Sửa chữa đường tử thần Hà Nội: Hãy đợi đấy

Thời sựThứ Sáu, 05/10/2012 08:30:00 +07:00

(VTC News) – Khi nỗi ám ảnh con đường tử thần giữa thủ đô ngày càng tăng, các cơ quan chức năng vẫn loay hoay chuyện kinh phí.

(VTC News) – Khi nỗi ám ảnh con đường tử thần giữa thủ đô ngày càng tăng, các cơ quan chức năng vẫn loay hoay chuyện kinh phí.

Liên quan tới hàng trăm mét bề mặt đường Tam Trinh đoạn qua địa bàn phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang bị xuống cấp nghiêm trọng, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với hai cán bộ làm trong ngành thanh tra giao thông vận tải Hà Nội.


Mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới các "ổ trâu, ổ gà" trên đoạn đường này, ông Lê Quang Vinh, đội trưởng Đội thanh tra giao thông vận tải quận Hoàng Mai cho biết: “Do chưa có hệ thống thoát nước, các hộ dân ở hai bên đường, các khu dân cư ở đó khi sử dụng nước sạch sinh hoạt xong liền thải luôn ra đó, cộng thêm với lượng nước mưa chưa tìm được chỗ thoát, đọng lại ở đó nên đoạn đường này mới thế.

Ngoài ra, một phần cũng là do các phương tiện, chủ yếu là xe tải có trọng lượng lớn lưu thông qua đây khá nhiều gây hư hỏng mặt đường.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến một nguyên nhân nữa đó là mặt đường ở khu vực này được rải bê tông nhựa. Khi gặp nước, cộng với các phương tiện đi lại nhiều sẽ làm mất độ đông kết của loại bê tông này khiến mặt đường bị phá hỏng”.

Cận cảnh đường tử thần 

Theo ông Vinh, đoạn đường này từng được sửa chữa, cải tạo rất nhiều lần. Trung bình một năm nó được đại tu từ 1 – 2 lần. Cách đây vài tháng, người ta cũng mới tu sửa đoạn đường này. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do thời tiết mưa nhiều nên đường càng xuống cấp trầm trọng hơn.


“Thực ra, người ta mới chỉ quan tâm tới những chỗ bị lún, sụt trên đường, mới chỉ có phương án đắp đá dăm vào, “che giấu” những "ổ trâu, ổ gà" thôi. Mà cứ đắp vào được vài ba ngày là đâu lại vào đấy, đường lại hỏng ngay.

Lấy ví dụ, ở khu vực ngã ba Yên Sở, không phải là chưa được sửa chữa. Thậm chí, một năm khu vực đó còn được sửa chữa đôi ba lần, nhưng mặt đường vẫn xuống cấp thế.

Không phải là đổ tội cho ai, nhưng mà chính quyền địa phương và các cơ quan ban, ngành phải quan tâm hơn nữa tới đoạn đường này. Họ cần mau chóng vào cuộc”, ông Vinh nói.

Trước thực trạng đó, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai và các bên có liên quan cũng đã họp bàn các phương án để xử lý vấn đề này.

Trong những lần họp bàn trước, Công ty công trình giao thông vận tải của Sở giao thông vận tải Hà Nội cũng đã đưa ra những phương án để trình Sở phê duyệt. Quan trọng nhất vẫn là kinh phí để duy tu, sửa chữa con đường này.

Cùng với đó, công ty thoát nước của Sở xây dựng cũng đã có phương án để trình với Sở xây dựng, xin kinh phí cải tạo hệ thống thoát nước ở đây.


Các cơ quan cũng đang xây dựng một đề án, đề xuất với Sở giao thông và Sở xây dựng để xây dựng đồng bộ một hệ thống thoát nước, thu gom nước thải sinh hoạt của dân.

Tuy nhiên, ông Vinh cho hay: “Từ hơn một tháng nay, mọi người cùng phản ánh quyết liệt, từ người dân sinh sống ở đây tới lãnh đạo phường, quận, các cơ quan báo chí, đặc biệt là VTC News, thậm chí cũng đã có vài cuộc họp để bàn ra phương án xử lý, nhưng vẫn chưa đâu vào đâu cả.

Hiện tại, việc khẩn trương xây dựng hệ thống thoát nước tại đây được xem là phương án tối ưu”.

Cũng theo tiết lộ của ông Vinh, Sở giao thông vận tải Hà Nội đã giao cho công ty công trình giao thông vận tải phải lên phương án cải tạo đường.

   

Tuy đường này ít người qua lại, nhưng mặt đường ở đây đã xuống cấp từ rất lâu rồi. Không hiểu tại sao không thấy cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm sửa chữa, tu bổ cả.
Ông Ngô Quốc Cường
“Nhưng nếu chỉ dựa vào nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa các công trình giao thông trong năm, e rằng không đủ cho những “sự cố” phát sinh như thế này. Do vậy, Sở cũng phải đề nghị thành phố bổ sung kinh phí và chúng ta phải chờ.


Để phản ánh, con đường này nhiều vấn đề lắm. Không cứ thanh tra giao thông mà ngay đến cả người dân, lãnh đạo phường Yên Sở và quận Hoàng Mai cũng phải thừa nhận điều đó.

Đây là tuyến đường thành phố đã có chủ trương mở rộng. Dự án này đã được thành phố đặt ra từ mấy năm nay rồi. Chỉ có điều do nguồn vốn đầu tư, kinh phí còn hạn chế, chưa đáp ứng được nên dự án chưa triển khai được.

Tất cả những bất cập hiện nay của tuyến đường Tam Trinh, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở giao thông và một số ban, bộ, ngành có liên quan khác cũng đã biết và hiện đang tìm ra phương án để xử lý”, ông Vinh nói.

Trong khi đó, ông Ngô Quốc Cường – từng là đội phó Đội thanh tra giao thông vận tải quận Hoàng Mai, hiện đang là thanh tra giao thông vận tải của huyện Thường Tín (Hà Nội), đồng thời cũng là một người dân hiện đang sinh sống ở gần chợ cá Yên Sở chia sẻ:

 “Chất lượng đoạn đường đó kém lắm.
Hiện tại, ở khu vực quanh chợ cá Yên Sở đường rất gồ ghề, lồi lõm, bụi bẩn. Mỗi lần mưa thì khiếp lắm. Ngày nào tôi đi qua đó cũng thấy có tai nạn.

Từ vài tháng nay, tôi thấy các "ổ voi, ổ gà" ngày càng tăng lên. Vào những ngày mưa, nước mưa trút xuống, mặt đường trông rất thảm hại. Nếu không có ý thức nhường nhau khi lưu thông qua tuyến đường này thì xe máy sẽ bị đổ kềnh hàng loạt ra đường.

Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định rằng do ở khu vực đó chưa có hệ thống thoát nước nên đường mới thế. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên thôi.

Tuy đường này ít người qua lại, nhưng mặt đường ở đây đã xuống cấp từ rất lâu rồi. Không hiểu tại sao không thấy cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm sửa chữa, tu bổ cả. Muốn khắc phục tình trạng trên, theo tôi cần phải rải thảm lại đoạn đường đó.

Với tư cách một người dân đang sinh sống tại khu vực này, tôi xin kiến nghị các cơ quan chức năng mau chóng rải thảm lại con đường này để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và tránh cảnh ùn tắc giao thông tại đây”, ông Cường nói.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn