Cuộc chạy đua cứu sống thai nhi bị bỏ rơi của những người 'điên'

Sức khỏeThứ Sáu, 07/12/2018 14:33:00 +07:00

Hơn một tháng trước, Bệnh viện E có một ca cấp cứu kỳ diệu, các bác sĩ đã “giật” sinh mệnh bé Lê Bình An từ tay thần chết trong gang tấc khi mẹ cô bé uống thuốc phá thai.

10h trưa 2/10, Nguyễn Văn Hùng (tình nguyện viên câu lạc bộ Sẻ Chia sự sống Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại của chị Nguyễn Thi N. (Tuyên Quang). Quá quen thuộc với những trường hợp các bà mẹ ngoại tỉnh lên Hà Nội với ý định “bỏ rơi” những đứa trẻ, Hùng lập tức hẹn chị.

Sau khi tâm sự, Hùng mới biết hoàn cảnh éo le của chị: Chồng mất, hiện tại chị vẫn sống với gia đình nhà chồng và 2 đứa con. Người góa phụ ấy không thể vượt qua định kiến của họ hàng, xóm giềng khi xuất hiện thêm một đứa trẻ nữa – món quà không được mong chờ.

Tưởng mới chỉ có ý định, Hùng không hề biết, trước lúc gặp cậu, chị đã uống một viên thuốc phá thai. Câu chuyện dở dang cũng là lúc người mẹ ấy nói vừa mới uống viên thứ 2. Hùng thông báo ngay với anh Lê Thành Trung (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sẻ Chia sự sống Hà Nội), quyết định đưa 2 mẹ con chị vào viện E cấp cứu.

Lúc nhập viện, bác sĩ cho biết, tính mạng cả hai mẹ con đều đang nguy kịch, khi cái thai ở tháng cuối của kỳ sinh, chị không thể sinh thường được, buộc phải mổ.

Hùng nộp luôn 5 triệu viện phí trước, nhưng vì không phải là người nhà nên không thể ký thủ tục mổ cho chị. Lúc ấy, anh Trung phải giải thích khẩn cấp, đứng ra bảo lãnh, “xin” bác sỹ cứu đứa trẻ tội nghiệp trong lúc “ngàn cân treo sợi tóc”.

Ca mổ sinh của người góa phụ ở trong phòng, còn các tình nguyện viên bên ngoài chỉ biết cầu nguyện, dù ai cũng lo lắng, sợ hãi khi ranh giới giữa sự sống và cái chết chưa bao giờ gần đến thế. Rồi tất cả cùng thở phào nhẹ nhõm, vỡ òa khi 2 mẹ con đều bình an vô sự. Cái tên “Bình An” được đặt cho sự ra đời đặc biệt của em.

a1

Bé Bình An được cứu sống sau ca mổ kỳ diệu.

Trong tháng 10, Bình An là một trong 3 đứa trẻ may mắn được cứu. Mẹ của 2 bạn nhỏ còn lại đều được câu lạc bộ vận động không bỏ thai và hỗ trợ từ khi sinh đến nay.

Anh Trung chia sẻ: “Tiếp nhận, chôn cất những hài nhi xấu số chỉ là một phần trong công việc mà chúng tôi đang làm. Mình cứ nhặt xác thai nhi còn người ta vẫn đi nạo, phá thai thì đau đớn lắm. Có bạn gọi điện cho tôi nói muốn phá thai khi con 8 tháng tuổi rồi.

Vì thế, chúng tôi phải cứu những đứa trẻ từ trong bụng, ngay khi mẹ chúng có ý định bỏ rơi con. Phải khuyên nhủ bằng mọi cách, ngày nào cũng động viên, tâm sự với các bạn ấy để họ tin tưởng, yên tâm sinh. Thậm chí chúng tôi hỗ trợ kinh tế, có cả chỗ ở riêng dành cho họ, để họ không phải trốn tránh gia đình”.

Từ khi hoạt động, Câu lạc bộ Sẻ Chia Sự Sống Hà Nội đã tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho những bà mẹ lầm lỡ, giúp 230 em bé “được” sống, điều tưởng như là quyền đương nhiên của mỗi con người.

Những kẻ tội đồ?

Bé Bình An được cứu sống là niềm hạnh phúc nhưng chẳng thể trọn vẹn khi sinh mổ được 3 ngày, mẹ em nhất định đòi ra viện bởi gia đình chồng ở quê nháo nhác đi tìm.

a2

Các “ba mẹ tình nguyện” tổ chức tiệc đầy tháng của bé Bình An. 

Không ai hay biết người góa phụ vẫn nói dối mọi người mình mắc bệnh béo phì suốt thời gian bầu em Bình An, lần này lên Hà Nội chỉ để chữa bệnh thôi. Chị cương quyết bắt xe về quê bất chấp sự ngăn cản lẫn khuyên can của các tình nguyện viên, chỉ để lại vỏn vẹn mảnh giấy xác nhận không thể nuôi con.

Có những đứa trẻ được sống nhưng lại bị từ chối như thế, chúng được đón về ngôi nhà chung của câu lạc bộ với những “ba mẹ tình nguyện”.

Trong “Ngôi nhà chung” của Câu lạc bộ Sẻ chia sự Sống Hà Nội, có 3 người mẹ tương tự như mẹ của bé Bình An, được vận động không bỏ con và nhận hỗ trợ để nuôi đứa trẻ.

Dù được anh Trung thuyết phục thế nào, những người mẹ đáng thương ấy cũng không đồng ý để người viết tiếp cận. Nỗi sợ bị gia đình phát hiện, bị từ mặt, bị coi là kẻ tội đồ khi “bôi tro trát trấu” vào mặt bố mẹ quá lớn khiến họ khép mình, không dám đối diện.

Những đứa trẻ còn tội nghiệp hơn khi trở thành nỗi xấu hổ, nhục nhã: “Mày đẻ ra nó thì coi như mày không có bố có mẹ nữa”.

Anh Trung kể: “Có lần, tôi nhìn thấy một cô gái trẻ đang đi trên đường Đê La Thành về hướng dốc phụ sản. Chỉ cần nhìn vẻ mặt lo lắng, thất thần, tôi chắc chắn cô ấy đang chuẩn bị đi phá thai, nhưng tôi mất dấu, không thể đuổi kịp. Đó là điều khiến tôi ân hận đến bây giờ …”.

Có lẽ, đó cũng là lý do khiến những người “điên” như anh luôn để điện thoại 24/7, hy vọng có thêm những đứa trẻ được sống, dù niềm hy vọng ấy cũng rất mong manh.

a3 3

Nguyễn Thúy Vy – em bé cũng được cứu sống trong tháng 10.

Anh Trung chia sẻ, anh chỉ nghĩ đến sinh mệnh của những đứa bé, không quá quan tâm câu chuyện riêng của người mẹ, chỉ cần đứa trẻ được sống là hạnh phúc rồi. Ai cũng có những góc khuất, những khổ tâm riêng không dễ gì hiểu được. Những cuộc gặp gỡ đã định sẵn chia ly, khiến nhiều đứa trẻ chưa kịp nhìn ánh sáng mặt trời phải lìa đời.

Chúng là kết quả của những cuộc tình một đêm, kết quả tình yêu của 2 cô cậu sinh viên non nớt, hoặc ngang trái như sự ra đời của bé Bình An. Họ chỉ biết âm thầm “xóa” đi những sai trái của mình tại những phòng khám với dịch vụ nạo, phá thai dù cắn răng chịu đựng đau đớn, dù biết có nguy cơ vô sinh sau này.

Bình An ngoan ngoãn trong vòng tay của nhiều “ba mẹ tình nguyện”. Ánh mắt long lanh của em ngước lên nhìn khiến những người xa lạ cũng không khỏi xót xa. Cái nhìn ám ảnh của đứa trẻ như Bình An, cuộc đời chúng tựa dấu ba chấm lơ lửng, chênh vênh, chẳng biết ai sẽ viết gì tiếp theo …

Hồng Phúc
Bình luận
vtcnews.vn