Bé gái mắc căn bệnh hiếm gặp, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam

Sức khỏeThứ Bảy, 18/08/2018 11:32:00 +07:00

Khi nghe bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) báo con mình mắc bệnh hiếm cộng với việc thấy sức khỏe con khá yếu, gia đình đã chuẩn bị tinh thần có thể mất con.

Đó là tâm sự đầy xúc động của chị Vân (quê Gia Lai), mẹ bé gái hơn 2 tháng tuổi mắc chứng bệnh rò khí quản vào đường mật hiếm gặp mà BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) vừa cứu sống thành công.

Theo bệnh sử thì sau sinh bé bị vàng da, viêm phổi. Nằm điều trị hơn 2 tuần tại một BV ở tỉnh nhưng tình trạng bé ngày một nặng, gia đình lo lắng đưa bé đến BV tuyến trên.

Tại Khoa Sơ sinh BV Nhi đồng 2, bé còn ho và viêm phổi, có 1 lần ói dịch vàng. Bé được chụp thực quản - dạ dày cản quang không thấy bất thường nhưng bệnh vẫn không hết hẳn.

Chuyển sang Khoa Hô hấp 2, tình trạng ho ngày càng nặng. Bé được chẩn đoán và điều trị theo hướng “Viêm phổi hít, nghi do trào ngược dạ dày - thực quản, trên trẻ dị ứng đạm sữa bò”.

IMG_1629

 Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi.

Diễn tiến sau đó, bé vào đợt viêm phổi nhiễm trùng bội nhiễm, suy hô hấp tăng. Lúc này, bé ho ngày càng nhiều, từng cơn nặng nề, bà và mẹ thường xuyên phải bế trên tay.

BS.CK2 Trần Quỳnh Hương, trưởng Khoa Hô hấp 2 nghi ngờ bệnh nhi bị dị dạng thông nối đường hô hấp và đường tiêu hóa, nên cho chụp CT scan ngực. Sau đó BS chẩn đoán hình ảnh phát hiện đường rò đường mật – khí quản trên phim CT.

Lập tức bệnh nhi được nội soi phế quản, thấy lỗ rò từ carina (nơi khí quản chia đôi vào phế quản trái và phải) làm thuốc cản quan đi từ khí quản vào đường mật, túi mật và tá tràng. Hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ quyết định phẫu thuật bán khẩn.

Ê-kíp phẫu thuật đã cắt, khâu đầu trên đường rò sát gốc carina và khâu, cột đầu dưới đường rò. Phẫu thuật diễn ra khá khẩn trương và tỉ mỉ để tránh làm tổn thương hệ thống mạch máu, thần kinh cạnh bên, đồng thời cũng đòi hỏi ê kíp hết sức cẩn thận trong quá trình gây mê vì khi phẫu thuật, bé mới hơn 2 tháng tuổi và đang bị viêm phổi. Khi làm xẹp 1 bên phổi để mở rộng phẫu trường cần phải nhanh và chính xác, để tránh tình trạng thiếu oxy não cho bệnh nhi.

Bé được theo dõi hậu phẫu tại Khoa Hồi sức tích cực để tránh nguy cơ bung chỗ cột đường rò, tái phát suy hô hấp, sau đó chuyển lại Khoa Hô hấp 2 để tiếp tục điều trị, chăm sóc hồi phục sức khỏe. Hiện tại sau gần 3 tuần mổ, bé đã hoàn toàn ổn định và được xuất viện.  

IMG_3861 3

  Bé khỏe lại sau khi phẫu thuật. 

Ths.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp BV Nhi Đồng 2, trưởng ê kíp mổ cho biết, theo y văn thế giới, trường hợp rò khí quản vào đường mật rất hiếm gặp. Đây là bệnh lý hình thành từ lúc bào thai, chưa tìm được nguyên nhân.

Đến nay có chưa đến 40 trường hợp được báo cáo riêng lẻ, chẩn đoán khó khăn, nhất là ở trẻ sơ sinh – nhũ nhi vì lỗ khí quản nhỏ. Nếu phẫu thuật kịp thời, sẽ cho kết quả tốt. Ngược lại, nếu phát hiện trễ sẽ làm tình trạng viêm phổi nặng hơn, phẫu thuật gây mê khó khăn, khả năng thiệt mạng cao, đặc biệt khi kèm theo các dị tật đường mật phối hợp.

Đây là trường hợp rò đường mật - khí quản đầu tiên mà BV Nhi Đồng 2 phát hiện và điều trị, ca đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam. Ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công nhờ các bác sĩ của bệnh viện thường xuyên cập nhật các tiến bộ mới trong Y khoa, và đã có nhiều kinh nghiệm phẫu thuật vùng khí - thực quản trong điều trị bệnh lý teo/rò khí - thực quản bẩm sinh.

Mộc Lê
Bình luận
vtcnews.vn