Phun thuốc trừ sâu như mưa dội, những ‘án tử’ chực chờ ở vựa hoa Mê Linh

Sức khỏeThứ Sáu, 03/08/2018 08:08:00 +07:00

Thâm nhập vựa hoa Mê Linh (Hà Nội), phóng viên hoảng hồn khi thấy nhiều người dân nơi đây đang ủ sẵn “tử thần” trong người vì thường xuyên sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc BVTV một cách bừa bãi.

Thuốc sâu như mưa phùn dội xuống

Đi sâu vào khu vực xã Mê Linh (huyện Mê Linh, TP.Hà Nội) là những cánh đồng hoa hồng đang độ tươi sắc. Người dân nơi đây từ nhiều năm nay vẫn lấy nghề trồng hoa làm cần câu cơm, thậm chí có người làm giàu từ việc này.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, sau những bông hoa hồng đỏ thắm, những bông hoa ly thơm ngào ngạt đó là cả một câu chuyện dài về những số phận của những con người đã ra đi “bán mạng” cho bệnh tật trong đó có cả căn bệnh ung thư quái ác.

Ngày 2/8, ngay khi PV bước chân xuống khu ruộng trồng hoa của xã Mê Linh, một thứ mùi vừa cay vừa hắc có lẽ đã rất đặc trưng và quen thuộc với người dân nơi đây – mùi hóa chất, xộc thẳng vào mũi.

Quan sát xung quanh, có cả chục người đang lội ruộng vác những bình phun máy cỡ lớn phun thuốc cho hoa. Hỏi ra mới biết, có người phun thuốc trừ sâu, có người phun thuốc kích thích tăng trưởng…

Đi sâu thêm chút nữa vào vựa hoa, bên cạnh những ruộng hoa đang nhú nụ là những chai, lọ, túi thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc trừ sâu vương vãi quanh mương nước và những luống hoa đợi cắt.

Trên ruộng, bên cạnh những nụ hồng mơn mởn đua nhau lớn chờ bung nở, từng lớp từng lớp lá hồng xanh lè màu hóa chất lại đập vào mắt người nhìn.

Giữa cánh đồng, từng đợt, từng lớp “sương trắng”, “sương xanh” được người đàn ông gầy ốm phun ra từ bình thuốc nặng tới 35kg, tưới đẫm các luống hoa hồng.

Xã Mê Linh có khoảng 70 – 80% nhân khẩu làm nghề trồng hoa, chủ yếu là hoa hồng.

Theo lời kể của dân chăm hoa chuyên nghiệp nơi đây, loài hoa này nếu như không được phun thuốc, chăm sóc cẩn thận thì chất lượng sẽ thấp và khó bán. Bởi vậy, việc thường xuyên phải sử dụng thuốc BVTV phun cho hoa là điều đương nhiên.

Trung bình tại vựa hoa Mê Linh, từ 7 – 10 ngày lại phun thuốc 1 đợt, số lượng thuốc phun được chia theo diện tích khoảng 2 bình/sào hoa hồng và mùa nào cũng phun như mùa nào.

Tuy nhiên, các loại thuốc đều được chia theo từng thời điểm khác nhau, mùa hè thì phun thuốc trị sâu, trĩ; còn vào mùa đông, lại phun thêm cả thuốc trị nấm và nhện…

Theo tìm hiểu của PV, các loại thuốc sử dụng khá đa dạng, từ đắt đến rẻ đều có cả. Các loại thuốc được người trồng hoa ở đây sử dụng rất nhiều và đa dạng, thường là: Mancozeb, Miretox, Rholam 20 ec; ngoài ra còn một loại thuốc khá đắt tiền có hình con “cú mèo” mà chỉ khi có điều kiện mới mua để sử dụng.

Giá của thuốc cũng dao động trong khoảng từ 30.000 đồng cho tới 60.000 đồng/chai, túi, tùy từng loại.

IMG_6105

Dọc con mương bên cạnh những cánh đồng hoa, hộp vỏ túi thuốc cũ bệnh cạnh túi mới cắt. (Ảnh: Phạm Qúy)

Là người nhiều năm gắn bó với đồng ruộng, chị Nguyễn Thị Hằng (người dân xóm Ao Sen, xã Mê Linh) kể lại: Hầu như tuần nào cũng phải phun, ít thì 1 lần, đợt cao điểm thì 2 lần. Tuy nhiên, cũng có đợt không phun do thời tiết và tình hình sâu bệnh.

“Mỗi lần phun như thế sẽ dùng trên dưới 10 bình thuốc, nhà nào nhiều thì 20 - 30 bình. Mỗi một cây hoa thường chỉ được cho thu hoạch sau 5 - 6 tháng mà giá cả lại khá rẻ, chỉ khoảng 300 đồng/bông.

Trong khi đó, khách mua ai cũng muốn hoa phải tươi, phải đẹp nên không phun không được, sâu bệnh phá hết ngay. Vào mùa, nếu chính vụ, nhiều nhà cùng phun, thuốc như cơn mưa phùn dội xuống vậy”, chị Hằng nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh (người dân xóm Xanh, xã Mê Linh) thông tin cho phóng viên: “Ngày nào cũng có người phun thuốc trên cánh đồng. Hoa hồng cũng phun, rau cũng phun, cây ăn quả cũng phun, lúa càng phải phun.

Chúng tôi phải vác bình đi giữa những luống hoa, vườn cây bơm thuốc, thuốc xịt cho ruộng hoa xong thì cũng bám đẫm trên người luôn. Ruộng hoa thường rộng, nên người dân dùng bơm máy nhiều rồi, chuyện vòi phun xịt thuốc thẳng vào người cũng xảy ra không ít lần.

Cùng câu hỏi đối với chị Hằng, bà Thanh, PV có tìm hỏi thêm 3 người dân khác đang làm việc trên cánh đồng ở xã Mê Linh: Người thì nhìn lạnh lùng, người thì xua tay “bận lắm không trả lời đâu”. Người còn lại nói câu ngắn ngủi: “Trồng hoa thì phải phun chứ, nhiều nấm, sâu, nhện phá lắm”.

Bà Trần Thị Ngọc Anh (Trạm trưởng Trạm y tế xã Mê Linh) cho biết: “Lúc vào mùa, mùi thuốc sâu rất nhiều và nồng nặc. Đôi khi, ngồi ở trạm y tế xã vẫn có thể ngửi thấy mùi thuốc. Ngày nào cũng như ngày nào, mùa đông thì phun thuốc ít hơn mùa hè do ít sâu bệnh hơn, cứ ra ngoài là ngửi thấy, rất sợ”.

IMG-3217

 Những bình phun thuốc BVTV là đồ vật vốn quá quen thuộc với người dân xã Mê Linh. (Ảnh: Phạm Qúy)

Kết quả thử máu kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong máu của các học viên thuộc Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn của 4 huyện ngoại thành Hà Nội gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Hoài Đức và Mê Linh do Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) thực hiện ngày 19/7 vừa qua cho thấy những con số thật đáng sợ.

Trong số 67 người được xét nghiệm thì có tới 32 người nằm trong diện vẫn còn lưu tồn lượng thuốc BVTV trong máu. Đáng báo động hơn, không ít những người trong số này không tiếp xúc hoặc chưa từng tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc BVTV.

Từ những số liệu báo động ở trên, phải chăng những người nông dân chân nấm tay bùn ngoài kia có đang đùa giỡn với chính tính mạng của mình và của người khác khi hàng ngày sử dụng thuốc BVTV tắm cho cây?

DIỄN BIẾN LIÊN QUAN:

>> Thử máu xét nghiệm tồn dư thuốc BVTV tại Hà Nam: Cứ 10 người thì 6 người có thuốc sâu trong máu

>> 50% người được xét nghiệm nhiễm hóa chất BVTV trong máu: Đừng nghĩ ngồi phòng lạnh, ở thành phố thì an toàn

Thông tin từ Trạm trưởng Trạm y tế xã Mê Linh, bà Trần Thị Ngọc Anh, trong những năm gần đây, số lượng người mắc bệnh ung thư trong xã có biểu hiện gia tăng nhanh chóng.

Các năm trước, mỗi năm cả xã chỉ có khoảng 1 – 2 người mắc bệnh, nhưng sang năm 2018, cả xã phát hiện tới 21 trường hợp bị ung thư, đa phần là ung thư dạ dày, trực tràng, gan…

“Ai cũng biết nếu sử dụng nhiều thuốc BVTV là sẽ hại, nhưng họ không quan tâm, một phần cũng là do mưu sinh, một phần là do tâm lý chủ quan. Nhiều người đi đám ma người chết vì ung thư, lúc đó họ chỉ sợ bị ung thư, chứ cũng không sợ thuốc BVTV.

Rồi khi được nhắc, họ sẽ xua đi mà cho rằng, nhiều nơi cũng bị ung thư dù không dùng thuốc, nên rất khó để nói. Trạm y tế xã cũng thường xuyên tuyên truyền vấn đề này trên loa, đài nhưng không ăn thua”, bà Ngọc Anh cho biết.

