Người phụ nữ mắc bệnh hiếm gặp do dùng tay ngoáy mũi

Sức khỏeThứ Tư, 06/02/2019 10:38:00 +07:00

“Tôi không bao giờ dám ngoáy mũi nữa”, chị Điền đến từ Trung Quốc chia sẻ sau khi nhập viện hai tuần.

Chị Điền - một công nhân nhà máy dệt 48 tuổi, đến từ Trung Quốc có thói quen xấu là dùng tay ngoáy mũi mỗi ngày để lấy gỉ.

Hai tháng trước, chị Điền phát hiện trong dịch mũi mình có dính máu. Ban đầu chị Điền chủ quan nghĩ rằng đây là triệu chứng của việc nóng trong người nên mua thuốc giải nhiệt để sử dụng.

Tuy nhiên vài ngày sau tình trạng ra máu vẫn tiếp diễn và không có dấu hiệu cải thiện. Lúc này, chị Điền bắt đầu lo lắng và lên mạng tìm hiểu thông tin. Hầu hết các kết quả tìm kiếm trên mạng đều cho thấy đây là dấu hiệu của bệnh ung thư. Quá sợ hãi, chị Điền lập tức đến bệnh viện địa phương để khám. 

ngoay mui 1

Chị Điền không ngờ chỉ vì một hành động nhỏ hằng ngày mà lại gây nên một căn bệnh nguy hiểm. 

Kết quả siêu âm, chụp chiếu cho thấy, chị Điền có khả năng mắc ung thư, tuy nhiên bác sĩ khuyên chị nên đến các bệnh viện lớn để kiểm tra kỹ hơn. Người phụ nữ trung niên gần như suy sụp hoàn toàn, tinh thần luôn trong trạng thái u ám và khóc liên tục những ngày sau đó.

Được sự động viên từ gia đình và bạn bè, chị Điền đã đến bệnh viện lớn kiểm tra lại. Qua kết quả chụp MRI và xét nghiệm sinh thiết, bác sĩ nói rằng chị không mắc ung thư, tuy nhiên lại mắc phải một căn bệnh lạ rất hiếm gặp có tên là lao mũi.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên do thói quen ngoáy mũi hằng ngày của chị không hợp vệ sinh và móng tay bẩn truyền vi khuẩn vào mũi. Hiện tại, chị Điền được điều trị tại bệnh viện hai tuần, bệnh tình dần thuyên giảm.

Lao mũi là bệnh gì?

Căn bệnh này có 2 thể: luput mũi và lao loét mũi. Thể luput không đe dọa tính mạng nhưng gây sẹo dúm, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ; sẹo do luput có thể tiến triển thành ung thư biểu mô. Còn thể lao loét mũi có tiên lượng rất xấu vì bệnh nhân sẽ chết do những tổn thương ở phổi.

lao phoi

 

Luput mũi là một bệnh lao da, diễn biến âm ỉ. Nguyên nhân do vi trùng lao xâm nhập vào niêm mạc mũi và gây bệnh tại chỗ. Thương tổn có thể lan ra cánh mũi hoặc da mặt nhưng không xâm nhập các tạng khác trong cơ thể. Đặc điểm của bệnh là cùng một chỗ, chúng ta có thể gặp nhiều hình thái khác nhau của thương tổn: thâm nhiễm, loét, xơ hóa, tổ chức phục hồi.

Lao loét mũi thường chỉ gặp trên những bệnh nhân bị lao phổi thể loét bã đậu nặng. Trong hốc mũi bệnh nhân có những vết loét sần, bờ nham nhở, mũi luôn luôn bị tắc vì mủ và chất tiết nhầy. Tiên lượng bệnh rất xấu, bệnh nhân sẽ chết bởi những tổn thương ở phổi.

Cách phòng tránh bệnh lao mũi:

Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh lao, đeo khẩu trang y tế nơi công cộng, rửa sạch tay trước khi ăn.

Không dùng tay để ngoáy lỗ mũi, tránh mang vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể.

Không nên sử dụng chung dụng cụ ăn uống với người lạ ở nơi công cộng tránh lây nhiễm vi khuẩn.

Thường xuyên tập thể dục tăng cường sức khỏe.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn