Bí quyết uống rượu không say dịp Tết

Sức khỏeThứ Tư, 10/02/2016 12:37:00 +07:00

Những mẹo uống bia rượu dưới đây sẽ giúp bạn luôn làm chủ mình trong các ngày lễ Tết

(VTC News) - Những mẹo uống bia rượu dưới đây sẽ giúp bạn luôn làm chủ mình trong các ngày lễ, Tết và tránh được tình trạng say xỉn có thể gây ra những hậu quả khó lường trong những ngày tất niên cùng người thân, bạn bè.

1. Biết lượng sức

Tửu lượng của mỗi người là khác nhau, tùy theo trọng lượng, tuổi tác, giới tính… Bạn hãy xác định rõ "ngưỡng an toàn" của mình để biết điểm dừng đúng lúc.

Thông thường, ngưỡng an toàn khi uống bia (nồng độ 4%) là từ 300-350ml (1 lon), rượu sâm banh (nồng độ 11%) khoảng 150-200ml và rượu màu có mùi (nồng độ 17-20%) khoảng 50ml. Khi uống với liều lượng như vậy, bạn khó có thể bị say.

Cần chú ý tửu lượng của bản thân trước khi uống rượu bia

2. Hãy ăn trước khi uống

Tuyệt đối không được để dạ dày trống rỗng vì khi đói ethanol dễ dàng hấp thụ vào cơ thể, khi đi vào dạ dày, do không có vật gì cản trở, nên ethanol sẽ tiếp xúc trực tiếp với màng dạ dày, thấm ngay vào máu và nhanh chóng ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây ra cảm giác say nhanh hơn, bên cạnh đó uống khi chưa ăn còn dễ gây ra các bênh về dạ dày như viêm loét dạ dày.

Nên ăn trước khi uống rượu, bia 

Loại thức ăn thích hợp nhất trước mỗi "bữa nhậu" là sữa và gan lợn. Gan lợn không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn nâng cao khả năng đề kháng lại các chất cồn của cơ thể. Ngoài ra thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, cũng giúp phần nào làm cho thành dạ dày ít hấp thu ethanol nhất. Tuy nhiên đừng quá lạm dụng dầu mỡ, vì chất béo có khả năng gây ra nhiều triệu chứng như khó tiêu, đầy bụng, nếu ăn liên tục.

3. Uống chậm, uống ít mỗi lần nâng ly

5 phút sau khi uống, chất ethanol trong rượu bắt đầu xâm nhập vào các mạch máu. 30 - 120 phút tiếp theo là khoảng thời gian ethanol tiếp tục lan truyền đến các bộ phận khác trong cơ thể. Và đây cũng là lúc chất cồn "ngấm" vào não và bạn sẽ có cảm giác bị say rượu.

Trung bình, cơ thể bạn cần khoảng 1 tiếng đồng hồ để "tiêu hủy" hết 30ml chất uống có cồn. Vì thế, nếu bạn uống càng nhanh, thì cơ thể bạn càng không có khả năng chống lại sự "tấn công" của rượu.

4. Không pha trộn nhiều loại rượu cùng lúc

Pha trộn rượu có thể khiến bạn nhanh say xỉn 

Rượu thuốc, rượu vang, rượu trắng... mỗi loại có thành phần và liều lượng khác nhau, khi uống lẫn lộn, sẽ dễ làm bạn say hơn. Việc pha trộn các loại nước ngọt có gas và đồ uống có cồn sẽ làm bạn say nhanh chóng hơn vì phản ứng tạo bọt khí sẽ làm chất cồn ngấm vào máu nhanh hơn.

5. Hãy "thủ" một ly nước khi uống rượu

Bạn nên uống nước ngay sau khi uống rượu. Cách này sẽ giúp bạn không bị "sốc" cồn và giúp đẩy nhanh quá trình đào thải chất cồn ra khỏi cơ thể qua đường tiểu tiện, làm bạn không bị say khi uống rượu.

6. "Làm ấm" rượu trước khi uống

Đối với tất cả các loại rượu, trước khi uống, bạn hãy "làm ấm" chúng bằng cách ngâm vào nước nóng. Dưới tác động của nhiệt độ, một số chất có hại trong rượu sẽ bay hơi, từ đó giảm được những tác động xấu của rượu tới sức khỏe cơ thể.

7. Ăn nhiều rau xanh và hoa quả

Ăn nhiều rau xanh và hoa quả giúp bảo vệ gan hiệu quả 

Rau xanh, hoa quả, đậu tương và các chế phẩm từ đậu tương giàu vitamin và chất chống oxi hóa, giúp bảo vệ gan và hạn chế tác hại của cồn trong rượu tới hoạt động của gan. Vì vậy, một chút rau xanh, hoa quả hoặc sữa đậu nành sau bữa tiệc sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của lá gan và cơ thể. Các thực phẩm như sữa, súp lơ xanh, cà rốt, dưa đỏ, mơ, quả hạnh, lạc và các loại rau xanh đậm… có chứa nhiều vitamin B cũng sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc chống lại cảm giác say.

8. Uống nước trái cây sau khi uống rượu

Nước ép trái cây như nước cam ép, táo ép chứa nhiều thành phần axit amin và hàm lượng đường fructose, có tác dụng trung hòa lượng cồn của rượu, từ đó có tác dụng giải rượu nhanh. Theo kinh nghiệm được truyền lại, sau khi uống rượu bạn hãy ăn một vài quả hồng chín,để át mùi rượu, khiến bạn không bị say.

9. Uống trà atiso

Nếu bạn uống trà, thành phần tanin trong trà lại càng kích thích nhanh hơn quá trình thẩm thấu của cồn vào dạ dày và gây hại cho dạ dày nhiều hơn. Tuy nhiên, một ly trà atiso sẽ vô cùng tốt vì đây là một loại thảo dược có khả năng giải rượu rất tốt sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc chống lại cảm giác say.

10. Uống cà phê sau khi uống rượu

Dùng 1 tách cà phê sẽ giúp mạch máu bớt giãn nở, khi đó hiện tượng hấp thụ chất cồn cũng sẽ giảm theo

Lưu ý: Mẹo giải rượu bia để bạn chóng tỉnh:

Giấm: lấy giấm ăn nấu thành một bát canh chua để ăn hoặc lấy một ly giấm nhỏ (20l25ml) uống từ từ. Ngoài ra, có thể lấy giấm ăn trộn với củ cải trắng thái lát mỏng, cho thêm vào một ít đường trắng, trộn đều rồi ăn, cũng có tác dụng giải rượu rất tốt.

Củ cải trắng: lấy 1.000gr củ cải trắng, ép nhỏ lấy nước, chia làm 2 lần để uống.
Mía: lấy một khúc mía, gọt vỏ, nghiền nát lấy nước uống.

Cam: lấy 3 - 5 quả cam tươi hoặt quýt tươi bóc vỏ ăn trực tiếp hoặc ép thành nước uống

Vỏ quýt: lấy vỏ quýt sấy khô, nghiền nhỏ, thêm vào 1,5gr muối, nấu canh ăn.
Quả lê: lê gọt vỏ ăn trực tiếp hoặc xay ép thành nước để uống.

Chuối: Người bị ngộ độc nhẹ có thể lập tức ăn 3l5 quả chuối, như thế vừa giúp thanh lọc máu vừa nhuận phổi, giải rượu.

Hồng: lấy mấy quả hồng tươi bóc vỏ ăn, có thể tỉnh rượu.

Dưa hấu: Khi say ăn liền một lúc 300gr dưa hấu, có hiệu quả giải độc rượu rất tốt.

Muối: Nếu uống quá nhiều rượu và cảm thấy tức ngực, có thể lấy một cốc nước ấm cho vào một ít muối uống trực tiếp.

Đỗ xanh: lấy một lượng đỗ xanh thích hợp, rửa sạch bằng nước ấm, xay nhuyễn, pha với nước sôi để uống hoặc nấu canh ăn đều được.

Khoai lang: lấy củ khoai lang xay nhuyễn, cho thêm với một lượng đường thích hợp, trộn đều lên ăn.

Nước cơm: Người say rượu có thể ăn nước cơm đặc hoặc cháo để giải rượu, trong nước cơm đặc hàm chứa nhiều loại đường và vitamin B, có tác dụng giải độc tỉnh rượu, thêm vào một chút đường trắng để ăn, hiệu quả sẽ tốt hơn.
Mật ong: Mật ong có tác dụng bảo vệ gan và giải độc rất tốt.

Hùng Phú (Tổng hợp)
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn