Sửa đổi Luật Điện ảnh: Cần nhưng chưa đủ

Sao ViệtThứ Sáu, 18/12/2020 12:24:19 +07:00
(VTC News) -

Hội nghị - hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Hà Nội là cần thiết nhưng chỉ sửa đổi mỗi Luật Điện ảnh thì có đủ không?

“Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, trong đó điện ảnh được coi là trọng tâm ưu tiên. Điện ảnh là lĩnh vực có khuôn khổ pháp lý đầy đủ nhất trong các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, có luật, chiến lược, qui hoạch, có các nghị định, thông tư…”.

Đó là phát biểu của bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VHTT&DL thay lời thứ trưởng Bộ này - ông Tạ Quang Đông - tại Hội thảo tham vấn “Những cơ hội và thách thức của các nhà làm phim Việt Nam” do UNESCO tổ chức.

Nhận định này được bà Nguyễn Thu Phương, giám đốc Trung tâm Công nghiệp Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia bổ sung: “Các luật như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh, Luật Trẻ em, Luật Xuất bản, Luật Quảng cáo, Luật Báo chí, Luật Du lịch, Luật Công nghệ Thông tin… tạo nên khung pháp lý khá hoàn chỉnh hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện ảnh của Việt Nam”.

Sửa đổi Luật Điện ảnh: Cần nhưng chưa đủ - 1

Hội nghị - hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Hà Nội.

Thế nhưng có một thực tế là đến khi có sự cố xảy ra trong lĩnh vực điện ảnh cần áp vào khung để xử phạt thì lại chẳng biết dựa vào đâu. Có thể lấy ví dụ trường hợp phim Vợ ba gây ồn ào dư luận vài năm trước. Phim này dù đã giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế, nhưng khi phát hành trong nước đã phạm 2 lỗi lớn:

- Một, nhà sản xuất cho nữ diễn viên Nguyễn Phương Trà My thực hiện một cảnh “nóng” khi em chưa đủ 13 tuổi, vi phạm Luật Trẻ em 2016.

- Hai, bộ phim này có đến 3 bản khác nhau giữa bản trình chiếu đại chúng và bản đem đi duyệt có vài chỗ khác nhau (chưa kể một bản gửi dự thi liên hoan phim quốc tế).

Thời điểm đó, các nhà làm luật, các nhà thực thi luật pháp và ... “cộng đồng mạng” cãi nhau ỏm tỏi, nhưng cuối cùng nhà sản xuất chỉ bị phạt vì lỗi để trẻ em đóng cảnh nóng, còn lỗi có nhiều bản phim vẫn chưa được xử lí thỏa đáng. Lỗi này nếu vi phạm ở Singapore hay Trung Quốc, nhà sản xuất hoàn toàn có thể bị cấm hành nghề, còn nhà phát hành bị đóng cửa rạp chiếu.

Sửa đổi Luật Điện ảnh: Cần nhưng chưa đủ - 2

Phim "Vợ ba".

Có một thực tế là, lĩnh vực điện ảnh được điều chỉnh và xử lý bởi 45 luật khác nhau. Điều đó đã được ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH-TT&DL thừa nhận trong cuộc hội thảo sửa đổi luật gần đây tại Hà Nội. “Luật Điện ảnh không phải để xử lý tất cả các vấn đề về điện ảnh”, ông Liêm cho biết. “Luật Điện ảnh là một luật nằm trong hệ thống pháp luật nói chung. Lĩnh vực điện ảnh được điều chỉnh bởi nhiều văn bản qui phạm pháp luật khác, một số mang tính chất chuyên ngành”.

“Ví dụ lĩnh vực vi phạm hành chính thì xử lý theo Luật Vi phạm Hành chính. Hiện nay Bộ đã trình Chính phủ Nghị định xử phạt về văn hóa và quảng cáo, trong đó có nội dung liên quan đến điện ảnh. Mức xử phạt sẽ tăng lên 31%”.

Nhiều luật như thế khiến bản thân các hãng sản xuất, phát hành phim khi gặp sự vụ như rơi vào một “mê hồn trận” không biết đường nào mà lần. Công ty nào cũng có bộ phận pháp chế nhưng cũng chịu bó tay. Thế mới có chuyện, ở hội thảo về luật Điện ảnh, bà Ngô Thị Bích Hạnh, phó tổng giám đốc BHD nêu ra một lĩnh vực thuộc về vi phạm hành chính, sở hữu trí tuệ. “Phim Cô ba Sài Gòn do chúng tôi phát hành, chị Ngô Thanh Vân đầu tư sản xuất vừa ra rạp vài hôm đã bị chia sẻ lậu trên mạng. Phim đầu tư cả chục tỷ đồng sản xuất nhưng người vi phạm lại chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính có 15 triệu đồng!” Chẳng hiểu sao một hành vi vi phạm trí tuệ nặng như thế lại chỉ khép vào khung vi phạm hành chính?

Giới làm phim Việt Nam thường kháo nhau rằng, sản xuất phim ở Việt Nam là ngành rủi ro lớn, “một cổ mấy tròng” vì luật không những không tạo hành lang pháp lý thuận lợi (cụ thể ở đây là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ), mà còn khiến các nhà làm phim hoang mang.

Mặt khác, như bà Nguyễn Thị Mai Hoa, giám đốc công ty Thiên Ngân thừa nhận: “Rủi ro trong ngành phát hành phim ở Việt Nam là điều có thật. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu, và chưa tìm ra được gói bảo hiểm nào cần thiết với mỗi bộ phim phát hành rạp. Thế nên, cả chục tỷ đồng đổ vào sản xuất mà không hoàn lại được vốn là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra”.

Từ những điều trên, có thể nhận ra rằng hệ thống pháp luật, nghị định tác động đến ngành điện ảnh ở Việt Nam quá nhiều, khiến các đơn vị làm phim khi cần kêu cứu chẳng biết kêu ai, khi bị xử phạt cũng chẳng biết mình bị xử đúng hay sai? Như thế, đối chiếu theo Qui hoạch phát triển điện ảnh đến 2020, tầm nhìn đến 2030 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kí ban hành ngày 25/01/2014 thì hệ thống luật đó dường như chỉ để “quản lý” chứ chưa “hỗ trợ, đồng hành cùng phát triển” với các hãng phim. Tâm tư của giới làm phim Việt bây giờ, có lẽ cần lắm cơ chế một cửa trong lĩnh vực điện ảnh, may ra mới có thể hỗ trợ điện ảnh phát triển. Cơ chế một cửa đó cần được trao quyền đủ để can thiệp vào mọi vấn đề trong ngành điện ảnh.

Về phía các hãng phim có lẽ cùng cần có bộ phận pháp chế đủ năng động để đề xuất những giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay.

Nguyễn Anh Tuấn/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn