10 sự kiện y tế nổi bật năm 2018

Sức khỏeThứ Hai, 31/12/2018 21:16:00 +07:00

Cho ra đời 2 kỹ thuật mổ mới, thay đổi chế độ về BHYT, sản xuất vắc xin phòng bệnh hay gần 2 vạn người đăng ký hiến tạng cứu người… là những kết của ngành y tế đạt được năm 2018.

Việt Nam sáng tạo ra 2 kỹ thuật mổ mới cả thế giới chưa ai làm được

Lần đầu tiên trên thế giới, các chuyên gia, bác sĩ tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho ra đời phương pháp nội soi tuyến giáp một lỗ với nhiều ưu điểm vượt trội. Kỹ thuật do ThS. BS Phan Hoàng Hiệp tạo ra.

Khác với phương pháp mổ tuyến giáp trước đây (để lại sẹo dài, nằm viện lâu), kỹ thuật nội soi tuyến giáp một lỗ giữ được tính thẩm mỹ, chỉ có một sẹo duy nhất kích thước khoảng 2 - 3cm, nằm trong hõm nách.

Ngoài ra, nhờ mổ theo phương pháp này, những tổn thương gây ra cho bệnh nhân sẽ được hạn chế thấp nhất, bệnh nhân cũng đỡ đau hơn sau khi mổ, giảm được thời gian điều trị tại bệnh viện, an toàn hơn và bảo đảm được sức khỏe.

noi soi tuyen giap 1 lo

 Ngành y tế năm 2018 có nhiều thành tựu. (Ảnh: Bệnh viện Nội tiết Trung ương)

Sau sự ra đời của kỹ thuật “nội soi tuyến giáp một lỗ” chấn động thế giới chỉ một thời gian ngắn, các chuyên gia, bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp tục sáng tạo thành công kỹ thuật nội soi u xơ tuyến vú không để lại sẹo và giảm các biến chứng sau mổ. Đây là kỹ thuật được chính Giám đốc bệnh viện PGS.TS.BS Trần Ngọc Lương nghiên cứu thành công.

Kỹ thuật mổ mới của bác sĩ Lương được đánh giá là một bước tiến cho lịch sử y tế nước nhà, giúp bệnh nhân giảm bớt đi gánh nặng về bệnh tật và thẩm mỹ.

Cũng giống như phẫu thuật nội soi tuyến giáp, mổ nội soi u xơ tuyến vú dưới hướng dẫn của màn hình và ống soi phóng đại, giúp phẫu thuật viên kiểm soát tốt ca mổ, mọi thao tác thuận lợi và có thể hạn chế tối đa các tình huống rủi ro.

Đặc biệt, khi mổ kỹ thuật viên sẽ dùng khí CO2 bơm nâng lớp da, tạo phẫu trường rộng rãi giúp quá trình bóc tách khối u xơ diễn ra rất dễ dàng.

Phương pháp này được xem là ưu việt hơn rất nhiều so với phương pháp rạch một đường trên mặt khối u. Vì đối với các khối u lớn, việc bóc tách mò sẽ khó hơn và khiến ngực của bệnh nhân bị biến dạng do việc tác động quá nhiều trong phẫu thuật.

Một năm thành công của hiến tạng, ghép tạng ở Việt Nam

Sáng 24/12, GS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, lần đầu tiên, bệnh viện thực hiện thành công một loạt ca phẫu phuật lấy - ghép từ một người cho đa tạng đã chết não. Đó là anh Dương Hồng Quý (43 tuổi, Ninh Bình). 

Ca phẫu thuật lịch sử được thực hiện bởi hàng trăm y bác sĩ đầu ngành của cả nước đã thực hiện ngày 12/12 đã ghép 6 tạng (1 tim, 2 phổi, 1 gan và 2 thận) cho 5 bệnh nhân khác nhau. Sau ca phẫu thuật, cả 5 bệnh nhân trên đều đáp ứng tốt, dần hồi phục.

Đây được coi là ca phẫu thuật lịch sử đầu tiên của Việt Nam khi ghép nhiều tạng cùng lúc. Lần đầu tiên Việt Nam đồng thời lấy 6 tạng từ cùng một người cho chết não và tiến hành ghép cùng một thời điểm cho 5 bệnh nhân. Một quả thận được điều phối vào TP HCM ghép cho bệnh nhi suy thận ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Em bé này trở thành bệnh nhi đầu tiên ghép thận từ người cho chết não.

Chiều 26/12, mô tạng thứ 7 của anh Quý là mạch máu được lưu trữ trong Ngân hàng mô cũng được ghép nối dài cho một bệnh nhân đang ghép gan. Sau hai tuần, tất cả các tạng ghép đều tiến triển thuận lợi trong cơ thể người mới.

duong hong quy

Sự kiện anh Dương Hồng Quý (43 tuổi, ở Ninh Binh) hiến cùng lúc nhiều tạng cứu người sau khi chết não gây xúc động. (Anh: Gia đình cung cấp) 

Từ đầu năm 2018, sau khi sự kiện bé Hải An (7 tuổi) xin hiến giác mạc cứu người diễn ra, nhiều người Việt Nam tiếp tục “thắp sáng ngọn lửa Hải An” cùng nhau đi đăng ký hiến tạng khiến con số người đăng ký hiến mô/tạng tại Trung tâm Điều phối và Ghép tạng Quốc gia tăng lên nhanh chóng.

Những người đăng ký ở các ngành nghề khác nhau, từ nông dân, công nhân, tri thức, người kinh doanh, MC, diễn viên, thậm chí cả vị Tùy viên Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cũng đăng ký hiến tạng. Điều này cho thấy suy nghĩ của người dân về việc “hiến tạng cứu người” dần được cởi mở hơn.

Tính tới 24/12/2018, Việt Nam đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi. Riêng bệnh viện Việt Đức thực hiện 756 ca ghép tạng, trong đó có 1 ca ghép phổi, 19 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 680 ca ghép thận, 55 ca ghép gan.

Tính đến nay, cả nước đã có khoảng gần 2 vạn người đăng ký hiến mô/tạng, khép lại 1 năm nhiều tín hiệu đáng mừng cho hiến/ghép tạng Việt Nam.

Con số giật mình về bệnh ung thư tại Việt Nam 2018

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam hiện đứng 78 trong tổng 172 quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ người chết vì ung thư cao (tỷ lệ 110 trên 100.000 người). Việt Nam thuộc nhóm 2 bản đồ ung thư thế giới.

Ngày 12/9, WHO công bố dự báo khoảng 18 triệu người được phát hiện mắc ung thư trong năm 2018, hơn 9,6 triệu trong số này đã chết. Số liệu cho thấy tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng gia tăng ở hầu hết các nước trên thế giới, trong đó khoảng 70% ở các nước đang phát triển.

ung thu 4

Cuộc chiến chống ung thư dự đoán vẫn còn kéo dài và khó khăn. (Ảnh: Giadinhmoi) 

Tại Việt Nam, số ca ung thư mới tăng nhanh từ 68.000 người năm 2000 lên 126.000 vào năm 2010. Dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 200.000 ca vào năm 2020. Như vậy, hàng năm nước ta có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, (tức khoảng 315 người chết mỗi ngày).

Tại hai thành phố có mật độ dân số đông nhất là Hà Nội và TP. HCM, số bệnh nhân ung thư tăng nhanh nhất. Trong đó TP. HCM dẫn đầu, trung bình 100.000 nam giới thì có 172 người bị ung thư, tỷ lệ này ở nữ là 139/100.000. Trong đó, ung thư phổi với nam giới và ung thư vú ở nữ giới là loại ung thư phổ biến nhất, sau đó là ung thư dạ dày.

Những con số này của Việt Nam và thế giới đang thực sự là lời cảnh báo đối với người dân cần quan tâm hơn tới sức khỏe của chính mình để tránh mắc căn bệnh “chết người” này.

Chấn động vụ cả xã nhiễm HIV ở Phú Thọ

Tháng 8/2018, địa bàn xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ rộ thông tin nhiều người phải đi xét nghiệm máu vì nghi nhiễm HIV. Người đầu tiên là một nữ bệnh nhân trung tuổi (khu Chiềng 3, xã Kim Thượng) bị phát hiện nhiễm HIV. Sau đó là liên tiếp những trường hợp mắc mới được phát hiện tại đây.

Theo thông tin từ Sở Y tế Phú Thọ, trong tổng số 490 người thuộc 8 khu dân cư của xã Kim Thượng được lựa chọn và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả sơ bộ khi làm xét nghiệm nhanh có 42/490 mẫu có phản ứng với xét nghiệm sàng lọc và đã được Trung tâm y tế huyện Tân Sơn tách huyết thanh, gửi mẫu tới Trung tâm kiểm soát bệnh tật thực hiện các xét nghiệm tiếp theo. Kết quả, 42 mẫu ở xã Kim Thượng dương tính với HIV.

hiv 5

 Sự việc khiến nhiều người dân xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ nhiễm HIV hoang mang dư luận.

Tháng 10/2018 vừa qua, theo thông tin từ Ông Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), sau khi xét nghiệm phát hiện thêm 8 người dương tính với HIV ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Đáng chú ý, những người bị nhiễm HIV rải rác ở tất cả các độ tuổi từ học sinh, người trưởng thành, cụ già 80 tuổi và ngay cả em nhỏ 18 tháng tuổi cũng đều nhiễm HIV. Sự việc khiến người dân xã Kim Thượng hoang mang, lo sợ.

Do tính chất nghiêm trọng của sự việc, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Phú Thọ mở rộng xét nghiệm HIV miễn phí cho người dân trong vùng và các khu vực khác của tỉnh nếu có nhu cầu. Những xét nghiệm sàng lọc tìm virus hiện có thể làm tại trạm y tế xã hoặc ở nhà, trên địa bàn xã, huyện.

Ứng dụng liệu pháp miễn dịch chữa ung thư đạt giải Nobel Y học 2018 tại Việt Nam

Ngày 1/10/2018, liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư của hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) đã giành Giải Nobel Y học 2018. Nghiên cứu của 2 nhà khoa học phát hiện ra cơ chế tự phanh của hệ miễn dịch và tìm ra cách "tắt phanh" giúp kích thích tế bào miễn dịch chống lại tế bào ung thư.

Công trình mở ra nguyên lý mới cho việc điều trị bệnh ung thư, bởi các phương pháp trước đây mới chỉ tập trung vào các tế bào ung thư mà chưa tập trung vào hệ miễn dịch.

nobel 6

 Hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) giành Giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018. 

Tại Việt Nam, các nhà khoa học trường Đại học Y Hà Nội dựa trên nguyên tắc của công trình đạt giải Nobel là tăng cường chức năng của hệ miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân nhưng theo hướng tiếp cận hơi khác, thông qua việc phân lập tế bào miễn dịch, tăng sinh và hoạt hóa ngoài cơ thể rồi đưa lại vào cơ thể bệnh nhân.

Từ 10 đến 30ml máu ngoại vi, các nhà khoa học sẽ tách được vài triệu tế bào miễn dịch, sau đó nhân lên và biệt hoá được vài tỉ tế bào rồi truyền lại cho bệnh nhân, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh và đặc hiệu để tiêu diệt các tế bào ung thư. Một liệu trình điều trị gồm 3 tháng, 6 lần truyền, mỗi lần cách nhau 2 tuần.

Đề tài này đã được Bộ Y tế phê duyệt và đã thử nghiệm lâm sàng được gần 2 năm trên 75 bệnh nhân mắc 5 loại ung thư phổ biến: Phổi, gan, vú, dạ dày và đại trực tràng ở giai đoạn 3b và 4.

Những kết quả thu được ban đầu rất khả quan, giúp các bệnh nhân ung thư cải thiện rất rõ rệt về triệu chứng lâm sàng như: Ăn được, ngủ tốt hơn, bớt đau, thể trạng cải thiện, chất lượng sống được nâng cao, chưa ghi nhận phản ứng phụ.

Một số bệnh nhân đáp ứng rất tốt, có trường hợp ở ranh giới sống – chết nhưng giờ đã khoẻ mạnh bình thường. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục đánh giá về hiệu quả dài lâu của phương pháp này.

Người dân tham gia Bảo hiểm Y tế hưởng thêm nhiều quyền lợi

Ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết, Nghị định 146 của Chính phủ có hiệu lực kể từ 1/12/2018 có một số điểm mới như: Bổ sung một số người tham gia BHYT; quy định tham gia theo hộ gia đình; bỏ quy định giao quỹ khám, chữa bệnh (KCB) cho cơ sở KCB (kể cả trạm y tế xã) thay vào đó là giao tổng mức thanh toán; Sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể về thanh toán chi phí KCB.

Trong đó, thay đổi về đối tượng tham gia BHYT bao gồm:

Thứ nhất, bổ sung nhóm người tham gia BHYT được Nhà nước đóng gồm: Dân công hoả tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; Thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975; Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng có mức thu nhập bình quân hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.

Thứ hai, nhóm tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình gồm chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội (một số đối tượng); Nhóm do người sử dụng lao động đóng BHYT là thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu.

Bên cạnh đó, nhóm được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT là người thuộc hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Đặc biệt, người từ đủ 80 tuổi trở lên hưởng trợ cấp hàng tháng sẽ được chuyển từ nhóm do BHXH đóng sang nhóm do ngân sách Nhà nước đóng theo quy định của Luật BHXH.

bhyt 7

 Nghị định 146 của Chính phủ được ban hành, người dân được hưởng nhiều quyền lợi về BHYT.

Về thay đổi mức đóng, Nghị định 146 quy định không bắt buộc toàn bộ thành viên hộ gia đình phải tham gia cùng một thời điểm; thực hiện nghiêm giảm trừ mức đóng khi thành viên thứ 2 tham gia năm tài chính.

Đặc biệt, với đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo thứ tự: Do người lao động và người sử dụng lao động đóng; do cơ quan BHXH đóng, do ngân sách Nhà nước đóng; do người sử dụng lao động đóng.

Bên cạnh đó, người được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng sẽ không áp dụng giảm trừ mức đóng. Nhóm người tham gia BHYT vào các ngày trong tháng số tiền đóng BHYT sẽ được xác định kể từ ngày người tham gia BHYT đóng tiền chứ không tính bắt đầu từ đầu tháng.

Ngoài ra, trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì được thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không quá 15 ngày kể từ ngày thẻ hết hạn sử dụng.

Cơ quan BHXH có trách nhiệm thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ cho người bệnh trong thời gian điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh.

Về điều chỉnh mức hưởng BHYT, nhóm những người tham gia kháng chiến nhưng không phải là người có công với cách mạng và cứu chiến binh, mức hưởng sẽ giảm từ 100% xuống 80% theo đúng quy định của Luật BHYT.

Người hoạt động trong kháng chiến không may bị nhiễm các hóa chất, chất hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hưởng mức 100% và áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thành 100%, không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán.

Cuối cùng, những người trên 80 tuổi đang được hưởng trợ cấp hàng tháng tăng mức hưởng BHYT từ 80% lên 100% để đảm bảo tính công bằng với các đối tượng bảo trợ xã hội trên 80 tuổi khác.

Kết quả phiếu tín nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2018

Chiều 25/10/2018, 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Theo kết quả kiểm phiếu công bố chiều 25/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được 224 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao, 197 đại biểu đánh giá tín nhiệm và 53 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp.

nguyen thi kim tien 8

 Năm 2018 là một năm thành công vượt bậc của ngành Y tế cũng như của riêng Bộ trưởng Bộ Y tế bà Nguyễn Thị Kim Tiến. (Ảnh: Tư liệu)

So với lần lấy phiếu gần nhất năm 2014, Bộ trưởng Tiến đã đạt bước nhảy vọt về số phiếu tín nhiệm cao (năm 2014 bà Tiến được 97 phiếu tín nhiệm cao, 192 phiếu tín nhiệm thấp).

Với kết quả này, nữ Bộ trưởng đứng thứ 37 về tín nhiệm cao trong tổng số 48 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm và xếp hạng 17 trong danh sách 26 thành viên Chính phủ.

Đây được coi là thành quả đáng ghi nhận của riêng bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng như toàn bộ ngành Y tế khi trong những năm qua đã không ngừng nỗ lực đưa y tế Việt Nam đi lên với nhiều thành công vượt trội, vươn tầm thế giới.

Phát lộ đường dây cò mua bán thận

Tháng 10/2018, phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Văn Phương (29 tuổi, quê Bắc Giang) về hành vi Mua bán mô và bộ phận cơ thể người. Phương bị xác định là người đứng sau một số vụ mua bán nội tạng với danh nghĩa tự nguyện hiến tặng.

