Kỷ lục 4 bệnh nhân chết não hiến 16 mô tạng cứu người: Nghĩa cử cao đẹp để lại cho đời

Sức khỏeThứ Tư, 20/06/2018 14:47:00 +07:00

Đó là lời chia sẻ đầy xúc động của GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, trong buổi họp thông tin báo chí về 4 bệnh nhân chết não hiến 16 mô tạng cứu người sáng ngày 20/6 tại Hà Nội.

Theo GS.TS.BS Trần Bình Giang, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng từ 16/5 -13/6, Bệnh viện Việt Đức ghi nhận liên tiếp 4 trường hợp bệnh nhân chết não do tai nạn, được gia đình đồng ý hiến tạng.

4 bệnh nhân này hiến tới 16 mô tạng, gồm có 4 trái tim, 4 lá gan, 8 quả thận, đồng thời hiến cả giác mạc, mạch máu, gân để ghép, cứu sống các bệnh nhân khác.

Điều này, theo GS.TS.BS Trần Bình Giang là một con số kỷ lục, đồng thời cũng là tín hiệu đáng vui mừng cho nền y học Việt Nam.

Ông Giang chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên bệnh viện ghi nhận tới 4 trường hợp bệnh nhân hiến mô tạng chỉ trong vòng 1 tháng. Trước đây, chúng tôi từng cho rằng, khả năng những người dân hiến tạng sau khi chết não là rất khó khăn, bởi dân ta có tín ngưỡng dân gian về vấn đề tâm linh.

_DSC0837

GS.TS.BS Trần Bình Giang - Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ với phóng viên (Ảnh: Chi Lê)

Nhưng hóa ra, qua những ca bệnh gần đây, bệnh nhân, người dân khiến chúng tôi rất bất ngờ, họ nhận thấy được lợi ích của việc hiến tạng, nhận ra đó là nghĩa cử cao đẹp xiết bao dành cho cộng đồng nói chung, và cũng là thành công của y học Việt Nam nói riêng".

Trong các trường hợp được ghép mô tạng từ 4 bệnh nhân, có tới 2 ca bệnh các bác sĩ phải vận chuyển quả tim vào Huế để ghép cho bệnh nhân phù hợp.

Đối với các ca ghép tạng ở Bệnh viện Việt Đức, gần 1 tháng vừa qua các bác sĩ liên tục mổ ghép, trực cấp cứu, trực người cho tạng, huy động hơn 100 thầy thuốc làm việc xuyên đêm để triển khai lấy tạng và ghép tim tại chỗ.

Chia sẻ thêm về việc ghép tạng, GS.TS.BS Trần Bình Giang cho biết:" Việc ghép tạng phải đạt yêu cầu cao nhất, đó là hòa hợp miễn dịch với người được ghép. Do đó, các bác sĩ cần tới sự hỗ trợ của Trung tâm điều phối về ghép tạng - nơi có các máy móc, các công cụ tính toán kết quả phù hợp nhất, bệnh nhân có khả năng ghép tạng thành công cao nhất để cứu chữa".

_DSC0838

Các bác sĩ trao đổi với phóng viên về việc hiến tạng (Ảnh: Chi Lê)

"Tuy vậy, vẫn có trường hợp khi tạng đến nơi, bệnh nhân không ghép được vì các lý do khác nhau. Do đó, chúng tôi phải tính toán chuẩn bị danh tính và địa chỉ bệnh nhân phù hợp tiếp theo để chuyển tạng đến đó ghép, tránh làm lãng phí nguồn tạng hiến.

Thông thường, nếu có 1 quả tim ghép, chúng tôi sẽ chuẩn bị danh sách khoảng 2 bệnh nhân để phòng ngừa xảy ra các tình huống không thuận lợi", GS.TS.BS Trần Bình Giang chia sẻ.

Cũng theo BS Giang, vấn đề khó khăn lớn nhất của ngành ghép tạng hiện nay, là việc nguồn tạng hiến luôn khan hiếm. Việc ghép thận, ghép gan có thể lấy từ người cho sống, tuy nhiên các bác sĩ không khuyến khích điều này. Nó sẽ làm nảy sinh các vấn đề tiêu cực như buôn bán nội tạng, các vấn đề pháp lý khác. Theo ông Giang, nguồn tạng tốt nhất là lấy từ người cho chết não.

"Số lượng người hiến, cho tạng hiện nay dù đã nhiều hơn trước những so với nhu cầu vẫn còn rất rất ít. Theo thống kê tại bệnh viện chúng tôi, con số người hiến chưa đến 1%, con số này rất nhỏ so với số lượng tai nạn giao thông rồi chết não hàng ngày.

Video: Chàng trai khuyết tật đi bộ từ TP.HCM ra Hà Nội để đăng kí hiến tạng

Tôi cho rằng, cần lan tỏa được tinh thần tận hiến, vận động người chết não hiến tạng, mang lại cuộc sống cho những bệnh nhân khác. Có thể đặt ra các quy định về việc tôn vinh người hiến tạng như kỷ niệm chương về vấn đề sức khỏe nhân dân, hay là người cho sống được hưởng, cấp BHYT miễn phí.

Đối với người cho chết não, người thân của họ có thể được miễn giảm viện phí, đặc biệt ghi nhớ để tôn vinh những người đã để lại cơ thể, dành lại sự sống cho người bệnh", bác sĩ Giang nhấn mạnh.

Chi Lê
Bình luận
vtcnews.vn