Điểm mặt những tác hại khủng khiếp khi mẹ 'thả cửa' cho con uống nước ngọt có ga mỗi ngày

Sức khỏeThứ Sáu, 26/01/2018 15:14:00 +07:00

Sỏi thận, béo phì, sâu răng, thiếu chất, bị hạn chế phát triển chiều cao và trí tuệ là một vài trong số rất nhiều hậu quả nghiêm trọng mà trẻ phải gánh chịu khi uống nhiều nước ngọt có ga.

Dưới đây, là một số tác hại khôn lường nếu để trẻ uống nước ngọt có ga thường gặp nhất.

Thiếu chất

Uống nhiều nước ngọt có ga sẽ khiến trẻ cảm thấy no bụng, không ăn đủ lượng thức ăn cần thiết, từ đó bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng.

Việc thiếu hụt dinh dưỡng sẽ gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như giảm sức đề kháng, suy dinh dưỡng, hạn chế sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ của trẻ…

1

 Ảnh minh họa.

Loãng xương, chậm phát triển chiều cao

Nhiều nghiên cứu cho thấy nước ngọt có ga có liên quan đến tình trạng giảm mật độ xương bởi nó có chứa phosphoric. Phosphoric khi hấp thu vào cơ thể sẽ tăng đào thải canxi qua nước tiểu, làm giảm nguồn canxi cung cấp cho quá trình tạo xương.

Chính vì thế, uống nước ngọt có ga sẽ tăng nguy cơ bị loãng xương, chậm phát triển chiều cao.

Bên cạnh đó, uống nước ngọt có ga sẽ khiến trẻ ăn ít, không hấp thụ đủ canxi, đồng thời tăng đào thải canxi khỏi cơ thể. Hai tác hại đồng thời này của nước ngọt có ga có thể gây thiếu hụt canxi nghiêm trọng ở trẻ.

Gây sâu răng

Các acid có trong nước ngọt có ga như phosphoric, citric cùng với lượng đường lớn sẽ làm mòn, hủy hoại men răng, dẫn đến sâu răng. Răng của trẻ cũng không được chắc khỏe do thiếu canxi vì nước ngọt có ga đào thải canxi trong cơ thể nhiều hơn.

Sỏi thận, suy thận

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, uống quá nhiều nước ngọt có ga có liên quan đến nguy cơ bị sỏi thận và sỏi đường tiết niệu. Nước ngọt có ga làm giảm lượng canxi và kali, tăng lượng sucrose.

2

Nước ngọt có ga là kẻ thù với sức khỏe trẻ em. 

Tạp chí Dịch tễ học của Mỹ từng công bố một nghiên cứu cho hay, uống từ 2 lon nước ngọt có ga mỗi ngày sẽ tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận.

Tại một hội thảo về thận được tổ chức tại Mỹ năm 2013, các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Osaka, Nhật Bản và Đại học Case Western Reserve ở Cleveland, Mỹ đã đưa ra một báo cáo khiến nhiều người giật mình. Những người uống 2 lon nước ngọt có ga mỗi ngày sẽ có nguy cơ bị suy thận rất cao bởi nước ngọt làm tăng lượng muối trong máu, đồng thời tăng protein trong nước tiểu (protein niệu).

Béo phì và những tác hại lâu dài đối với trẻ

Do nước ngọt có ga chứa rất nhiều đường nên sẽ khiến trẻ bị thừa năng lượng. Năng lượng không tiêu thụ hết sẽ tích tụ thành lớp mỡ dưới da, khiến cơ thể béo phì.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch đã phát hiện ra rằng, việc uống nước ngọt có ga hàng ngày sẽ làm tăng các loại chất béo khác nhau trong cơ thể.

Tim mạch, tiểu đường

Nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch cũng khẳng định, nước ngọt có ga còn làm tăng cholesterol. Đây được cho là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về huyết áp, tim mạch, gây nguy hại lâu dài cho sức khoẻ của trẻ.

Nếu uống nước ngọt có ga mỗi ngày liên tục trong 6 tháng dẫn đến tích tụ mỡ thừa xung quanh gan và cơ xương. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ kháng insulin trong cơ thể và dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn bình thường.

Video: Uống nhiều trà sữa khi mang thai, con dễ bị hen suyễn

Nghiên cứu khác của Hội Tim mạch Mỹ cho thấy, trong một lon nước ngọt có ga có dung tích 350 ml thường chứa 7 muỗng cà phê đường. Trong khi đó, trẻ em chỉ được phép tiêu thụ không quá 3 muỗng cà phê đường mỗi ngày. Do vậy nếu uống từ 1-2 lon nước ngọt  mỗi ngày tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường 26%, so với những người uống một lần mỗi tháng.

Rối loạn tiêu hóa

Nước ngọt có ga chứa các acid, khí ga. Những thành phần này sẽ tác động đến dạ dày, gây cồn cào, tổn thương niêm mạc dạ dày, rối loạn tiêu hóa.

Acid phosphoric có trong nước ngọt có ga có thể vô hiệu hóa acid hydrochloric trong dạ dày, dẫn tới đầy hơi và khó tiêu.

Thậm chí, uống nước ngọt có ga mỗi ngày sẽ làm hỏng hệ tiêu hóa bởi nó có nhiều chất phụ gia, hóa chất và chất bảo quản. Những chất này cũng làm tổn thương bề mặt của ruột và dạ dày.

Thu Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn