24 người bị phơi nhiễm HIV ít có khả năng mắc bệnh

Sức khỏeThứ Hai, 03/07/2017 17:05:00 +07:00

Sự việc 17 cán bộ y tế và 7 người dân bị phơi nhiễm HIV khi tham gia cấp cứu cho một nạn nhân HIV bị tai nạn giao thông đang khiến cho dư luận xôn xao, tuy nhiên, theo ý kiến của TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, những người này ít có khả năng bị mắc bệnh.

Ngày 30/6 tại Km 1522 thuộc đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Đăk Hrinh, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), chiếc xe khách 16 chỗ mang BKS 82B - 002.45 của nhà xe Vạn Thành lưu thông theo hướng từ huyện Đắk Tô về TP. Kon Tum đã đâm vào xe khách mang BKS 82B-002.23 của nhà xe Mạnh Tiến lưu thông hướng ngược lại. Hậu quả, vụ tai nạn khiến 16 người thương vong, trong đó 4 người tử vong (1 ở tại hiện trường, 3 tại BVĐK tỉnh).

Trong quá trình cấp cứu nạn nhận vụ tai nạn, 17 nhân viên y tế của trung tâm y tế huyện và 7 người dân bị nghi ngờ phơi nhiễm HIV từ một nạn nhân nhiễm HIV.

Vậy, phơi nhiễm HIV là gì?

Phơi nhiễm HIV là một thuật ngữ được Bộ Y tế dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da không nguyên vẹn với máu, các mô hay các dịch cơ thể khác có nguy cơ lây nhiễm HIV. Trên thực tế, việc phơi nhiễm HIV do nghề nghiệp của nhân viên y tế là khá phổ biến, tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng bị nhiễm virus HIV.

phoi nhiem hiv

Phơi nhiễm HIV là một rủi ro mà các cán bộ y tế phải đối mặt.

Trong trường hợp 24 người bị phơi nhiễm HIV sau khi cấp cứu cho nạn nhân TNGT bị nhiễm HIV, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum, người phụ nữ nhiễm HIV này đã điều trị ARV nhiều năm.

Về mặt khoa học, người nhiễm HIV được điều trị ARV từ 6 tháng trở lên thì nồng độ virus HIV trong máu ở mức rất thấp (dưới ngưỡng ức chế) nên ít có khả năng lây truyền sang người khác. 

Hiện tại, tất cả các trường hợp phơi nhiễm HIV đều đã được uống ARV trong vòng 48 giờ để ngăn chặn nguy cơ nhiễm virus HIV. Việc xét nghiệm HIV sẽ được làm lại sau 3 tháng. Sau 3 tháng xét nghiệm lại, nếu âm tính với HIV thì có thể khẳng định chắc chắn là người đó không nhiễm HIV

“Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù nguy cơ có thể thấp nhưng những người bị phơi nhiễm chưa loại trừ khả năng đã nhiễm HIV, do vậy họ không được cho máu, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và nếu là phụ nữ đang nuôi con nhỏ thì không cho con bú cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV", ông Cảnh khuyến cáo.

Phải làm gì sau khi bị phơi nhiễm HIV?

Trước tiên, bạn hãy xử lý vết thương tại chỗ:

Nếu tổn thương da chảy máu: Rửa ngay vết thương dưới vòi nước; Để vết thương chảy máu trong thời gian ngắn; Rửa kỹ bằng xà phòng, sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn (Dakin, Javen 1/10 hoặc cồn y tế) trong thời gian ít nhất là 5 phút.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt: Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9% liên tục trong vòng 5 phút.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi: Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9%, xúc miệng bằng nước NaCL 0,9% nhiều lần.

Sau đó, đánh giá nguy cơ phơi nhiễm:

Nguy cơ cao: Tổn thương qua da sâu, chảy máu nhiều- Máu và các dịch của người có H bắn vào các vết thương, niêm mạc bị loét rộng từ trước.

Nguy cơ thấp: Tổn thương da xây xát nông và không chảy máu hoặc chảy máu ít- Máu và chất dịch cơ thể bắn vào niêm mạc không bị tổn thương , viêm lóet.

Không có nguy cơ: Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành, không bị tổn thương.

Bước cuối cùng, điều trị phơi nhiễm bằng thuốc kháng virus HIV (ARV):

Video: Bệnh nhân đầu tiên trên thế giới chữa khỏi HIV giờ ra sao?

Đối với những trường hợp không có nguy cơ lây nhiễm thì không cần điều trị. Với những trường hợp có nguy cơ thấp hoặc nguy cơ cao đều có thể điều trị dự phòng bằng ARV.

Cần tiến hành điều trị ARV ngay cho người bị phơi nhiễm, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, càng sớm càng tốt. Tốt nhất là điều trị ARV sớm 2-6 tiếng đồng hồ sau khi bị phơi nhiễm và không nên điều trị muộn sau 72 tiếng. Thời gian điều trị ARV kéo dài trong bốn tuần và có thể sử dụng các phác đồ sau theo chỉ định của bác sĩ: ZDV + 3TC hoặc d4T + 3TC.

Hiện nay, chỉ các trường hợp bị phơi nhiễm khi đang làm nhiệm vụ chuyên môn mới được điều trị dự phòng miễn phí, còn các trường hợp phơi nhiễm cộng đồng không được cấp chế độ này.

Tuy nhiên, những người bị phơi nhiễm có thể mua thuốc tại các hiệu thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Chi phí cho một lần điều trị phơi nhiễm bằng thuốc ARV do Việt Nam sản xuất khoảng 1,2 triệu đồng.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn