Cuộc sống vẫn chờ: Nơi ung thư không thể chiến thắng

Sức khỏeThứ Ba, 15/01/2013 03:18:00 +07:00

(VTC News) – Có lẽ không đâu đau khổ bằng bệnh viện, có lẽ không bệnh nhân nào khắc khoải như bệnh nhân ung thư. Nhưng...

(VTC News) – Có lẽ không đâu đau khổ bằng bệnh viện, có lẽ không bệnh nhân nào khắc khoải như bệnh nhân ung thư. Nhưng ở đó, vẫn sáng bừng lên những bông hoa hướng dương sáng ngời.

Trong chương trình “Cuộc sống vẫn chờ”, phát sóng trực tiếp vào 20h30 ngày 19/1/2013 trên kênh VTC14, khán giả sẽ được gặp những bông hoa hướng dương này.

Bệnh nhi ung thư máu Phùng VănÁnh. Cháu đã mãi ra đi. (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Họ là những bệnh nhân mắc bệnh ung thư, là bác sĩ, hộ lý luôn sát cánh cùng bệnh nhân. Là những người có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ người bệnh…

Căn bệnh ung thư như một ám ảnh của con người trong cuộc sống hiện tại. Với những hành động tiêu cực, vô ý thức, con người đã, đang và sẽ tự huỷ hoại mình bởi những căn bệnh nan y. Không chỉ có vậy, căn bệnh ung thư còn tấn công cả những đứa trẻ vô tội.


Ung thư gây nên những tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần không chỉ cho người bệnh mà cho cả những người xung quanh. Chỉ cần nghe đến căn bệnh ung thư, ngay cả những người mạnh mẽ nhất, quyết đoán nhất cũng có thể gục ngã.

Ung thư ở người lớn đã vậy, nhưng ung thư ở trẻ em lại có một tác động mạnh mẽ hơn rất nhiều. Ung thư trẻ em là căn bệnh rất khó khăn trong công tác phát hiện, khám và điều trị.


Khi mắc bệnh, các cháu không được hưởng quyền lợi rất bình dị của trẻ em là đi học, vui chơi. Nhiều ngày liền, các cháu phải thực hiện các đợt điều trị bằng hóa chất. Cơ thể đau đớn, mệt mỏi, đôi khi còn có sự chán nản đè nặng lên những đứa trẻ đang tuổi vô lo, vô nghĩ và cả bố mẹ chúng.

Chính vì vậy, việc giảm nhẹ những nỗi đau về thể xác và tinh thần không chỉ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà nó còn giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn trong suốt quá trình điều trị cũng như khi đã cận kề cái chết.

Trong chương trình này, độc giả sẽ được thấy lại cháu Phạm Thị Lành, bệnh nhi ung thư. Cháu Phạm Thị Lành 12 tuổi, ở thành phố Thái Bình đã ra đi vĩnh viễn trong nỗi đau xót của người thân và tất cả những người xung quanh, sau 2 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu.

Sinh ra một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất vì tai nạn giao thông, bản thân em mắc căn bệnh hiểm nghèo. Mẹ vừa phải chăm Lành, chăm em, vừa phải lo cáng đáng việc gia đình.

Chính vì vậy, mà Lành rất thương mẹ, em luôn cố gng tạo cho tất cả mọi người một sự thoải mái cũng như sự vui vẻ. Có lẽ vì thế, cô bé luôn được mọi người yêu quý vì sự lễ phép và thông minh của mình. Mặc dù, Lành đã ra đi với bao ước mơ còn dang dở, nhưng những ấn tượng mà cô bé để lại khiến cho mọi người không thể nào quên.

Không chỉ có Lành mà em Thúy ở TP.HCM cũng mắc phải căn bệnh ung thư xương cũng strở lại với khán giả như một đóa hoa hướng dương tỏa sáng.

Trong quá trình điều trị, phải cưa chân nhiều lần nhưng với nghị lực sống phi thường và trên hết là một tấm lòng nhân hậu, biết cảm thương đến những em bé cùng cảnh ngộ, bằng sức khoẻ của một bệnh nhân ung thư, bằng tấm lòng của một con người, Thuý đã vận động mọi cùng mình, đến từng giường bệnh, chia sẻ, động viên, xoa dịu nỗi đau cho các em.


Mặc dù Thuý đã ra đi được 5 năm, nhưng những việc Thuý đã làm, cũng như ước mơ đẹp đẽ của Thuý đã được cộng đồng viết tiếp.


Sát cánh bên những bệnh nhân ung thư

Trong những năm qua, y học đã có những bước phát triển đáng kể trong việc chẩn đoán và điều trị ung thư. Với những thiết bị như nội soi, chụp CT, cộng hưởng từ, rồi đến Pet, những căn bệnh ung thư đã được phát hiện sớm hơn, tỉ lệ bệnh nhân đến viện ở giai đoạn sớm cũng nhiều lên.

Bên cạnh đó, những ứng dụng trong phẫu thuật cũng đã khiến cho tỉ lệ bệnh nhân sống thêm ngày càng nhiều hơn. Hiện nay, người ta có thể mổ nội soi, mổ bằng robot với những cánh tay nhiều chức năng, hay với những khối u nằm sâu trong não, bệnh nhân chẳng cần mở hộp sọ, cũng có thể tiêu diệt khối u bằng dao gama.

