Rượu giả thì ngộ độc trước mắt, rượu thật thì gây loạn thần cho người sử dụng

Sức khỏeThứ Sáu, 16/02/2018 08:03:00 +07:00

Năm hết Tết đến, nhưng nỗi lo lắng về rượu và tác hại của nó vẫn chưa thôi nóng bỏng.

Vào viện điều trị loạn thần vì rượu

Đến Khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần TW I dịp giáp Tết tìm gặp anh V.V.T (50 tuổi – trú tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) thì được biết, anh sắp được các bác sĩ cho xuất viện để về nhà ăn Tết.

Lý do anh phải nhập viện điều trị là bởi vì nghiện rượu. Uống nhiều rượu khiến anh T. bị hoang tưởng, xuất hiện ảo giác bị đuổi đánh, bị bắt đi, luôn phải sống trong tâm trạng sợ hãi không đáng có.

anh1 3

Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần TW I (Ảnh: Hà Phương) 

Theo bác sĩ Nguyễn Chu Diên – Phó Trưởng khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần TW I, bởi vì thấu hiểu tác hại của rượu, gia đình anh T. đã phối hợp nhiệt tình với các bác sĩ tại đây.

Sau 2 tháng, triệu chứng bệnh thuyên giảm, tình hình sức khỏe được cải thiện, anh T. được các bác sĩ cho xuất viện với điều kiện: anh phải cam kết không được tái nghiện rượu.

Được biết, trường hợp của anh T. không phải là trường hợp duy nhất vào bệnh viện tâm thần điều trị loạn thần do rượu.

Theo báo cáo của Viện Sức khỏe tâm thần TW, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5-6% số bệnh nhân tại đây và vẫn đang có xu hướng tăng lên.

Đừng tưởng chỉ có rượu giả mới gây hậu quả

“Rượu giả thì gây hậu quả trước mắt, rượu thật thì gây hậu quả lâu dài” – Đó là lời chia sẻ của ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) với báo chí về tác hại của rượu đối với sức khỏe con người.

Theo báo cáo từ Bộ Y tế, rượu là nguyên nhân chính của 31% vụ đánh nhau, giết người; 33% vụ hiếp dâm, 18% vụ tai nạn giao thông, nhiều tệ nạn xã hội và 60 loại bệnh khác nhau như: ung thư, suy đa tạng, …

anh2 4

 Uống rượu giả thì gây ngộ độc, tử vong, uống rượu thật thì gây hại lâu dài đến sức khỏe

Đặc biệt, đối với chứng loạn thần do rượu, bác sĩ Nguyễn Chu Diên phân tích:

“Rượu ảnh hưởng tới tâm trí của người nghiện nó. Giai đoạn đầu, bệnh nhân uống nhiều rượu, rồi có biểu hiện ngộ độc, hay say xỉn. Trong cơn say, bệnh nhân có biểu hiện cáu gắt vô cớ, tính tình thay đổi.

Giai đoạn đó, rượu gây tác động xấu tới hệ thần kinh của bệnh nhân, dẫn tới tình trạng có khi chỉ cần uống một chén đã say rượu, hoặc không uống rượu nhưng vẫn luôn trong tình trạng say xỉn. Bệnh nhân mất ngủ nếu không có rượu, lo sợ vô cớ, dẫn đến yếu sinh lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe bệnh nhân…

Hoặc là, bệnh nhân sinh ra ảo giác, chẳng hạn như nhìn thấy nhiều người xung quanh vây quanh, chuẩn bị bắt mình đi. Vì vậy bệnh nhân luôn ở trong trạng thái cảnh giác, chống đối thị giác giả, chống đối cả những người thân, bạn bè xung quanh, phản kháng khi người nhà có ý định tiếp cận, đưa bệnh nhân đi điều trị”.

"Nhận diện những người loạn thần do nghiện rượu không khó, và để điều trị cho những bệnh nhân này cũng giống như các trường hợp nghiện chất khác.

Điều quan trọng là, bệnh nhân từng phải điều trị tâm thần dứt khoát phải cai nghiện, đối với người bình thường hoàn toàn không nên sử dụng rượu thường xuyên với nồng độ cao

Tốt hơn hết là chúng ta hãy giáo dục, giúp đỡ để người thân mình tranh xa rượu ngay từ đầu" - Bác sĩ Nguyễn Chu Diên cho hay.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn