Bay từ tầng 3 xuống đất vì nghĩ mình là siêu nhân

Sức khỏeThứ Ba, 23/10/2018 12:37:00 +07:00

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thắng – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, bệnh viện từng chữa trị cho một cậu bé học lớp 10, nhảy từ tầng ba nhà riêng xuống đất vì nghĩ mình biết bay.

Cậu bé này nhập viện trong tình trạng gãy xương đùi, vỡ xương chậu vì bị ảo tưởng tâm thần. Cậu nghĩ mình biết “bay như siêu nhân” trong phim viễn tưởng.

Theo BS Thắng, đây là hoạt động thụ động, chấp nhận hoang tưởng, luôn tưởng tượng mình là siêu nhân nên làm rất nhiều điều nguy hiểm. Rất may khi phát hiện con bị bệnh, bố mẹ cậu đưa tới đây điều trị ngay nên tiến triển cũng khá tốt. Nhưng do bệnh xuất phát từ nội sinh (bệnh trong cơ thể phát ra), nên tới tận bây giờ, cậu vẫn phải uống thuốc duy trì đều đặn.

“Sau một thời gian tương đối dài điều trị tích cực bằng nhiều phương pháp, từ sử dụng thuốc tới liệu pháp tâm lý và kết hợp cùng gia đình. Hiện cậu bé tưởng mình là siêu nhân năm xưa nay đã học xong THPT, đại học và thi đỗ cả cao học. Tôi rất mừng vì điều đó”, BS Thắng nói.

bay nhu sieu nhan

Nghĩ mình có thể bay lượn như siêu nhân như trong phim viễn tưởng, cậu bé năm xưa suýt nữa phải trả giá. (Ảnh: Minh họa, nguồn: Dailymail)

Cũng theo BS Thắng, yếu tố quan trọng nhất quyết định việc điều trị thành công hay không là sự phối hợp giữa gia đình và bệnh viện. Nếu người bệnh chỉ dùng thuốc đơn thuần theo liệu trình, chỉ đáp ứng được 30% tỉ lệ thành công.

“Liệu pháp điều trị tâm thần hiện nay không phải là thuốc hay hóa chất mới quan trọng, mà sự kết hợp với gia đình, xã hội và cộng đồng xung quanh sẽ giúp cho hiệu quả điều trị tăng lên.

Nếu dùng thuốc không chỉ đáp ứng được 30% khả năng khỏi bệnh thì nguy cơ chữa bệnh thất bại tương đối lớn. Bởi vậy, gia đình là nhân tố quan trọng quyết định phần lớn tỉ lệ thành công trong điều trị bệnh tâm thầm.

Chúng ta không nên có thái độ kỳ thị những người bị tâm thần. Nên mở rộng vòng tay đón họ, cánh cửa cuộc sống vẫn sẽ đón nhận tất cả, không loại trừ bất kỳ ai”, BS Thắng nhấn mạnh.

Qua trường bệnh nhân trên, BS Thắng cũng khuyến cáo, nếu không may con em bạn có những dấu hiệu rối loạn tâm thần thì không nên quát mắng, xa lánh hay kỳ thị. Mà ngược lại, cần cố gắng tiếp xúc, hỏi han một cách nhẹ nhàng, ân cần nhất để tạo bầu không khí thoải mái, cởi mở cho con.

“Điều quan trọng nhất để giúp trẻ vượt qua được giai đoạn khó khăn chính là cách can thiệp kịp thời, không nên kéo dài thời gian mắc bệnh. Nếu quá lo lắng, hãy đưa con tới những bệnh viện chuyên khoa khi con có những triệu chứng bất thường về tâm lý để được thăm khám và tư vấn cụ thể, tránh để lâu ngày, sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc”, BS Thắng nói.

Video: Quá hâm mộ Đàm Vĩnh Hưng, cô gái trẻ nhảy xuống từ tầng 2

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn