Bệnh sạm da: Nguy cơ, phòng và trị

Sức khỏeChủ Nhật, 11/10/2015 04:36:00 +07:00

Bác sĩ Nguyễn Doãn Thành ở Khoa Vệ sinh lao động nghề nghiệp – Viện Y tế vệ sinh công cộng Bộ Y tế trao đổi về về căn bệnh sạm da.

Bác sĩ Nguyễn Doãn Thành ở Khoa Vệ sinh lao động nghề nghiệp – Viện Y tế vệ sinh công cộng Bộ Y tế trao đổi về về căn bệnh sạm da.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường khói bụi, thời tiết nắng nóng, điều kiện nhiệt độ cao nơi làm việc làm thay đổi sắc tố da ảnh hưởng đến sức khỏe cho con người nhất là người lao động ở trong môi trường lao động ở nhiệt độ cao.

Ở môi trường lao động không thuận lợi đó làm ảnh hưởng đến sắc tố da gây sạm, nám da nhất là ở nữ giới. Từ vấn đề trên chúng tôi đã trao đổi với bác sĩ Nguyễn Doãn Thành ở Khoa Vệ sinh lao động nghề nghiệp – Viện Y tế vệ sinh công cộng Bộ Y tế về căn bệnh này.

- Thưa bác sĩ nguyên nhân nào gây nên bệnh sạm da?

Bác sĩ Nguyễn Doãn Thành: Bệnh sạm da không gây chết người cấp tính nhưng làm suy giảm sức khỏe, năng suất lao động, mặt khác bệnh thường biểu hiện ở các vùng da hở như má, trán, cổ, thái dương, bàn tay… gây mất mỹ quan nhất là đối với nữ thanh niên trẻ nên đây không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn là vấn đề xã hội cần được quan tâm.

- Xin bác sĩ cho biết những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh cao?

Bác sĩ Nguyễn Doãn Thành: Nguy cơ mắc bệnh cao bệnh sạm da nghề nghiệp là bệnh dễ nhận biết, khá phổ biến và tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn nhiều so với nam giới. Bản chất của bệnh là quá trình bệnh lý làm tăng lượng hắc tố bình thường của da, thường gặp ở những người làm việc ở môi trường có hơi và bụi  hydrocacbua cao quá giới hạn cho phép (0,30mg/l) hoặc tiếp xúc với các chất quang động.

Cụ thể là trong các công việc khi tiếp xúc với xăng, dầu hỏa, dầu nhờn, dầu mazut, dầu đá phiến, benzen, parafin, nhựa than, acridin, anthracen, nhựa đường, bitum, creosot, hơi hydrocacbua, bạc, chì, asen, than đen, sa thạch, hóa chất cao su, hợp chất lưu huỳnh, phenol, bức xạ ion hóa...

Theo số liệu của Viện Y học lao động & Vệ sinh môi trường (Viện Da liễu), bệnh có tỷ lệ khá cao như 24% ở ngành sản xuất thuốc lá, hơn 20% ở ngành xăng dầu, 22% ở công nhân tẩm gỗ tà vẹt ngành đường sắt, 24% ở công nhân rải nhựa đường và trên 60% ở công nhân luyện than…

Vị trí da sạm có thể gặp ở khắp các vùng của cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở má, cổ, góc hàm, trán, cẳng tay, bàn tay, đùi, cẳng chân, bàn chân, lưng, bụng… Các số liệu nghiên cứu gần đây cho thấy vị trí sạm da vùng mặt có tỷ lệ cao nhất từ 51-78%, ở bàn tay, cẳng tay từ 18-62%…

- Xin bác sĩ cho biết các triệu chứng của bệnh sạm da như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Doãn Thành: Khi mắc bệnh, biểu hiện toàn thân thường có triệu chứng mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ, ăn kém ngon, trí nhớ giảm, sút cân, năng suất lao động giảm.

Tại các vùng tổn thương, bệnh nhân thường có cảm giác ngứa, nóng rát, da khô, sạm thâm hình lưới, có vùng da teo, bong vảy, giãn mạch; da sạm ở vùng tiếp xúc hoặc vùng da hở. Da chuyển từ màu bình thường qua màu vàng sáng đến màu nâu đen, cuối cùng là màu thâm sạm dưới tác động của ánh nắng mặt trời.

- Biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh như thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Doãn Thành: Do tính chất và nguy cơ của bệnh, các bác sĩ da liễu khuyên các đối tượng lao động làm việc trong các môi trường nêu trên cần chủ động có các giải pháp dự phòng tốt để ngăn chặn yếu tố nguy cơ gây bệnh sạm da, để giữ gìn, bảo vệ làn da luôn mịn đẹp.

Biện pháp dự phòng tốt nhất là thay đổi những nguyên liệu có yếu tố nguy cơ gây sạm da, nếu không phải hạn chế, giảm đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh. Đối với các cơ sở sản xuất, cần cải thiện điều kiện môi trường làm việc như thông gió, hút bụi, hơi hóa chất; khép kín dây chuyền sản xuất, tránh đổ vãi, dây dính hóa chất, dầu mỡ, bụi than…

Trang bị đầy đủ và sử dụng hiệu quả các phương tiện bảo hộ lao động và hạn chế tránh tiếp xúc với nắng như thay đổi giờ làm việc hợp lý, làm lều, nhà tạm để nghỉ ngơi, che nắng cho người lao động khi phải làm việc lâu ngoài trời.

Sau giờ làm, người lao động ngâm tay, lau, rửa mặt bằng nước gạo, ruột bí đao, dưa chuột…; dùng thuốc bảo vệ da như kem chống nắng như Paba, oxybenzon, dioxybenzon.

Chú ý khi nhiễm, người bệnh nên bôi kem có chứa hydroquinol như Leucodilin B, Domina, Mayfair; Uống sinh tố C liều cao, các loại sinh tố  B1, B6, A, D..., các loại chống ôxy hóa như Selen phus hoặc L. Cystin..

Các trường hợp bệnh nặng, lan tỏa rộng, điều trị kém kết quả có thể dùng thủy châm  khi có ý kiến và chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Thời gian điều trị một đợt trung bình từ 45 – 60 ngày, trường hợp cần thiết, người bệnh phải khám lại và tổ chức điều trị tiếp đợt 2 hoặc lâu hơn.

Trong thời gian điều trị cần tránh ra nắng và tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh. Hiện nay, việc dùng tia lazer trong điều trị bệnh sạm da bước đầu đã thu được kết quả nhưng cần được theo dõi và tổng kết thêm.

Xin cảm ơn bác sĩ đã có những tư vấn rất thiết thực về bệnh.

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.


Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn