Bệnh viện Chợ Rẫy bị tố: Bệnh nhân viêm tụy cấp 99% mất mạng nếu hoại tử đa tạng

Sức khỏeThứ Hai, 17/09/2018 10:25:00 +07:00

Viêm tụy cấp là căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ chết người rất cao, bệnh thường diễn biến rất nhanh và khi người bệnh viêm tụy cấp hoại tử đa tạng thì 99% mất mạng.

Viêm tụy cấp là căn bệnh mà nam bệnh nhân N.T.H (19 tuổi, ở Đồng Nai) mắc phải rồi qua đời, sau khi nhập viện điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Cái chết của nam thanh niên này gây ra nhiều tranh cãi trên cộng đồng mạng và cả giới y khoa.

Nhiều cư dân mạng lên tiếng trách móc, thậm chí thóa mạ y bác sĩ, sau khi mẹ bệnh nhân H. lên tiếng tố Bệnh viện Chợ Rẫy tắc trách, sai sót trong điều trị cho bệnh nhân viêm tụy cấp thiệt mạng.

Bên cạnh đó, nhiều thông tin khác về bệnh viêm tụy cấp - căn bệnh nam thanh niên 19 tuổi mới qua đời mắc phải cũng được các y bác sĩ cung cấp.

3 3

 Bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân viêm tụy cấp.

Theo Đại tá - bác sĩ Phạm Văn Tiến, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện 103 (Học viện Quân y, Hà Nội), viêm tụy cấp là một cấp cứu nội khoa, tiên lượng rất nặng, có nhiều biến chứng như: Giảm thể tích máu, hoại tử tụy, nang giả tụy, suy hô hấp cấp, liệt ruột cơ năng, nhiễm trùng huyết...

Bệnh nặng có thể gây biến chứng toàn thân như trụy tim mạch, suy giảm hô hấp, suy giảm chức năng thận, loét dạ dày tá tràng... Đặc biệt là khi người bệnh bị hoại tử hoặc chảy máu trong tụy thì người đó có thể bị sốc và thiệt mạng rất nhanh chóng.

Các y bác sĩ tới từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viên Nhi trung ương... cũng chia sẻ và thông tin: Viêm tụy cấp là căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ chết người rất cao, bệnh thường diễn biến rất nhanh và khi người bệnh đã viêm tụy cấp nặng, viêm tụy cấp hoại tử đa tạng thì 90% mất mạng.

Dù rằng ngành y tế thế giới đã áp dụng rất nhiều tiến bộ khoa học trong điều trị, tỷ lệ này vẫn chưa hề được cải thiện trong vòng 10 năm qua.

Những thông tin ít biết về bệnh viêm tụy cấp

Tụy là cơ quan nặng khoảng 80g nằm trong ổ bụng, gắn vào đoạn tá tràng (đoạn ruột ngay sát dưới dạ dày). Trong cơ thể người, tụy là một tuyến có cả chức năng nội tiết và ngoại tiết, có vai trò rất quan trọng.

5

 Cận cảnh tụy của một người bị viêm tụy cấp. (Ảnh: Tiến sĩ Jean-Christophe Fournet, Pháp)

Với chức năng nội tiết: Tụy tiết ra các hormone Insulin (làm hạ đường huyết), Glucagon (làm tăng đường huyết) và Somatostatin để điều chỉnh tác dụng của Insuulin và Glucagon. Tổng thể, về mặt nội tiết, tụy đảm bảo việc duy trì glucose trong máu ổn định.

Với chức năng ngoại tiết: Dù tuyến tụy chỉ nặng khoảng 80g, nhưng một ngay nó tiết ra khoảng 1000 - 1500ml dịch tụy chứa các enzyme tiêu hóa như: Enzyme tiêu tinh bột Amilase, maltase, emzyme tiêu mỡ Lipase, Phospholipase và enzyme tiêu protein như Chymotrypsin, Carboxypeptidase, Trypsin.

Thông thường, các enzyme tuyến tụy tiết ra dưới dạng tiền chất, khi dịch tụy chảy xuống ruột chúng mới được hoạt hóa thành các enzyme hoạt động để tiêu hóa các thức ăn trong ruột.

Vì một lý do nào đó (như tắc ống tụy do sỏi, giun, mỡ máu quá cao… hoặc uống rượu nặng quá nhiều), các men tuỵ được hoạt hóa ngay tại tụy và chúng sẽ tiêu hóa luôn tuyến tụy như một loại thức ăn. Và khi đó viêm tụy cấp sẽ xảy ra.

Thể nặng nhất của viêm tụy cấp là: Viêm tụy cấp hoại tử. Tức là, các men tụy tiêu hóa thành công tuyến tụy thành một khối hoại tử.

Khi bị viêm tụy cấp nặng người bệnh có thể sốc, suy các phủ tạng khác như gan, thận, phổi,… bội nhiễm vi khuẩn, rối loạn đường huyết và cân bằng nội môi trong cơ thể.

Điều trị viêm tụy cấp

Các bệnh nhân viêm tụy sẽ được giảm đau, cho nhịn ăn, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, dùng thuốc để ức chế tụy bài tiết các enzyme tiêu hóa.

Nếu có tình trạng viêm tụy hoại tử thì thầy thuốc sẽ cân nhắc phẫu thuật để giải phóng khối hoại tử và dẫn lưu các enzyme tiêu hóa ra ngoài.

Nếu phát hiện các nguyên nhân gây tắc ống tụy, bệnh nhân sẽ được nội soi hoặc phẫu thuật để giải phóng nguyên nhân gây tắc.

Video: Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống bệnh nhân mắc bệnh hiếm gặp

Ở những bệnh nhân viêm tụy cấp thể nặng, nếu có sốc bệnh nhân cần được chống sốc. Nếu có suy các tạng, thầy thuốc sẽ dung các phương tiện để hỗ trợ các tạng suy như: Suy thận, rối loạn nội môi thì lọc máu, suy hô hấp thì thở máy, nhiễm trùng thì dung kháng sinh vv…

Hàng năm trên thế giới có khoảng 8,9 triệu người bị viêm tụy cấp và mạn, trong số đó khoảng 132.000 người thiệt mạng. Trong đó nhóm viêm tụy cấp tỷ lệ thiệt mạng từ 10 - 15%. Riêng với viêm tụy cấp thể hoại tử, tỷ lệ tử vong có thể tới 40%.

Ngay cả ở những trung tâm hồi sức tốt nhất trên thế giới, bệnh nhân bị viêm tụy cấp có suy đa tạng nguy cơ thiệt mạng cũng lên tới 30%.

Người bệnh càng suy nhiều tạng, nguy cơ thiệt mạng càng cao và nếu suy nặng tất cả các tạng trong cơ thể thì nguy cơ thiệt mạng lên tới 99 -100%.

Thu Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn