Học sinh bị tát hàng chục cái sẽ chịu ảnh hưởng tâm lý thế nào?

Sức khỏeThứ Năm, 06/12/2018 14:25:00 +07:00

Trẻ sẽ dễ bị sang chấn tâm lý, nếu lâu ngày có nguy cơ dẫn tới chứng rối loạn hành vi, tự ngược đãi bản thân, tự tát vào mặt, giật tóc, thậm chí là dùng dao hay mảnh sành cắt vào tay, chân.

Gần đây liên tiếp xảy ra sự việc giáo viên phạt tát học sinh hàng chục, thậm chí hơn 200 cái khiến dư luận phẫn nộ. Không ít người đặt ra câu hỏi những trẻ sau khi 'lĩnh' số lượng cái tát lớn như vậy bị ảnh hưởng tới tâm lý và sức khỏe thể nào?

TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai có những chia sẻ phân tích rất kỹ về vấn đề trên.

Theo BS Tâm, các trẻ sẽ có dấu hiệu tâm lý bất bình thường nếu phải chứng kiến, hay trải qua những sự kiện gây sang chấn, kích động tâm lý rất nặng, gây ám ảnh và khiếp sợ. Từ sang chấn đó, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi và lo âu, stress và rối loạn tâm lý.

“Ở lứa tuổi vị thành niên, do còn nhỏ, lại trong giai đoạn hình thành nhân cách nên trẻ sẽ không nhận ra tình trạng bệnh của mình. Khi trẻ bị bệnh thường rất cần sự trợ giúp từ người khác, nhưng có một sự thật là hầu hết trẻ đều tìm cách loại bỏ bản thân hoặc không muốn cho người xung quanh biết, chú ý đến mình.

Việc này là nguyên nhân gây nên các diễn biến tâm lý cực kỳ nguy hiểm mà phụ huynh không thể lường trước được như chứng tự ngược đãi bản thân”, BS Tâm nói.

hoc sinh bi tat

     Học sinh ở Quảng Bình bị tát 231 cái phải nhập viện. (Ảnh: Zing)

BS Tâm cũng cho biết thêm, những trẻ bị sang chấn tâm lý nặng, nếu không được can thiệp kịp thời, sẽ dẫn tới các hành vi tự làm đau bản thân, cắt tay, cắt cổ tay gây rỉ máu hoặc lao đầu vào tường, cấu, cắn rách da, nhịn ăn rồi tự đánh, tát vào mặt rất nguy hiểm.

“Hầu hết những trẻ mắc bệnh này sau khi 'hành xác' đều cảm thấy thoải mái hơn, tâm lý được giải phóng khỏi sự ức chế nên những hành động tự tổn thương cứ tiếp diễn liên tục, rất khó lường”, BS Tâm nhấn mạnh.

Cũng theo BS Tâm, hiện nay, trẻ vị thành niên là đối tượng dễ bị sang chấn tâm lý nhất do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những tác động, áp lực ở trường học. Rồi việc cha mẹ gây sức ép, tạo áp lực nhằm uốn nắn con theo suy nghĩ, ý thích của mình...

Chính điều này làm ảnh hưởng lớn tới tâm sinh lý của trẻ, tới cả đam mê, sở thích và lối sống trong sáng của trẻ, làm trẻ bị bi quan, bế tắc và có những suy nghĩ lệch lạc dễ dẫn đến chứng tự ngược đãi bản thân ở tuổi teen.

Từ tình trạng trên, BS Tâm khuyến cáo, để điều trị cho những trẻ vừa bị sang chấn tâm lý thì biện pháp chủ yếu nhất là trợ giúp tâm lý, hoặc dùng thuốc để giảm ớt lo âu, rối loạn giấc ngủ.

Người thân trong nhà cần tăng cường động viên, trò chuyện, trao đổi với trẻ, qua đó hướng dẫn trẻ có khả năng đối phó và tránh những sang chấn về tâm lý có thể xảy ra. Cha mẹ cũng nên hướng trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao lành mạnh và giao lưu để tránh trầm cảm, lo âu.

Video: Áp dụng tù tại gia sẽ tác động tới đạo đức, tâm lý xã hội như thế nào

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn