Sơ cứu người đuối nước đúng cách: Không phải ai cũng biết

Sức khỏeThứ Tư, 12/07/2017 17:00:00 +07:00

Thời điểm mùa hè là lúc tình trạng đuối nước xảy ra rất nhiều, do số lượng người đi tắm tại các hồ bơi hay ao, hồ, sông ngòi rất lớn, đặc biệt tại các vùng nông thôn; tuy vậy, công tác đề phòng và cách sơ cứu khi bị đuối nước vẫn chưa được nhiều người quan tâm, biết đến.

Video: Bác sĩ Lương Quốc Chính hướng dẫn cách cấp cứu người bị đuối nước

Cách đây vài ngày, một vụ đuối nước hết sức thương tâm vừa xảy ra tại thôn Sở Hạ (Xã Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội), đã khiến 5 người thiệt mạng.

Ngày 11/7/2017, Bệnh viện Bạch Mai tổ thức hội thảo về việc phòng tránh và cách sơ cứu khi gặp tình trạng đuối nước nhằm tuyên truyền, hạn chế những vụ việc đau lòng như ở thôn Sở Hạ có thể xảy ra.   

Theo bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa cấp cứu (bệnh viện Bạch Mai), đuối nước nói chung là tình trạng phổi bị sặc nước, không có khả năng thở do mũi, miệng bị ngập dưới nước, dẫn tới suy hô hấp và tử vong.

Nạn nhân đuối nước thường không vùng vẫy, kêu cứu như mọi người lầm tưởng mà quá trình đuối nước thường diễn ra một cách hết sức nhẹ nhàng, khiến những người xung quanh khó mà biết được.

IMG_1034

 Bác sĩ Lương Quốc Chính nói về việc cách phòng tránh và sơ cứu khi gặp tình trạng đuối nước (Ảnh: Nguyên Hoàng)

Cũng theo BS Chính: “Khi đi tắm ở bể bơi hay ao, hồ, cần phải luôn cảnh giác, để ý lẫn nhau, đặc biệt là với trẻ em. Luôn theo dõi những dấu hiệu bất thường như việc nổi lập lờ, chìm không thấy nổi lên để kịp thời cấp cứu chứ không đợi nạn nhân vùng vẫy bởi lúc đó có thể đã quá muộn”.

Có những trường hợp, dù được sơ cứu kịp thời nhưng phổi đã bị tổn thương, oxy trong máu tụt giảm, không thể hồi phục, dẫn tới tử vong kể cả đã được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện. 

Tuy nhiên, khi phát hiện nạn nhân bị đuối nước, chỉ những người biết bơi mới được xuống cứu, bằng không phải sử dụng những vận dụng sẵn có như gậy, dây thừng hay phao bơi để cứu nạn.

Trong trường hợp bất khả kháng, phải lập tức đưa nạn nhân lên bờ. Đảm bảo an toàn cho cả người cứu hộ lẫn nạn nhân bằng cách túm tóc, cổ áo hoặc ôm từ phía sau lưng ra đằng trước ngực, tránh để nạn nhân túm phải trong lúc hoảng loạn.

Nếu nạn nhân bị đuối nước ở xa bờ, người cứu hộ phải ôm nạn nhân từ phía sau ra đằng trước ngực rồi dìu vào bờ nhằm đảm bảo an toàn khi cứu nạn.

IMG_1048 3

 Bác sĩ Lương Quốc Chính hướng dẫn hồi sinh tim phổi, với nguyên tắc 30 lần ép ngực thì thổi ngạt 2 lần (Ảnh: Nguyên Hoàng)

Bác sĩ Chính cũng nhấn mạnh: “Thông thường, nạn nhân đuối nước khi được cứu lên bờ, phần lớn tim đã ngừng đập, do vậy công tác sơ cứu ngay tại hiện trường nhằm bảo toàn tính mạng cho nạn nhân là rất quan trọng".

Ngay sau khi đưa nạn nhân lên bờ, phải tìm và loại bỏ dị vật trong miệng, cổ họng như bùn, dị vật hay thậm chí là răng giả. Quan sát, theo dõi nhịp tim, nhịp thở của nạn nhân, nếu nạn nhân vẫn còn thở, đặt nạn nhân nằm ở tư thế nằm nghiêng an toàn, tiếp tục quan sát nhịp thở và gọi cấp cứu để được hỗ trợ.

Trong trường hợp nạn nhân đã ngừng thở, phải gọi ngay cấp cứu, đồng thời tiến hành sơ cứu tại chỗ. Thực hiện hồi sinh tim phổi, ép ngực theo nguyên tắc 30 lần ép ngực thì thổi ngạt 2 lần. Làm liên tục như vậy cho tới khi có sự trợ giúp của nhân viên y tế, nạn nhân hồi tỉnh hoặc người cứu nạn không còn sức để tiếp tục thực hiện.

Khi bệnh nhân có dấu hiệu hồi tỉnh, cần phải ủ ấm, đặt nằm nghiêng an toàn, theo dõi sát nhịp tim, nhịp thở cho tới khi có nhân viên y tế tới hỗ trợ. Nạn nhân khi vận chuyển đi cấp cứu phải đặt nằm nghiên an toàn trên cáng hoặc phản cứng, có người khiêng chứ không được bế hay cõng đi.  

Bác sĩ Chính cũng lưu ý rằng, việc dân gian hay truyền miệng cách sơ cứu đuối nước là cầm chân nạn nhân dốc ngược, chạy xung quanh để tống nước ra ngoài là cách làm không đúng, thậm chí có thể gây nguy hiểm bởi nạn nhân khi đuối nước đang bị ngạt khí, cần phải thực hiện sơ cứu nhanh như ép tim, hô hấp nhân tạo.

Tư thế nằm nghiêng an toàn: Có thể nằm nghiêng bất kỳ bên nào, ví dụ nghiêng bên phải, tay phải để thẳng, vuông góc với người, chân phải duỗi thẳng. Đặt tay trái vòng qua cổ sang vai đối diện, gấp chân trái cong lên đẩy bệnh nhân nghiêng bên phải.

Nguyên Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn