6 tháng đầu năm 2017, 56 tỉnh chi vượt quỹ Bảo hiểm xã hội

Sức khỏeThứ Sáu, 28/07/2017 09:35:00 +07:00

Ngày 26/7 vừa qua, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT trong tháng 7/2017.

Nội dung của buổi họp gồm các thông tin liên quan đến tình hình chi khám chữa bệnh BHYT trong 6 tháng đầu năm 2017, cách xác định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH từ ngày 1/1/2018 đối với lao động trong doanh nghiệp, vấn đề xung quanh việc thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi và quy trình cấp lại sổ BHXH theo một mẫu thống nhất, đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH.

1

 

Nhiều tỉnh chi vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT

Về tình hình chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT, trong 6 tháng đầu năm 2017, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã tiếp nhận 75,9 triệu hồ sơ điện tử với số tiền đề nghị thanh toán trên 39.304 tỷ đồng, tăng 9,5 triệu lượt khám chữa bệnh (14,3%) và trên 10 ngàn tỷ đồng (30,1%) so với cùng kỳ năm trước.

56 tỉnh chi vượt quỹ KCB được sử dụng 6 tháng đầu năm trên 8.480 tỷ đồng, các tỉnh có số chi vượt quỹ lớn là: Nghệ An (627,2 tỷ - vượt 65% quỹ), Thanh Hóa (595,6 tỷ - vượt 52% quỹ), Quảng Nam (411,2 tỷ - vượt 82% quỹ), Quảng Ninh (288,8 tỷ - vượt 54% quỹ), Hải Dương (283,6 tỷ - vượt 44% quỹ), Hà Tĩnh (208,4 tỷ - vượt 55% quỹ).

Số người tham gia BHYT đạt 75,6 triệu, tăng hơn 6,7 triệu so với cùng kỳ năm trước. Toàn quốc gia tăng chi bình quân/thẻ so với cùng kỳ là 21%, 33 tỉnh tăng trên 20%. Trong đó Lạng Sơn, Bình Phước, Đắc Nông tăng trên 70%, Quảng Ngãi, Điện Biên, Kon Tum trên 60%.

Chi bình quân ngoại trú tại Phú Thọ, Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa cao gấp 1,5 đến 2,16 lần toàn quốc. Ngoài hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Cần Thơ đều có mức chi bình quân đợt điều trị nội trú cao hơn bình quân toàn quốc.

Mặc dù BHXH Việt Nam đã cung cấp các giải pháp kỹ thuật để các cơ sở khám chữa bệnh có thể quản lý thông tuyến, khai thác các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh từ lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh nhưng tình trạng chỉ định trùng lặp, chỉ định đồng loạt cận lâm sàng và đặc biệt là chỉ định quá mức cần thiết vẫn diễn ra tại nhiều cơ sở y tế.

Cách xác định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH

Về cách xác định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH từ ngày 01/01/2018 đối với lao động trong doanh nghiệp, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ (hệ số), phụ cấp thâm niên vượt khung (%), phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) (%) trên cơ sở mức mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ.

Thay đổi cách tính lương hưu

Về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu, theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014, từ ngày 01/01/2018, sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu.

Cụ thể, lao động nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH khi có thời gian đóng BHXH đủ 16 năm và nghỉ hưu năm 2018, đủ 17 năm và nghỉ hưu năm 2019, đủ 18 năm và nghỉ hưu năm 2020, đủ 19 năm và nghỉ hưu năm 2021, đủ 20 năm và nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi; lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (nội dung này thay đổi đối với lao động nam vì trước năm 2018 lao động nam chỉ cần đủ 15 năm đóng BHXH đã được tính bằng 45%). Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động (cả nam và nữ) được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Theo ông Nguyễn Đức Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông BHXH: "Đối với lao động nam thì cách tính trên tác động đến những người chưa đạt đủ số năm cần thiết để đạt tỷ lệ hưởng tối đa là 75% và ảnh hưởng đến mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu".

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn