Căn bệnh lây nhiễm nguy hiểm ở Hải Dương: Cách ly sau tử vong

Sức khỏeThứ Năm, 25/02/2016 03:31:00 +07:00

Một bệnh nhân là nữ sinh lớp 12 ở Hải dương đã tử vong sau khi nhiễm viêm não mô cầu - một căn bệnh nguy hiểm lây lan nhanh và có tỷ lệ tử vong cao.

Một bệnh nhân là nữ sinh lớp 12 ở Hải dương đã tử vong sau khi nhiễm viêm não mô cầu - một căn bệnh nguy hiểm lây lan nhanh và có tỷ lệ tử vong cao.

Theo ông Bùi Huy Nhanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương, đây là trường hợp tử vong vì viêm não mô cầu đầu tiên tại địa phương sau hơn 10 năm không ghi nhận ca mắc nào. Vì là bệnh có khả năng lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao nên Trung tâm Y tế dự phòng đã điều tra, lập danh sách những người tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc bệnh nhân, học sinh cùng lớp…
Ảnh minh họa.

Gần 50 người đã tiếp xúc với bệnh nhân hiện được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, giám sát tại gia đình để có thể phát hiện sớm bệnh khi có dấu hiệu. Trung tâm cũng hướng dẫn người dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, khử khuẩn lớp học, gia đình và các hộ lân cận. Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Sở Y tế Hải Dương nhanh chóng xử lý, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch não mô cầu.

Não mô cầu là bệnh nguy hiểm, chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh đã có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao vào mùa xuân do yếu tố thời tiết mưa, ẩm, lạnh dễ làm giảm sức đề kháng. Đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn đang nằm sẵn trong họng gây bệnh. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, nguy cơ cao ở trẻ em và người già do sức đề kháng kém.

Vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viêm họng. Với những người cơ địa yếu, vi khuẩn tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Trường hợp diễn tiến cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.

Viêm não mô cầu gây 2 bệnh lý chính là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu, đều nguy hiểm vì có thể gây sốc, tử vong nhanh chóng. Ở thể tối cấp, bệnh diễn tiến nhanh, tỷ lệ tử vong lên đến 60-70%; thể viêm màng não mủ tử vong là 30-40% nếu điều trị không kịp thời. Vì xuất hiện ban hoại tử trên da nên bệnh dễ nhầm với bệnh liên cầu khuẩn. Ngoài ra, bệnh cũng khó phát hiện sớm vì biểu hiện ban đầu như viêm họng thông thường nhưng diễn biến cấp tính.

Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 650 trường hợp viêm màng não mủ do vi khuẩn, trong đó vi khuẩn não mô cầu chiếm khoảng 14%. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ 10-20%. Trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng 5-25%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn tại khu vực ổ dịch.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Vi khuẩn não mô cầu cư trú ở vùng hầu họng, khi tiếp xúc thông thường người với người sẽ lây truyền qua nước bọt, dịch tiết đường hô hấp, ho, hắt hơi.

Vì thế, để phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm văcxin phòng bệnh não mô cầu. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường... Hạn chế tiếp xúc với người nghi bị viêm đường hô hấp, đặc biệt là trẻ em. Khi có các biểu hiện sốt, đau họng, cổ cứng, xuất hiện tử ban trên da (ban màu tím, thâm đen), nôn, đau đầu dữ dội… cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.


Nguồn: Vnexpress
Bình luận
vtcnews.vn