Vẫn biết là số lượng người ung thư đang tăng dần, bên cạnh việc lạm dụng thuốc BVTV có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, nhưng vì phải lo cho cuộc sống, cho kinh tế nhiều gia đình, nhiều người tặc lưỡi mặc kệ “tiếng gọi của tử thần” lao theo mặc cho số phận định đoạt.

“Thực ra, nhiều khi phun thuốc về mệt lắm, khó thở, buồn nôn và thi thoảng lại bị ăn chân ăn tay nhưng làm thế nào được. Nghỉ một ngày là hoa xấu, quên phun một ngày là sâu bệnh phá ngay, kéo theo cả mấy miệng ăn trong gia đình thì đành đánh cược với tính mạng thôi”, bà Nguyễn Thị Thanh (người dân xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) băn khoăn kể lại.

IMG_6094 3

 Để “chiều” lòng thượng khách, hoa phải được phun nhiều thuốc BVTV để tránh sâu bệnh. (Ảnh: Phạm Qúy)

Lơ lửng “án tử” trên đầu

Bà Trần Thị Ngọc Anh cho biết, trong những năm gần đây, việc người dân chết vì mắc ung thư đang tăng đáng kể. Theo thông tin từ Trạm y tế xã, năm 2014, xã Mê Linh có 14 người chết vì ung thư, năm 2015 có 11 người chết và tính sang đầu năm 2018 cho tới nay đã có khoảng 6 trường hợp chết vì ung thư.

“Trong nhà tôi có tới 6 người bị ung thư, đa phần là ung thư dạ dày và trực tràng, 4 người chết rồi còn 2 người bị ung thư gan đang cố gắng chữa trị. Nhưng ung thư mà, khó nói trước lắm”, bà Ngọc Anh nói.

Là người đã chiến đấu với bệnh ung thư 3 năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết: “Biểu hiện ban đầu chỉ là những trận ốm vặt nhẹ, nhưng vì ăn uống tẩm bổ mãi không khỏi tôi mới quyết định đi viện khám theo lời “mách nước” của một người bạn rồi phát hiện bệnh.

Khổ lắm chú ạ, đi chạy chữa tới 3 – 4 bệnh viện vẫn không rõ nguyên nhân, mỗi nơi đều phát hiện ra thêm một bệnh khác nhau lúc thì viêm phổi, suy nhược cơ thể, suy tủy xương và cuối cùng là có khối u kèm theo xuất hiện tế bào lạ.

Nhờ chạy chữa nên tôi cầm cự được tới ngày hôm nay.

Cứ nghĩ tới cảnh phải truyền hóa chất là tôi lại run hết cả chân tay vì sợ. Sống vì hoa, giờ không khéo lại chết vì hoa. Ngay cả chồng tôi cũng đang mang trong mình đủ thứ bệnh viêm gan B, viêm gan C đủ cả”, bà Thanh tâm sự.

IMG-3222 4

 Nghĩa trang xã Mê Linh - nơi chứng kiến sự ra đi của không ít những số phận bị mắc ung thư không thể qua khỏi. (Phạm Quý)

Tương tự như trường hợp của bà Thanh, chị N.T.S, năm nay chỉ mới 40 tuổi nhưng có “thâm niên” nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư và vừa phải phẫu thuật vì có khối u ở ngực.

Chị S. cho biết, tháng nào cũng phải đi lấy thuốc một lần, vào viện truyền hóa chất, truyền thuốc, sức khỏe đã giảm đi trông thấy. Nhưng vì miếng cơm manh áo, dù bị bệnh nhưng thi thoảng chị vẫn phải ra ruộng hoa phun thuốc BVTV và cũng để làm bạn với “tử thần”.

Thấm thoát nhiều năm qua đi, xã Mê Linh, thuộc huyện Mê Linh, TP Hà Nội chứng kiến nhiều sự đổi thay trong đời sống con người. Và cũng chính tại nơi đây, có không ít người đã ra đi vì mắc căn bệnh ung thư quái ác.

Trong số đó có người là bạn của bà Thanh, là người nhà bà Ngọc Anh hay có thể là người nào đó ngoài kia. Nhưng chí ít, tính mạng của họ đang trong tình thế nguy hiểm hơn lúc nào hết.

Và rồi nghĩa trang xã Mê Linh sẽ còn phải dành thêm bao nhiêu đất cho những hoàn cảnh đó, hoàn cảnh của những con người như lời bà Thanh vẫn thường kể “thôi thì nhờ trời cuốn theo chiều gió”.

Video: Gần 50% người xét nghiệm ở Hà Nội nhiễm thuốc trừ sâu trong máu - chuyên gia lên tiếng

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn