Đêm giao thừa của bác sĩ trực cấp cứu cho bệnh nhân HIV/AIDS

Sức khỏeThứ Hai, 04/02/2019 07:34:00 +07:00

Thay vì về nhà với gia đình, tất cả y bác sĩ tại Bệnh viện Nhân Ái (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) phải túc trực 24/24 để theo dõi và cấp cứu bệnh nhân.

Căn phòng lớn tại khoa Nội 1, Bệnh viện Nhân Ái (nơi điều trị và chăm sóc miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS) vang lên lời bài hát xuân. Hàng trăm bệnh nhân đang ngồi dưới khán phòng người vỗ tay, người lắng nghe giọng hát trong trẻo của bệnh nhân T.

Anh T. điều trị ARV và ở viện đã lâu. Năm nào cứ đến mùa này, anh cũng xuống góp vui bằng giọng hát “ngọt như mía lùi” của mình. Kết thúc bài ca, anh không quên chào khán giả đang vỗ tay nhiệt liệt.

DSCF7064

 Bệnh nhân điều trị HIV/AIDS hát karaoke mừng xuân.

Giám khảo tại khoa mời thí sinh khác lên trong khi tay vẫn thoăn thoắt chấm điểm cho bệnh nhân. Thời điểm cận Tết nhiều bệnh nhân được gia đình lên thăm, những giọng ca vàng quen thuộc khác không thể tham gia vì bệnh nặng. Số khác nữa lại ngại. Thành ra khán phòng cả trăm người mà số thí sinh chưa đến 20 người.

Điều dưỡng Bùi Văn Tiến, phụ trách phòng Công tác xã hội cho biết, việc tổ chức hát karaoke cho bệnh nhân diễn ra không chỉ vào dịp Tết mà là định kỳ hàng tháng, kéo dài hơn 5 năm nay.

Hoạt động nhằm tạo không khí vui tươi hơn, giúp bệnh nhân lạc quan, kiên trì chống chọi với bệnh tật.

Với những tháng có lễ hội như Tết Nguyên đán, ngoài việc y bác sĩ cùng bệnh nhân hát trong đêm giao thừa, bệnh viện cũng sẽ tổ chức những trò chơi dân gian cho bệnh nhân. Giải thưởng cũng rất thực tế - là tiền - được quy đổi thành phiếu mua thực phẩm cho bệnh nhân tại căn tin.

Đã là năm thứ 11 kể từ ngày điều dưỡng Tiến lên công tác tại bệnh viện nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh này. Anh hiện đã lập gia đình và có hai bé trai kháu khỉnh. Vợ anh cũng là nhân viên của bệnh viện.

DSCF7018

 Giao thừa của các y, bác sĩ Bệnh viện Nhân Ái là trực cấp cứu.

Không còn bỡ ngỡ, nhớ gia đình như thời gian đầu nhưng nói về những ngày trực giao thừa vẫn là kỷ niệm không thể nào quên với anh Tiến.

Đó là vào dịp Tết 2013, khi anh cùng đồng nghiệp chuẩn bị đón giao thừa thì có một bệnh nhân bị tái phát vết mổ cũ, ruột lòi ra ngoài. Anh cùng ekip phải cấp cứu, đặt hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân ngay trong đêm.

Đến khi ca mổ kết thúc thì đã qua năm mới nên kíp trực gọi vui đây là “ca mổ 2 năm”. "Giao thừa mà phải làm nhiệm vụ chứ không được bên vợ con. Nhưng bản thân thấy vui vì giúp được bệnh nhân”, nam điều dưỡng nói.

Theo anh Tiến, chỉ có những nữ điều dưỡng mới lên công tác 1-2 năm đầu là dễ khóc nhất khi phải xa gia đình dịp Tết. Còn lại, hầu như ai cũng vững lòng với nhiệm vụ thiêng liêng mà mình đang làm.

Hiện con trai lớn của anh Tiến ở với ông bà ngoại, còn con nhỏ thì ở cùng vợ chồng anh tại nhà công vụ.

Nhiều đồng nghiệp khác của anh cũng trong hoàn cảnh này.

Lãnh đạo Bệnh viện Nhân Ái, trực thuộc Sở Y tế TP.HCM cho biết, nơi đây hiện có 29 bác sĩ, 154 điều dưỡng và 428 bệnh nhân.

Ngoại trừ một số bệnh nhân đủ sức khỏe được cho về thăm gia đình, tất cả nhân viên y tế đều phải túc trực tại bệnh viện trong đêm giao thừa, nhằm đảm bảo tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm bệnh nhân.

Mộc Lê
Bình luận
vtcnews.vn