Lĩnh bảo hiểm xã hội một lần: Sao lại lấy tích lũy cho tuổi già tiêu cho lúc trẻ?

Sức khỏeThứ Sáu, 29/06/2018 11:03:00 +07:00

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2018 có gần 300.000 người rút BHXH một lần, nhiều chuyên gia cho rằng, người lao động cần cân nhắc khi lĩnh BHXH một lần, bởi không lý do gì lại lấy tích lũy cho tuổi già tiêu cho lúc trẻ.

Lĩnh bảo hiểm xã hội một lần nghĩa là khi nghỉ việc, người lao động xin lĩnh tiền hưu trí một cục, thay vì đóng thêm để nhận lương hưu khi đủ tuổi.

Số tiền này tương đương với 2 tháng lương đóng bảo hiểm cho mỗi năm làm việc của người đó. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như cần tiền làm ăn, không có tiền đóng tiếp cho bảo hiểm hoặc chờ đến lúc đủ tuổi lĩnh lương hưu còn rất xa khiến cho số người lĩnh tiền bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng tăng nhanh.

Số người lĩnh bảo hiểm xã hội một lần đang tăng dần trong 4 năm trở lại đây. Có những người chỉ vài năm đóng BHXH, nhưng có những người đã đóng gần đủ số năm vẫn rút một cục về trước.

Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2018 có gần 300.000 người rút BHXH một lần.

2

 Sao lại lấy tích lũy cho tuổi già tiêu cho lúc trẻ?

Còn theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số người rút BHXH một lần tiếp tục gia tăng nhanh. Bình quân mỗi năm có 628.000 người hưởng BHXH một lần. Tức là 2 người tham gia vào BHXH thì 1 người rút ra khỏi hệ thống. Điều này dẫn tới tốc độ bao phủ BHXH hạn chế và về lâu dài ảnh hưởng vấn đề an sinh xã hội.

Nhiều chuyên gia cho rằng, người lao động cần cân nhắc khi lĩnh BHXH một lần bởi không lý do gì lại lấy tích lũy cho tuổi già tiêu cho lúc trẻ.

Nguyên nhân số người lĩnh bảo hiểm xã hội 1 lần ra tăng

Về thực tế gia tăng số người lĩnh BHXH một lần hiện nay, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính là do người lao động bị mất việc gia tăng, nhiều người phải nghỉ việc ở độ tuổi 35 - 40. Khi đời sống khó khăn, những lao động này thường lĩnh BHXH một lần để giải quyết nhu cầu chi tiêu trước mắt.

Theo số liệu của các trung tâm việc làm khi giải quyết trợ cấp thất nghiệp, nhóm người lao động từ trên 30 tuổi bị sa thải hoặc mất việc đang ra tăng trong những năm gần đây . Đơn cử như tại Hà Nội, theo hồ sơ, trong tổng số hơn 10.000 người lao động đi làm trợ cấp thất nghiệp thì trên 90% là người trên 35 tuổi.

Trong chuyến đi khảo sát của Hội đồng Tiền lương Quốc gia về tiền lương tối thiểu tại Công ty Minh Phú ở tỉnh Hậu Giang, đại diện công ty cũng cho biết thực tế, doanh nghiệp có khoảng 15.000 lao động nhưng 4 năm qua chỉ có vài người về hưu theo đúng độ tuổi, còn lại nghỉ trước 35 tuổi với trợ cấp thất nghiệp.

Còn tại doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản nhiều lao động phải nghỉ ở tuổi 35 - 40. Đáng nói là những người thôi việc ở doanh nghiệp rất khó tìm việc ở khu vực chính thức, có quan hệ lao động nên không có tiền để tiếp tục tham gia BHXH, nên họ muốn nhận BHXH một lần.

Video: Những thay đổi về tiền đóng BHXH từ 1/7/2018

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua trên các trang mạng xã hội lan truyền thông tin so sánh về lợi ích của việc tham gia BHXH với tham gia bảo hiểm nhân thọ, với gửi tiết kiệm và đưa ra nhận định rằng, đầu tư để tham gia BHXH là rất thiệt thòi so với hai loại hình trên. Điều này tác động rất lớn đến tâm lý người lao động.

Sao lại lấy tích lũy cho tuổi già tiêu cho lúc trẻ?

Trước tình trạng ngày càng ra tăng số người rút BHXH một lần ông Đỗ Ngọc Thọ Phó ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam khuyên: Người lao động cần ý thức rằng thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là một khoản tích lũy của bản thân.

Tại sao khi còn trẻ, còn khả năng lao động để tạo thu nhập lại phải sử dụng đến “của để dành” để khi về già không còn khả năng lao động tạo thu nhập thì lại trắng tay. Lương hưu (bao gồm cả BHYT) mới là “cứu cánh” cho cuộc sống khi về già, do đó người lao động cần cân nhắc, tính toán kỹ sẽ hưởng BHXH một lần hay tiếp tục tham gia BHXH.

Còn TS. Nguyễn Văn Định, nguyên Trưởng khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần thay đổi nhận thức của người lao động đồng thời tuyên truyền tốt hơn nữa ý nghĩa nhân văn của BHXH.

Ngoài ra cũng cần hoàn thiện chính sách về BHXH, đặc biệt là có quy định tạo điều kiện cho các đối tượng đóng BHXH trở lại.

Ngọc Nga
Bình luận
vtcnews.vn