Hóa trị xạ trị hiện nay đã có nhiều tiến bộ. Với mấy định vị 3 chiều, những tia xạ với trường chiếu thông minh đã khiến cho khối u bị khống chế, những thế hệ thuốc mới làm giảm thiểu tác dụng phụ của hóa chất, hay với liệu pháp gen, tế bào gốc đang m ra một thế giới sinh học diệu kì.

Trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư, các bác sĩ là người sát cánh cùng người bệnh, giúp họ vượt qua những giai đoạn cam go nhất của cuộc đời. Không chỉ có vậy, họ còn là những bác sĩ tinh thần, giúp bệnh nhân vượt qua được những rào cản về tâm lý.

Bác sĩ Trần Văn Công, trưởng khoa nhi, bệnh viện K, cơ sở II là người gắn bó với khoa nhi từ ngày đầu thành lập, hơn ai hết anh là người thấu hiểu tâm trạng của các em và đồng cảm với những nỗi đau mà các em gặp phải. Chính vì vậy, anh đã viết nên những vần thơ gần gũi với các em.

Với  tình cảm chân thành, nhạc sĩ Huyền Ngọc đã phổ nhạc cho bài thơ của bác sĩ Trần Văn Công. Bài ca với nhạc điệu trong sáng đã làm lay động rất nhiều người. Bài thơ như được chắp thêm đôi cánh, nó bay bổng vút cao và được mọi người hưởng ứng nồng nhiệt.

Có lẽ, chỉ với những người có tấm lòng yêu thương con trẻ mới có thể làm nên những nhạc phẩm như vậy. Hàng tuần, đến dạy nhạc và dạy hát cho các cháu, chị Ngọc càng hiểu và đồng cảm với các cháu.

Chị luôn tâm nguyện, sẽ cố gắng làm tất cả để giúp các cháu vơi bớt những nỗi đau. Quả thật, giai điệu của những bài hát là liều thuốc giảm đau tinh thần tuyệt vời. Các cháu hứng khởi, thể hiện hết mình cho bài hát. Và giờ đây, không còn là các bệnh nhân, mà chỉ còn những ca sĩ nhí đang thể hiện thật sinh động.

Đây không phải lần đầu tiên, chị Ngọc phổ nhạc cho các cháu ở đây, những bài thơ chan chứa tình yêu dành cho các cháu cũng được chị phổ nhạc và được đông đảo mọi người đồng ca trong những buổi sinh hoạt gặp gỡ của các bệnh nhân ung thư. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi, không gian tràn đầy cảm xúc, chỉ còn tình người ở lại….

Mỗi người, mỗi lĩnh vực, nhưng ở họ đều tựu chung một tấm lòng thương cảm với những bệnh nhân ung thư. Sư thầy Thích Đàm Chung, trụ trì chùa Phổ Linh, Tây Hồ, Hà Nội là người thầm lặng giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh từ hơn chục năm nay.

Không ồn ào, nhà chùa đã lặng lẽ thu thập danh sách các bệnh nhân ung thư, đến từng giường bệnh để an ủi và chia quà cho những bệnh nhân nặng.

Hằng tháng, sư thầy tổ chức những khoá tu an lạc cho khoảng 500-800 bệnh nhân nặng, giúp họ vơi bớt những gánh nặng về tâm lý. Với sự giúp đỡ của cộng đồng đã giúp nhiều bệnh nhân ung thư có tiền để chữa bệnh, có thêm niềm tin để chiến đấu với bệnh tật.


Tất cả họ, những bệnh nhân ung thư, những người bác sĩ, nhạc sĩ... hết lòng vì bệnh nhân ung thư, sẽ có mặt trong chương trình Cuộc sống vẫn chờ, phát sóng trực tiếp trên VTC 14 lúc 20h30 phút ngày 19/1/2013 để một lần nữa nói lên những khát vọng sống, những cảm xúc mãnh liệt dù chỉ còn một giây phút sống trên cõi đời.

Những bông hoa hướng dương tham gia chương trình

1. Bác sĩ Việt Hương-Khoa Ung bướu Nhi, Bệnh viện K, cơ sở II
2. Ông Lê Công Định- Ông của bệnh nhân Hồng Nhung
3. Chị Lê Thị Lan-hộ lý khoa Nhi, BV K, cơ sở II
4. Mai-Đại diện nhóm tình nguyện viên chắp cánh ước mơ.
5. Cháu Nguyễn Thúy Hà-Bệnh nhân ung thư
6. Trịnh Công Thanh-hiệp sĩ CNNT, Chủ tịch hội khuyết tật quận HBT
7. Đại tá kiêm nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Tường
8. TS-BS Nguyễn Phú Kiều-Viện trưởng Viện nghiên cứu và điều trị các bệnh hiểm nghèo
9. Thạc sĩ-BS Trần Văn Công-Trưởng khoa Ung bướu Nhi, bệnh viện K, cơ sở II
10. Nhạc sĩ Huyền Ngọc
11. Sư thầy Thích Đàm Chung-trụ trì chùa Phổ Linh, Tây Hồ, Hà Nội


Nam Anh
Bình luận
vtcnews.vn