Sức ép với Na Uy khi hưởng lợi gián tiếp từ cuộc chiến Ukraine

Tư liệuChủ Nhật, 29/05/2022 12:42:07 +07:00

Theo AP, khi tiền chảy vào Na Uy, quốc gia cung cấp khí đốt tự nhiên lớn thứ hai của châu Âu đang chịu sức ép từ cáo buộc rằng họ thu lợi từ cuộc chiến ở Ukraine.

Ba Lan là một trong số các quốc gia chỉ trích Na Uy. Ba Lan đang tìm đến khí đốt Na Uy để thay thế một phần khí đốt Nga. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Na Uy đang hưởng lợi gián tiếp từ cuộc chiến ở Ukraine khi thu được khoản lợi nhuận dầu khí khổng lồ nhờ bán dầu khí.

Ông Morawiecki kêu gọi Na Uy sử dụng khoản tiền lợi nhuận này để hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chủ yếu là Ukraine.

Sức ép với Na Uy khi hưởng lợi gián tiếp từ cuộc chiến Ukraine - 1

Mỏ dầu Johan Sverdrup ngoài khơi Biển Bắc cách Stavanger, Na Uy khoảng 140 km về phía tây. (Ảnh: AP)

Các bình luận này vào tuần trước đã gây tác động mạnh. Ngay cả một số người Na Uy cũng tự hỏi liệu họ đã làm đủ chưa trong viện trợ kinh tế cho Ukraine và giúp các nước láng giềng chấm dứt phụ thuộc năng lượng Nga.

Thuế đánh vào lợi nhuận thu được của các công ty dầu khí đã phổ biến ở châu Âu để giúp người dân đối phó với hóa đơn năng lượng tăng cao. Tây Ban Nha và Italy đều thông qua các khoản thuế này, trong khi chính phủ Anh có kế hoạch áp dụng loại thuế này. Ông Morawiecki đang yêu cầu Na Uy đi xa hơn bằng cách gửi dầu và lợi nhuận cho các quốc gia khác.

Na Uy, một trong những quốc gia giàu có nhất châu Âu, đã cam kết dành 1,09% thu nhập quốc dân cho việc phát triển ở nước ngoài. Đây là một trong những tỷ lệ cao nhất trên toàn thế giới, trong đó có hơn 200 triệu USD viện trợ cho Ukraine.

Khi tiền Na Uy thu được từ bán dầu khí ngày càng nhiều, một số người muốn nước này chi nhiều tiền hơn nữa để giảm bớt ảnh hưởng của cuộc chiến Ukraine mà không cắt giảm tiền đóng góp cho các cơ quan khác.

Bà Berit Lindeman, Giám đốc chính sách của tổ chức nhân quyền Ủy ban Helsinki của Na Uy đã tham gia tổ chức một cuộc biểu tình mới đây bên ngoài Quốc hội ở Oslo. Bà chỉ trích các ưu tiên của chính phủ và nói rằng những nhận xét của Ba Lan phần nào đúng.

Bà cho biết: “Na Uy đã cắt giảm đáng kể hầu hết các khoản đóng góp cho các tổ chức và các dự án nhân quyền của Liên hợp quốc để có chi phí tiếp nhận người tị nạn Ukraine. Có vẻ thực sự không hay khi chúng tôi biết thu nhập đã tăng vọt trong năm nay”.

Sức ép với Na Uy khi hưởng lợi gián tiếp từ cuộc chiến Ukraine - 2

(Ảnh: AP)

Giá dầu và khí đốt vốn đã cao trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và đã tăng vọt do chiến tranh. Khí đốt tự nhiên đang được giao dịch ở mức gấp 3-4 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Dầu thô Brent chuẩn quốc tế đã tăng vọt qua ngưỡng 100 USD/thùng sau khi Nga đưa quân vào Ukraine cách đây ba tháng trước và hiếm khi giảm xuống dưới kể từ đó.

Công ty năng lượng khổng lồ Equinor của Na Uy, do nhà nước sở hữu phần lớn, đã kiếm được gấp bốn lần lợi nhuận trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái.

Khoản tiền này đã khiến chính phủ Na Uy điều chỉnh dự báo thu nhập từ các hoạt động dầu khí lên 933 tỷ kroner Na Uy (97 tỷ USD) trong năm nay - gấp ba lần những gì Na Uy kiếm được vào năm 2021. Phần lớn sẽ được chuyển vào quỹ tài sản có chủ quyền khổng lồ của Na Uy – lớn nhất thế giới - để dùng tới khi dầu cạn kiệt. Chính phủ Na Uy không xem xét dùng nguồn tiền này cho việc khác.

Ngoại trưởng Na Uy Eivind Vad Petersson cho biết Na Uy đã hỗ trợ đáng kể cho Ukraine kể từ tuần đầu tiên của cuộc chiến và đang chuẩn bị làm nhiều việc hơn nữa.

Ông cho biết nước này đã gửi hỗ trợ tài chính, vũ khí và hơn 2 tỷ kroner viện trợ nhân đạo.

Trong khi đó, các nước châu Âu là một phần nguyên nhân làm tăng giá năng lượng của Na Uy khi họ cố tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, giảm phụ thuộc dầu Nga. Các nước châu Âu bị cáo buộc là đã góp phần tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine khi tiếp tục chi tiền mua nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói tại cuộc họp Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ rằng phụ thuộc vào năng lượng Nga đã tạo cho Nga một công cụ.

Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Phần Lan, Ba Lan và Bulgaria vì các nước này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble.

Liên minh châu Âu đang đặt mục tiêu giảm 2/3 phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga vào cuối năm thông qua tiết kiệm, phát triển năng lượng tái tạo và dùng các nguồn cung cấp thay thế.

Châu Âu đang kêu gọi Na Uy cùng với các quốc gia như Qatar và Algeria giúp đỡ để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng. Trước cuộc chiến ở Ukraine, Na Uy cung cấp 20% đến 25% khí đốt tự nhiên cho châu Âu, so với 40% của Nga.

Thứ trưởng Bộ Năng lượng Na Uy Amund Vik cho biết điều quan trọng đối với Na Uy là phải trở thành nhà cung cấp dầu và khí đốt lâu dài, ổn định cho thị trường châu Âu. Nhưng các công ty đang bán dầu khí trên các thị trường năng lượng đầy biến động, và khi giá dầu và khí đốt cao kể từ mùa thu năm ngoái, các công ty đã sản xuất gần như tối đa công suất hàng ngày.

Sức ép với Na Uy khi hưởng lợi gián tiếp từ cuộc chiến Ukraine - 3

Nhà máy khí đốt Ormen Lange ở Aukra, Na Uy. (Ảnh: AP)

Mặc dù vậy, Na Uy đã đáp lại lời kêu gọi của châu Âu về việc cung cấp thêm khí đốt bằng cách cấp giấy phép cho các nhà khai thác để sản xuất nhiều hơn trong năm nay. Ưu đãi thuế có nghĩa là các công ty sẽ đầu tư vào các dự án mới ở nước ngoài, trong đó có một đường ống dẫn mới đến Ba Lan sẽ mở vào mùa thu này.

Ông Ola Morten Aanestad, phát ngôn viên của Equinor, cho biết: “Chúng tôi đang làm bất cứ điều gì có thể để trở thành nhà cung cấp khí đốt và năng lượng đáng tin cậy cho châu Âu trong những thời điểm khó khăn. Mùa thu trước, thị trường khá căng thẳng và thậm chí giờ còn căng thẳng hơn”.

Tình hình khác xa so với tháng 6/2020 khi giá cả giảm do đại dịch COVID-19 và chính phủ trước đây của Na Uy đã ban hành các ưu đãi thuế cho các công ty dầu mỏ để thúc đẩy đầu tư và bảo vệ việc làm.

Khi giá năng lượng cao và các ưu đãi sẽ hết vào cuối năm nay, các công ty ở Na Uy đã ban hành một loạt kế hoạch phát triển các dự án dầu khí mới.

Tuy nhiên, những dự án đó phải tới cuối thập kỷ này hoặc lâu hơn mới có thể sản xuất dầu và khí đốt. Khi đó, tình hình chính trị có thể khác và nhiều nước châu Âu đang hy vọng sẽ chuyển phần lớn năng lượng sang năng lượng tái tạo.

Đến lúc đó, Na Uy có thể sẽ phải đối mặt với những lời chỉ trích quen thuộc hơn - rằng nước này đang góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

(Nguồn: Báo Tin tức )
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp