu thập dữ liệu, khảo sát thực tế tại một số cơ sở KCB trên địa bàn 05 tỉnh, thành phố có tỷ trọng sử dụng thuỷ tinh thể cao trên cả nước (Hà Nội, TP.HCM, Tiền Giang, Đắk Lắk, Nghệ An), nhóm nghiên cứu của BHXH Việt Nam đã thực hiện phân tích dữ liệu, sơ bộ lập báo cáo kết quả hoạt động.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, ở Việt Nam, quỹ BHYT thực hiện thanh toán chi phí điều trị bệnh đục thủy tinh thể cho người tham gia BHYT, chủ yếu được can thiệp bằng phẫu thuật mổ thay thuỷ tinh thể nhân tạo bằng phương pháp phaco.

Trong đó, quỹ BHYT chi trả cả chi phí điều trị và chi phí thuỷ tinh thể nhân tạo. Việc sử dụng thuỷ tinh thể trong khám chữa bệnh BHYT năm 2016 tăng mạnh so với năm 2015. Nếu như, năm 2015, số lượng thuỷ tinh thể sử dụng là 177,246 thì năm 2016, số lượng sử dụng là 237,414, tăng 34%.

Trong đó, việc sử dụng tập trung vào thuỷ tinh thể đơn tiêu mềm với năm 2015 là 169,486 thuỷ tinh thể, năm 2016 là 229,933. Còn lại là thuỷ tinh thể cứng, thuỷ tinh thể đa tiêu, thuỷ tinh thể toric.

Theo số liệu sử dụng tại các cơ sở KCB, trong năm 2015 – 2016, các cơ sở KCB trên toàn quốc sử dụng 139 loại thuỷ tinh thể của nhiều hãng sản xuất khác nhau (48 hãng), trong đó có 16 loại thuỷ tinh thể nhân tạo cứng, 108 loại thuỷ tinh thể đơn tiêu mềm, 10 loại thuỷ tinh thể đa tiêu và 05 loại toric.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ rõ, một số bất cập trong đấu thầu thuỷ tinh thể liên quan đến giá, thông số kỹ thuật, đấu thầu thuỷ tinh thể,… Thuỷ tinh thể có nhiều thông số kỹ thuật, bao gồm nhóm thông số quyết định đến chất lượng của thuỷ tinh thể nhân tạo; nhóm thông số kỹ thuật phù hợp đến từng cá thể người bệnh; các thông số kỹ thuật ảnh hưởng đến quá trình thao tác, thực hiện kỹ thuật “phẫu thuật phaco”, do vậy cũng ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.

Một hãng có nhiều loại thuỷ tinh thể với các thông số kỹ thuật khác nhau, được nâng cấp thêm một số thông số kỹ thuật khác nhau dẫn đến có giá khác nhau. Giá của thuỷ tinh thể phụ thuộc vào hãng sản xuất, loại thuỷ tinh thể, nhà cung ứng lắp đặt mà chưa có chuẩn mực, quy định mức giá thuỷ tinh thể theo các thông số kỹ thuật.

Thực tế có một số loại thuỷ tinh thể của một số hãng có giá cao nhưng chưa hợp lý so với thuỷ tinh thể của hãng khác có thông số kỹ thuật tương tự, hoặc thông số kỹ thuật phản ánh chất lượng cao hơn.

Giá của thuỷ tinh thể cũng phụ thuộc vào các địa phương, cơ sở KCB khác nhau và ở các hội đồng đấu thầu khác nhau. Cùng chủng loại, cùng tên thương hiệu, hãng sản xuất mà có giá chênh lệch giữa hai địa phương khác nhau.

Thuỷ tinh thể là loại vật tư chuyên dụng, số lượng nhu cầu ít nên nhiều công ty không tham gia đấu thầu; nhu cầu của người bệnh thay đổi thường xuyên nên kế hoạch đấu thầu chưa sát với nhu cầu thực tế sử dụng; thủ tục đấu thầu qua nhiều giai đoạn; tổ chức đấu thầu kéo dài, việc đấu thầu thuỷ tinh thể vẫn thực hiện như hàng hóa thông thường…

Video: Trốn đóng BHXH cho công nhân, doanh nghiệp sẽ bị xử nặng

Nhóm nghiên cứu cho rằng, vấn đề cấp thiết hiện nay là xác định mức giá tối đa thanh toán BHYT như thế nào cho phù hợp, dựa vào thông số kỹ thuật nào. Bên cạnh đó phải có các công cụ để công tác đấu thầu, mua sắm hiệu quả, phù hợp với mặt hàng VTYT để bệnh viện có danh mục VTYT phong phú, chất lượng phù hợp với giá cả, nhà cung ứng tốt, đáp ứng yêu cầu của cơ sở KCB kịp thời cho người bệnh.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất 04 giải pháp: Chuẩn hóa danh mục VTYT, trong đó có TTT nhân tạo, bao gồm tên thương hiệu, mã hiệu, nước sản xuất, hãng sản xuất với đầy đủ các thông số kỹ thuật. Công bố kết quả đấu thầu tại các địa phương, các cơ sở KCB.

Hướng dẫn, chỉ đạo, điều chỉnh, thương thảo với nhà thầu về kết quả đấu thầu giá cao bất hợp lý, xây dựng kế hoạch, nhu cầu đối với danh mục VTYT trong đó có thuỷ tinh thể đầy đủ, đảm bảo chất lượng, phù hợp giá cả, đáp ứng yêu cầu của người bệnh; Sửa đổi, hoàn chỉnh quy định đấu thầu VTYT phù hợp với yêu cầu KCB trong các cơ sở y tế.

Tại Hội thảo các đại biểu đã trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức đấu thầu, giá, cũng như quy định các thông số kỹ thuật của thuỷ tinh thể nhân tạo, việc thanh toán BHYT đối với thuỷ tinh thể nhân tạo…

Kết luận Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo yêu cầu tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện báo cáo khảo sát. Các vấn đề vướng mắc trong thay thuỷ tinh thể nhân tạo cần được tháo gỡ, nhằm tạo thuận lợi nhất cho người bệnh.

T.Nghĩa
Bình luận
vtcnews.vn