Sự “trở lại” của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương

Thế giớiThứ Ba, 28/12/2010 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Năm 2010, do xu thế Mỹ đẩy mạnh chiến lược “trở lại châu Á” có chiều sâu, quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á ngày càng trở nên phức tạp.

(VTC News) - Trong năm 2010, Mỹ đẩy nhanh “trở lại châu Á” với một loạt những hoạt động thực tế như tham gia ASEAN hay tổ chức hàng loạt cuộc tập trận quân sự ở Đông Bắc Á, làm cho quan hệ quốc tế khu vực châu Á có nhiều diễn biến mau lẹ, phức tạp.

Ngày 26/12, Tân Hoa Xã - Hồng Kông đưa tin, năm 2010, ở khu vực châu Á, hình ảnh của Mỹ trở nên nổi bật ở vùng biển khu vực này. Nhìn vào lịch các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, ta thấy thời gian ông đến châu Á là dài nhất; hạm đội tàu chiến hùng mạnh của Mỹ cũng đã liên tục phô trương lực lượng ở vùng biển châu Á.

Ngày 23/7, tàu sân bay "Carl Vinson" của Hải quân Mỹ phóng tên lửa cải tiến Sea Sparrow ở bờ biển Nam California, Thái Bình Dương (Nguồn: Mạng Hải quân Mỹ). 

Năm 2010, do xu thế Mỹ đẩy mạnh chiến lược “trở lại châu Á” có chiều sâu, quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á ngày càng trở nên phức tạp.

Chiến lược "trở lại châu Á" được chính phủ Mỹ công khai đề ra tháng 7/2009 nhằm thiết lập lại và tăng cường vai trò chủ đạo của Mỹ ở châu Á. Tổng thống Obama tự gọi mình là "Tổng thống Thái Bình Dương" đầu tiên của Mỹ, tìm cách "phát huy vai trò lãnh đạo" ở châu Á.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói có hàm ý sâu xa rằng: "Tương lai của Mỹ gắn chặt với tương lai của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tương lai của khu vực này phụ thuộc vào Mỹ".

Sự "trở lại châu Á" của Mỹ không chỉ là chiến lược, mà còn hành động thực tế, thậm chí được thúc đẩy với tốc độ rất nhanh. Đọc lịch ngoại giao của Mỹ năm 2010, từ Tổng thống Mỹ cho đến các quan chức Ngoại giao, Quốc phòng, giống như "đèn kéo quân" (đèn cù) qua lại khu vực châu Á như con thoi.

Cơ chế hội đàm song phương “2+2” của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng, từ giữa Mỹ và Nhật Bản, đã được mở rộng đến nhiều nước hơn. Mỹ đã nghiễm nhiên trở thành "nước lớn thường trú" của châu Á.

Obama liên tiếp tham dự một loạt các hội nghị quốc tế và khu vực ở châu Á, có chuyến thăm dài ngày tới các nước trong đó có Ấn Độ, hơn nữa còn tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại New York. Tháng 11/2010, Obama đã lần lượt đến thăm Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong đó thời gian lưu lại tại Ấn Độ dài đến 4 ngày, tập trung thúc đẩy quan hệ đối tác với Ấn Độ.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ra vào châu Á càng dày đặc hơn. Trước khi Barack Obama đến thăm một số nước châu Á vào tháng 11/2010, bà đã dẫn quân đến nhiều nước châu Á, thúc đẩy Mỹ "tham gia các vấn đề châu Á trên các phương diện chiến lược, chính trị, đa phương, kinh tế và thương mại". Gần như đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cũng có mặt tại châu Á.

Có ý kiến cho rằng, Tổng thống, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chia ba hướng đồng thời xuất hiện ở khu vực châu Á, thực sự là hiếm thấy trong ngoại giao Mỹ.

Mỹ "trở lại châu Á" kết hợp cả lời nói và hành động, ngoại giao-quân sự hiệp đồng cùng tiến. Mỹ không chỉ tăng quân ở Afghanistan, củng cố sự hiện diện quân sự tại các nước đồng minh châu Á, hơn nữa bất chấp sự phản đối của nước khác, Mỹ ra sức tập trận ở khu vực châu Á.

Trong cuộc tập trận Hàn-Mỹ, máy bay trực thăng "Seahawk" SH-60S cất cánh từ tàu vận tải “Dokdo” của Hàn Quốc, đã hạ cánh xuống tàu sân bay USS George Washington của quân Mỹ. (Nguồn: mạng Hải quân Mỹ). 

Cuối tháng 7/2010, hải, không quân Mỹ tập trung quân ở vùng biển phía đông Hàn Quốc, tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn nhất trong 34 năm qua. Tháng 8/2010, tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam tiến vào biển Đông (Trung Quốc gọi biển Nam Trung Hoa), tiếp theo đó cuộc tập trận Mỹ-Hàn lại được tổ chức tại biển Nhật Bản và biển Hoàng Hải.

Vào cuối năm 2010, cuộc tập trận Mỹ-Hàn 4 ngày vừa kết thúc, thì cuộc tập trận Mỹ-Nhật 8 ngày lại tiếp tục được tổ chức, quy mô gấp 6 lần so với cuộc tập trận Mỹ-Hàn.

Cuộc tập trận quân sự Mỹ-Nhật đầu tháng 12/2010, tàu sân bay USS George Washington dẫn đầu 20 tàu chiến tập trung thành hạm đội hùng hậu, cộng với 150 chiếc máy bay ném bom chiến lược B52 được gọi là "pháo đài bay", ngoài ra còn có hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ tham gia.

 Nhật Bản cử hơn 34.000 binh sĩ, 40 tàu chiến, 250 máy bay chiến đấu tham gia. Báo chí Nhật Bản nhấn mạnh, đây là hành động quân sự lớn nhất của Nhật Bản trong thời bình. Mỹ liên tiếp tập trận ở châu Á, không phải là một ý thích, mà là ý đồ chiến lược.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã nói thẳng ra rằng, Mỹ "đang xem xét điều chỉnh lại cơ cấu quân Mỹ trên toàn cầu, trong đó có việc tăng cường đóng quân ở châu Á".

Trong quá trình đẩy nhanh "trở lại châu Á", Mỹ trực tiếp can thiệp vào các tranh chấp giữa các nước châu Á. Dù là sự cố tàu chiến Choenan, sự kiện đảo Điếu Ngư hay tranh chấp biển Đông, sử dụng nguồn tài nguyên sông Mê Công…, Mỹ đều tích cực can dự.

Tất cả những hành động của Mỹ ở châu Á đã phản ánh được mục đích sâu sắc của họ. Tờ "Thời báo New York" bình luận, Mỹ đang khôi phục quan hệ liên minh thời chiến tranh lạnh với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời tăng cường thế lực ở các khu vực khác của châu Á.

Tổng quan tình hình châu Á năm 2010 và những hành động của Mỹ, và theo đó nói Mỹ đẩy nhanh “trở lại châu Á”, hay nói cách khác, Mỹ đang cố gắng lôi kéo thêm các nước châu Á vào phạm vi ảnh hưởng của mình.

Dùng lời của Obama khái quát thành quả "trở lại châu Á" của Mỹ, đó là "Mỹ đã tăng cường liên minh hiện tại, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác mới, thiết chặt lại quan hệ với các tổ chức trong khu vực, bao gồm có ASEAN".

Khánh Hưng(Theo Tân Hoa Xã)
Bình luận
vtcnews.vn