Kinh hoàng biến chứng tiểu đường đâm đinh vào chân không biết đau

Sức khỏeThứ Hai, 21/05/2018 12:31:00 +07:00

Biến chứng nặng nhất của bệnh tiểu đường là bị hoại tử, thối thịt... đến mức đâm đinh vào chân cũng không thấy đau.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân P.T.T (68 tuổi, ở Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, gầy yếu, bàn chân phải sưng tấy đỏ, mất vận động, loét bàn chân phải.

Người nhà bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân tiền sử đái tháo đường 10 năm, khoảng 20 ngày gần đây bệnh nhân xuất hiện đau nhức kèm theo loét ngón chân cái phải nhập viện điều trị tại bệnh viện tuyến huyện nhưng không thuyên giảm.

Qua quá trình khám cận lâm sàng, bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị hoại tử bàn chân phải do đái tháo đường typ II.

bien-chung-benh-tieu-duong

 Chân phải của bệnh nhân bị biến chứng hoại tử do bệnh tiểu đường gây ra.

Theo các bác sỹ, hoại tử bàn chân là một biến chứng nặng nhất thường gặp ở các bệnh nhân tiểu đường. Các biến chứng bàn chân do bệnh tiểu đường như biến dạng bàn chân, loét bàn chân, hoại tử các ngón chân, nguy cơ mất ngón chân rất cao.

Việc kiểm soát đường huyết của bệnh nhân bị đái tháo đường rất quan trọng. Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Hồ sức cấp cứu bệnh viện đa khoa Hùng Vương.

Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân dẫn đến hoại tử bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường là do bệnh đái tháo đường chuyển hóa mạn tính. Nó có tác động tới hầu hết các cơ quan, gây rối loạn hệ thống sinh lý của cơ thể. Loét, hoại tử bàn chân là biến chứng do tổ hợp các nguyên nhân rối loạn chức năng sinh lý của cơ thể.

Ngoài ra, bệnh tiểu đường còn gây ra: Biến chứng thần kinh, mạch máu và nhiễm trùng.

Biến chứng thần kinh khoảng 40% bệnh nhân đái tháo đường gặp phải. Nó làm giảm khả năng cảm nhận. Người bệnh sẽ không thể cảm nhận được chân mình bị tổn thương. Bệnh nhân có thể giẫm lên 1 cái đinh nhưng vẫn đi suốt cả ngày mà không hề hay biết.

Bệnh nhân cũng có thể bị 1 vết xước hay vết rách ở chân nhưng không biết nên không được điều trị kịp thời. Chỉ đến khi bàn chân có dấu hiệu nhiễm trùng, sưng to lên thì đã ở giai đoạn muộn. Điều trị không còn hiệu quả nữa. Khi đó bàn chân có thể phải cắt cụt.

Trong bệnh tiểu đường, mạch máu thường bị tổn thương nặng. Các mạch máu lớn thường bị xơ cứng, lòng hẹp lại, gây tắc nghẽn, ngăn cản việc vận chuyển máu chứa oxy và các chất dinh dưỡng đến nuôi dưỡng mô bàn chân, gây loét và hoại tử bàn chân.

Hơn nữa, hiện tượng kém nuôi dưỡng do máu đến ít sẽ hạn chế khả năng điều trị khỏi nhiễm trùng và lành các vết loét. Trường hợp bị tắc hoàn toàn động mạch, bàn chân và các ngón chân có thể bị hoại tử toàn bộ.

Người bị bệnh tiểu đường còn dễ bị nhiễm trùng hơn người bình thường. Lý do là tuần hoàn máu kém làm cho các yếu tố bảo vệ cơ thể, miễn dịch suy yếu. Đa số các bệnh nhân ở Việt Nam là những người lao động trực tiếp tại cánh đồng hoặc nhà máy. Vì vậy, nếu có bất kỳ một vết loét nào gặp phải ở bệnh nhân thì nguy cơ bị nhiễm trùng là rất lớn.

Video: Bệnh viện cấp thuốc quá hạn cho bệnh nhân

Thu Nga
Bình luận
vtcnews.vn