Năm 2025: 100% hồ sơ Bảo hiểm Xã hội sẽ được số hoá

Sức khỏeThứ Sáu, 19/10/2018 14:14:00 +07:00

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam bắt đầu triển khai phần mềm lưu trữ hồ sơ điện tử phiên bản 1.0, phấn đấu đến năm 2025, 100% hồ sơ, tài liệu của ngành được số hoá.

100% hồ sơ BHXH sẽ được số hoá năm 2025

Theo Giám đốc Trung tâm Lưu trữ, BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Hà, tính đến hết tháng 9/2018, tổng số hồ sơ hưởng BHXH đang lưu trữ là 4.636.753 hồ sơ đã được thực hiện số hoá và chia sẻ đến BHXH các tỉnh, thành phố.

Bà Nguyễn Thị Hà đánh giá, công tác khai thác hồ sơ điện tử trên môi trường mạng đáp ứng rất tốt nhu cầu công việc, thay thế hoàn toàn việc khai thác thủ công. Cán bộ lưu trữ thay vì phải trực tiếp vào kho rút hồ sơ thì nay chỉ cần truy cập vào phần mềm tìm kiếm và in hồ sơ cần khai thác giảm thời gian khai thác hồ sơ đang tìm kiếm bằng giờ, ngày sang tính bằng phút...

Ngày 16/10, BHXH Việt Nam đã tổ chức triển khai phần mềm “Lưu trữ Hồ sơ Điện tử 1.0” nhằm cung cấp công cụ quản lý, tìm kiếm toàn bộ hồ sơ đã được số hóa trên giao diện; thao tác nhanh chóng, dễ dàng.

Phần mềm này cho phép tìm kiếm hồ sơ theo trường dữ liệu, theo nội dung hồ sơ, xem file hình ảnh rõ nét, trạng thái xử lý phiếu yêu cầu, thông tin trên phiếu yêu cầu nhanh chóng và danh mục văn bản yêu cầu đều cho kết quả như mong muốn.

1

 Kho lưu trữ hồ sơ của BHXH quận Hoàng Mai. (Ảnh: BHXH TP Hà Nội)

Phần mềm cũng giúp đảm bảo an toàn dữ liệu, lưu trữ song song một kho hồ sơ giấy và một kho hồ sơ điện tử đặc biệt trong điều kiện thời tiết, thiên tai và hỏa hoạn diễn biến phức tạp. Cho phép báo cáo thống kê, số lượng chủng loại hồ sơ lưu trữ (theo các trường định nghĩa) trên các giao diện phần mềm nhanh chóng, dễ dàng, góp phần cải cách thủ tục hành chính.

Hiện có 36 BHXH tỉnh, thành phố đã và đang tổ chức thực hiện công tác chỉnh lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ nhằm xác định rõ tổng số hồ sơ, thời hạn bảo quản (vĩnh viễn, 70 năm, 50 năm, 20 năm, 10 năm) và tài liệu loại, xác định giá trị, thống kê, lập cơ sở dữ liệu quản lý, phục vụ tra tìm và khai thác sử dụng kịp thời và nhanh chóng.

Thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục tổ chức triển khai lưu trữ hồ sơ điện tử đối với hồ sơ hưởng BHXH, phấn đấu đến năm 2025 thực hiện 100% số hóa hồ sơ, tài liệu lưu trữ có thời hạn bảo quản từ 20 năm trở lên...

Xây dựng nền tảng CNTT vững chắc

Việc ứng dụng CNTT trong Ngành BHXH đang là nhiệm vụ trong tâm quan trọng của Ngành. Theo báo cáo của BHXH, cho đến nay, Ngành cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2020 về ứng dụng CNTT. Đã giảm mạnh thời gian nộp BHXH của các doanh nghiệp từ 335 giờ/năm trước đây xuống còn 45 giờ, giảm từ 115 bộ thủ tục hành chính xuống còn 28 bộ.

BHXH Việt Nam cũng đưa vào vận hành và sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong phạm vi toàn Ngành.

Từ ngày 01/3/2018, toàn bộ văn bản đến, văn bản đi (trừ một số văn bản bắt buộc phải sử dụng văn bản giấy theo quy định) đều được số hóa, sử dụng chữ ký số cá nhân (4.200 chứng thư) và chữ ký số cơ quan (992 chứng thư) do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để phục vụ soạn thảo, trao đổi thông tin, xử lý công việc, trình ký, ký và phát hành điện tử trên Hệ thống.

Video: Những thay đổi về tiền đóng BHXH, BHYT từ 1/7/2018

Ngành BHXH cũng xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn Ngành trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình, dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT của BHXH các tỉnh, thành phố; Hệ thống cấp mã số BHXH - mã số định danh cá nhân duy nhất để quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thống nhất trên phạm vi toàn quốc; Hệ thống giao dịch điện tử; Hệ thống thông tin giám định BHYT; triển khai, vận hành có hiệu quả Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin và Trung tâm dịch vụ khách hàng.

Đến nay, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có 19 dịch vụ; số hồ sơ điện tử phát sinh trên hệ thống là 104,5 triệu; đã giải quyết là 95,2 triệu hồ sơ.Trong năm 2017, ngành BHXH đã hoàn thành số hóa 4,2 triệu hồ sơ tương ứng 29 triệu trang tài liệu, hiện đang cung cấp cho cán bộ trong ngành sử dụng và khi được cho phép sẽ cung cấp cho người dân khai thác.

Đặc biệt, hệ thống Thông tin giám định BHYT đã kết nối tới hơn 12.000 (gần 100%) cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc, mang lại hiệu quả lớn trong quản lý KCB, kiểm soát việc sử dụng quỹ BHYT và tạo lập cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh giá, điều chỉnh chính sách…

Trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH cũng đang cung cấp các dịch vụ như tra cứu quá trình tham gia BHXH, tra cứu điểm bán BHXH, tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT. Trong thời gian tới, BHXH sẽ điện tử hóa thẻ BHXH, BHYT, thậm chí người dân chỉ cần dấu vân tay, không cần sử dụng thẻ, là có thể sử dụng các dịch vụ của BHYT.

Theo xếp hạng sẵn sàng về ứng dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành BHXH đang đứng thứ 2, riêng hạ tầng kỹ thuật đứng thứ nhất. Theo đánh giá của WB trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, BHXH là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190 nền kinh tế trong năm 2018.

Ngọc Nga
Bình luận
vtcnews.vn