Bộ Y tế nói người Việt uống rượu bia nhiều, doanh nghiệp cãi ‘thấp’

Sức khỏeThứ Tư, 30/05/2018 07:28:00 +07:00

Mỗi người Việt uống trung bình 6,6 lít cồn một năm, đại diện hiệp hội rượu bia nói chỉ xếp thứ 94 thế giới, còn Bộ Y tế phản bác.

Dự thảo luật phòng chống tác hại rượu bia đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến đóng góp. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh rượu bia phản đối nhiều quy định trong dự thảo, thậm chí cho rằng không cần thiết phải xây dựng luật.

Phát biểu tại hội nghị góp ý dự thảo luật mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam cho rằng: "Thực trạng sản xuất kinh doanh, sử dụng bia rượu ở Việt Nam ở mức trung bình".

Lý do, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lượng cồn nguyên chất tiêu thụ tại Việt Nam là 6,6 lít một người mỗi năm, đứng thứ 94 trong số 194 nước thành viên WHO. Tốc độ tăng trưởng của thị trường bia rượu trong ba năm gần đây giảm.

Phản bác ý kiến này, bà Trần Thị Trang, Vụ phó Pháp chế Bộ Y tế, cho rằng con số 6,6 lít trên đầu người là số liệu chia đều cho cả người uống bia rượu lẫn người không uống trên 15 tuổi. Trong khi đó ở Việt Nam chủ yếu đàn ông uống rượu bia; nữ giới sử dụng rất ít. Bà Trang dẫn chứng, trung bình trên thế giới tỷ lệ uống rượu bia ở nam là 48% so với nữ 29%. Tỷ lệ này tại Việt Nam là 77% (nam) và 11% (nữ).

1

Ảnh minh họa. 

“Nếu tính riêng trong số nam giới trên 15 tuổi có sử dụng rượu bia thì một người tiêu thụ trung bình tới 27,4 lít cồn nguyên chất. Đây là mức rất cao, xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á/Tây Thái Bình Dương, thứ 10 Châu Á và thứ 29 thế giới”, bà Trang nói.

Ban soạn thảo dự luật cũng cho rằng “các doanh nghiệp bia rượu tại Việt Nam đang kinh doanh có lãi và rất thuận lợi”. Chẳng hạn, lợi nhuận sau thuế của Sabeco năm 2017 là 4.562 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước; Habeco cũng lãi 658 tỷ.

Theo CNBC, kênh tài chính lớn nhất thế giới thì Chủ tịch Heineken châu Á và Thái Bình Dương Frans Eusman cho biết hãng đang đổ tiền vào Việt Nam, thị trường có khả năng sinh lời lớn thứ hai cho hãng bia này chỉ sau Mexico.

Thực tế ở Việt Nam, ban soạn thảo đánh giá số lượng rượu, bia, thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng tăng với tốc độ không tương xứng với mức sống thấp và thu nhập của dân cư.

Dự thảo đề xuất lập Quỹ nâng cao sức khỏe dựa trên nguồn kinh phí đóng góp từ doanh nghiệp rượu bia, cũng bị phản đối. Các doanh nghiệp không đồng ý thành lập Quỹ vì cho rằng đang dành một khoản tiền lớn cho các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về uống có trách nhiệm.

Video: Ngộ độc rượu gia tăng, bệnh viện vỡ trận

Theo Bộ Y tế, “uống có trách nhiệm” là thông điệp không rõ ràng, một khái niệm mập mờ vì không thể xác định thế nào là “uống có trách nhiệm” và đâu là ngưỡng. Thông điệp này chỉ có ý nghĩa với người không uống rượu bia, còn thường người uống không kiểm soát được bản thân cũng như trách nhiệm.

Dự thảo luật phòng chống tác hại rượu bia được xây dựng gồm 6 chương, 22 điều, trong đó có quy định các biện pháp giảm tác hại, giảm mức tiêu thụ, kiểm soát việc cung cấp rượu bia... Đặc biệt, Bộ Y tế đề xuất cấm quảng cáo bia chứ không chỉ kiểm soát quảng cáo rượu như hiện nay; quy định thời gian cấm bán rượu bia...

(Nguồn: VnExpress)
Bình luận
vtcnews.vn