Ngoài bị can Phương, còn có 3 người khác liên quan. Phương cho biết, từ đầu năm đến nay, y đã 3 lần dàn xếp mua bán thận. Người bán thận được nhận từ 250 - 320 triệu đồng/quả, còn người mua phải trả từ 340 - 360 triệu đồng/quả. Số tiền Phương được hưởng sau mỗi quả thận mua bán thành công từ 40 - 100 triệu đồng.

mua ban than 9

 Một số đối tượng bị bắt trong đường dây mua bán thận chấn động thời gian qua. (Ảnh: CATPHCM)

Ngày 13/12 vừa qua, Công an quận Long Biên (Hà Nội) thông tin, tháng 11 lực lượng phát hiện Nguyễn Đức Thắng (SN 1989, ở huyện Ứng Hòa) đến địa chỉ 63/66 đường Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) thuê cho 8 người từ nơi khác đến ở. Nhận thấy có biểu hiện nghi vấn, Công an quận Long Biên lập tức chỉ đạo xác minh, làm rõ.

Qua xác minh, cơ quan công an xác định được Thắng cầm đầu đường dây môi giới, mua bán thận người và có sử dụng vũ khí nóng. Số người được Thắng nuôi tại địa chỉ này là người đang chờ để bán thận.

Việt Nam điều chế và xuất khẩu nhiều loại vắc xin phòng bệnh quan trọng

Mới đây Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hai năm tới, Việt Nam sẽ tự sản xuất được vắc xin 5 trong 1 (vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib). Việt Nam đang nghiên cứu vắc xin trên động vật và chuẩn bị phối trộn.

Hiện nước ta đã tự sản xuất được 10 loại vắc xin phòng bệnh lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella…, trong đó có 8 loại đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

Trước đó, Việt Nam cũng sản xuất thành công vắc xin phức tạp Hib bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh về đường hô hấp, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Đây được coi là một loại vắc xin phức tạp nhất, qua nhiều khâu tinh chế. Hiện loại này được chọn là một trong các sản phẩm nằm trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

san xuat vac xin 10

 Việt Nam đang có những tín hiệu tốt trong việc tự sản xuất vắc xin "Made in Việt Nam". (Ảnh: TTXVN)

Năm 2018, loại vắc xin MR kết hợp sởi - rubella do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) Việt Nam sản xuất được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng, thay thế cho loại vắc xin sởi - rubella nhập khẩu lâu nay.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong năm 2018 và 2019, sẽ có thêm 3 loại là vắc xin phòng cúm mùa, viêm não Nhật Bản tế bào và bại liệt bất hoạt của Việt Nam được đưa vào sử dụng. Các loại vắc xin này đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép lưu hành.

Các loại vắc xin phòng bệnh cho người liên tục được nghiên cứu sản xuất sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu đề ra của Chính phủ là đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất được 12 loại vắc xin và đến năm 2030 sẽ sản xuất được 14 loại để sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Bùng phát dịch tay chân miệng ở miền Nam

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) từ đầu năm đến cuối 9/2018, cả nước ghi nhận hơn 53.500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó gần một nửa số bệnh nhân phải nhập viện và đã có 6 ca thiệt mạng tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

chan tay mieng tien phong 11

 Dịch chân tay miệng bùng phát ở miền Nam khiến nhiều trẻ nhập viện. (Ảnh: Tiền Phong)

Các tỉnh có số mắc cao là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh…

Đặc biệt, mùa dịch bệnh năm nay bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng virus EV71 - chủng virus đã gây đại dịch tay chân miệng lớn trên cả nước trong năm 2011.

Thông tin từ bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. HCM cho hay, so với cùng kỳ các năm trước, tình hình dịch bệnh tay chân miệng năm nay có sự gia tăng mạnh hơn.

Theo bác sĩ này, so với năm 2011 đến nay, khoảng 2 tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10, bệnh nhi mắc tay chân miệng đột ngột tăng mạnh. Nguyên nhân là virus EV71 quay lại, trong khi trẻ chưa có miễn dịch với virus đó.

Video: Bác sĩ Việt thực hiện thành công kỹ thuật mổ mới, thế giới chưa ai làm được

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn