'Cô bé mai rùa' đã hồi phục hoàn toàn

Sức khỏeThứ Sáu, 07/10/2016 18:59:00 +07:00

Bé Thắm đã được phẫu thuật thành công bởi ê kíp của Bệnh viện Nhi Đồng 1, do bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện chủ trì, giúp Việt Nam trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới thực hiện thành công dạng phẫu thuật này.

Bé Thắm mang một khối bướu hắc tố trên lưng, hình dạng như chiếc mai rùa từ khi mới sinh. Bướu ban đầu chỉ to bằng quả quýt, sau đó lớn dần lên, nay đã có đường kính 22cm, khiến cô bé gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như hết sức mặc cảm vì bị bạn bè trêu chọc. Khối bướu cũng gây ngứa ngáy nhiều và nếu không được giải quyết kịp thời thì có nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư.

Ngoài ra, nếu để bướu phát triển lớn thêm, việc mổ bóc tách sẽ khó khăn và nguy hiểm hơn, thậm chí không làm được vì đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Đây là trường hợp cực kỳ hiếm gặp, trước đó trên thế giới chỉ có 1 ca duy nhất được ghi nhận là “Cậu Bé Rùa” (Turtle Boy) ở Columbia với khối bướu tương tự nhưng lớn hơn trên lưng.

Mẹ con bé Thắm vui vẻ trò chuyện cùng bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, trưởng ê kíp phẫu thuật cho bé

Mẹ con bé Thắm vui vẻ trò chuyện cùng bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, trưởng ê kíp phẫu thuật cho bé

Sau đó, bé Thắm đã được phẫu thuật thành công bởi ê kíp của Bệnh viện Nhi Đồng 1, do bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện chủ trì, giúp Việt Nam trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới thực hiện thành công dạng phẫu thuật này, sau Anh quốc – nơi đã phẫu thuật cho cậu bé người Columbia vài năm trước.

Turtle Boy người Columbia - bệnh nhi đầu tiên được ghi nhận mắc khối bướu mai rùa và được các bác sĩ người Anh phẫu thuật thành công - ảnh DAILYMAIL

Turtle Boy người Columbia - bệnh nhi đầu tiên được ghi nhận mắc khối bướu mai rùa và được các bác sĩ người Anh phẫu thuật thành công - ảnh DAILYMAIL

Ca mổ hơn 4 tiếng đồng hồ đã bóc tách toàn bộ khối bướu và ghép da (lấy từ đùi) lên khoảng trống nơi bướu vừa được lấy đi. Theo đánh giá của bác sĩ Hiếu, miếng da ghép quá lớn chính là nỗi lo lớn nhất của BS Hiếu.

Bé được sử dụng kháng sinh, thay băng thường xuyên sau mổ bởi ê kip chuyên nghiệp, bởi việc thay băng cần hết sức nhẹ nhàng, cẩn trọng.

Khối bướu trên lưng bé T. khi được bóc tách

Khối bướu trên lưng bé T. khi được bóc tách

Các bác sĩ cũng đã phải chuẩn bị sẵn tình huống miếng da ghép có thể bị hỏng, bong ra hoàn toàn và phải thực hiện phẫu thuật ghép da một lần nữa. Rất may, chỉ sau 10 ngày phẫu thuật, theo đánh giá, phần da ghép đã thành công đến 70%.

Đến nay, miếng da ghép sau lưng bé Thắm đã ổn định 95%, chỉ còn lại một khoảng nhỏ bằng đầu ngón tay cái, nhưng tiên lượng tốt. Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ chuyển giao cho y tế địa phương thực hiện nốt công đoạn còn lại, cũng như hẹn bé và gia đình tái khám theo lịch. Hôm nay, 7/10, bé được xuất viện.

Thắm chăm chú vào những món đồ chơi mẹ mới mua để mừng bé được xuất viện. Bé cho biết bây giờ bé mong nhất là được về gặp anh trai

Thắm chăm chú vào những món đồ chơi mẹ mới mua để mừng bé được xuất viện. Bé cho biết bây giờ bé mong nhất là được về gặp anh trai

Tại buổi xuất viện, chị Thạch Thị Đa Ni, mẹ bé Thắm cho biết bé đã hoàn toàn khỏe mạnh, ăn uống, chơi đùa bình thường. Chị sẽ đưa bé về quê để nhanh chóng nhập học, vì đã trễ vài tuần so với dịp khai giảng năm học mới.

Người mẹ trẻ cho biết chị rất hạnh phúc vì từ đây không phải lo sợ con mình bị bạn bè trêu chọc, cháu bé có thể có một cuộc sống bình thường, tập trung học hành và theo đuổi ước mơ làm một cô giáo khi lớn lên.

Video: Cô bé có khối u hình mai rùa hiếm gặp

(Nguồn: Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn