Bộ trưởng Y tế: 'Phun thuốc muỗi chỉ phòng sốt xuất huyết ngắn hạn'

Sức khỏeThứ Ba, 25/07/2017 07:01:00 +07:00

Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát trên khắp cả nước khiến 58.888 người mắc bệnh, trong đó có 50.497 trường hợp phải nhập viện điều trị và có 17 ca tử vong.

Ngày 24/7, Bộ Y tế tiến hành tổ chức hội nghị trực tuyến về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa lũ dịch sốt xuất huyết với sự tham gia của các cấp lãnh đạo Bộ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế cùng với đại diện các Bộ, ban ngành liên quan.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, thời điểm những tháng gần đây đang vào mùa mưa - mùa của bệnh dịch, đặc biết là sốt xuất huyết. Bệnh này xuất hiện quanh năm ở miền Nam, tập trung đông ở Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, do biến đổi thời tiết, dịch sốt xuất huyết ngày càng gia tăng nhanh chóng ở khu vực phía Bắc.

Bo-Truong-Bo-Y-Te-tai-Hoi-Nghi- Online

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội thảo trực tuyến về phòng chống các bệnh mùa lũ và dịch sốt xuất huyết (Ảnh: Nguyên Hoàng)

Sốt xuất huyết do loại muỗi vằn, là trung gian truyền bệnh gây ra. Đây là loại muỗi ưa nước sạch, phát triển ở khu dân cư và hoạt động mạnh vào ban ngày, trong khoảng thời gian 8 giờ đến 10 giờ sáng. Ở miền Bắc, phần lớn người mắc sốt xuất huyết là người lớn, trong khi đó, ở miền Nam, số bệnh nhi lại đông hơn.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2017. trên khắp cả nước đã có 58.888 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, 50.497 trường hợp phải nhập viện điều trị và 17 ca tử vong. Con số này tăng hơn 12,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Hầu như số lượng bệnh nhân đều tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai… Đặc biệt, tại TP HCM, số ca mắc sốt xuất huyết lên tới 13.429 người, cao nhất trên cả nước.  

Nguyên nhân bùng phát dịch sốt xuất huyết được cho là do tình hình dịch bệnh trên thế giới tăng, Việt Nam cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là một nguyên do dẫn tới bùng phát dịch.

Các khu nhà trọ, khu nhà đang xây dựng thường có nhiều vũng nước tù, nước đọng, ẩm thấp… dẫn đến sự sinh sôi của muỗi vằn truyền bệnh. Việc giao lưu đi lại giữa các quốc gia, khu vực cũng khiến việc kiểm soát, khoanh vùng dịch trở nên khó khăn.

Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm nay có thời điểm nhiệt độ lên cao đỉnh điểm trong suốt 40 năm qua, thêm việc mùa mưa tới sớm hơn mọi năm khiến muỗi truyền sốt xuất huyết sinh sản nhanh.

Tính theo số mắc trung bình trên 100.000 dân thì Việt Nam là nước thấp so với khu vực, nhưng so với năm 2016 là tăng. Dịch bệnh tập trung chủ yếu ở Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ. Miền Bắc có số người mắc dịch bệnh thấp nhất cả nước, chỉ tập trung chủ yếu ở Hà Nội và khu vực nội thành.

CT-Cuc-Y-Te-Du-Phong-Phat-Bieu-Tai-Hoi-thao-Online 3

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng trình bày về công tác phòng chống sốt xuất huyết và các bệnh mùa mưa lũ (Ảnh: Nguyên Hoàng)

Tuy sốt xuất huyết là bệnh diễn ra thường niên, Hà Nội và TP HCM đã thực hiện tốt công tác chuyên ngành nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. “Đây là bệnh chữa được, phòng bệnh được. Ở miền Nam đã từng có hàng ngàn ca tử vong về bệnh này, nhưng tới nay đã giảm xuống còn hai con số. Tuy nhiên, một vấn đề vẫn còn tồn tại, đó là tình trạng lặp bệnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Trước tình hình đó, Bộ trưởng yêu cầu phải tập trung cao độ, không được chủ quan, lơ là. Một mặt xử lý dịch sốt xuất huyết, mặt khác phải đề phòng, ứng phó với các bệnh xảy ra trong mùa lũ như bệnh tả, bệnh lỵ, bệnh thương hàn, bệnh viêm màn não, bệnh da liễu hay bệnh đau mắt đỏ. Nếu không tổ chức khéo léo thì những bệnh này cũng có thể bùng phát thành dịch.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các bệnh viện phải khẩn trương tiến hành phân loại bệnh cụ thể, tránh để quá tải bệnh viện khiến bệnh nhân phải nằm ghép, dẫn tới lây truyền chéo, bệnh nhẹ thành bệnh nặng; tổ chức khám, điều trị ban ngày nhiều hơn.

Cũng theo Bộ trưởng, ở nhiều nơi, bệnh nhân cứ vào khám là cho nhập viện, khiến điều dưỡng bị quá tải. “Đáng nhẽ 4 ca nặng được tập trung điều trị, thì bây giờ hàng chục ca nhẹ cũng phải theo dõi, thành ra bệnh nặng không được quan tâm kịp thời, dẫn tới nặng hơn, thậm chí tử vong”, Bộ trưởng Kim Tiến nói.

Về công tác phòng chống, dịch bệnh, Bộ trưởng cho biết, việc phun thuốc diệt muỗi chỉ mang tính hạ hỏa, không có tác dụng lâu dài bởi diệt phun thuốc chỉ sau 2 tuần là muỗi lại phát triển như thường. Bên cạnh diệt muỗi, phải kết hợp diệt loăng quăng, bọ gậy, sau đó tiến hành phun thuốc muỗi mới có thể đảm bảo tính hiệu quả cao.

Video: Cục trưởng Cục Y tế dự phòng trình bày về công tác đã triển khai cho dịch sốt xuất huyết

“Cần phải đẩy mạnh việc thông tin, truyền thông đến người dân về tầm quan trọng của phòng bệnh, không có bọ gây là không có sốt xuất huyết. Phải làm cái gì có lợi cho dân, phải chịu khó tuyên truyền hình ảnh bằng mọi cách để nâng cao ý thức người dân”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Nguyên Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn