Sự thực về việc Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về game

Thế giới gameThứ Bảy, 28/05/2011 07:30:00 +07:00

Chúng ta đứng đầu về việc tiêu thụ game, tuy nhiên...

Chúng ta đứng đầu về việc tiêu thụ game, tuy nhiên...

Thị trường game online Việt Nam đã và đang phát triển một cách mạnh mẽ trong những năm gần đây. Kinh doanh game trở thành phương pháp hiệu quả để kiếm ra tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Như giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2009, hàng loạt công ty phát hành game đã có sự tăng trưởng thần kỳ. Game online trở thành một thị trường béo bở (mỗi năm thu hoạch được hơn 1.200 tỷ VNĐ - thống kê đầu năm 2009)
Chẳng thế mà VNG từ chỗ một công ty chỉ vỏn vẹn 10 nhân viên đã vươn lên chóng mặt để trở thành NPH game hàng đầu nước nhà. Asiasoft cũng sớm nhận ra tiềm năng ở Việt Nam để sớm thành lập chí nhánh Asiasoft VN và nhanh chóng góp chân vào nhóm “tứ trụ”. Và gần đây, một công ty mới toanh của Trung Quốc, Chang You, cũng khởi đầu hành trình Nam tiến để nhanh chóng xâm nhập vào thị trường game online lớn nhất khu vực.

Vâng, chúng ta đang nói đến việc Việt Nam là thị trường game online số một ở Đông Nam Á, theo nhiều kênh thông tin từng thống kê. Thế nhưng liệu đó có phải là sự thật? Chúng ta đang ở đâu trong bản đồ thực lực ngành game online khu vực?



Tiêu thụ game: Nhiều, nhưng không ổn định
 
Nếu có một bảng thống kê số lượng game đã phát hành, số lượng thẻ nạp của từng game và cả… số lượng game từng đóng cửa, chắc chắn Việt Nam là nước đứng đầu trong khu vực. Đây là cái thể hiện rõ nhất về khả năng tiêu thụ game tại nước ta.
Vốn mang đặc thù giống như Trung Quốc, thị trường game online số 1 thế giới, Việt Nam phần lớn điểm chơi game online là các tiệm internet. Số lượng các tiệm này nhiều vô số kể. Chính vì vậy, game thủ của chúng ta thường có xu hướng chơi theo nhóm. Họ dễ theo lời rủ rê của bạn bè chơi cùng tiệm để chuyển qua một game nào đó. Nói một cách khác, đó là tính phong trào. Nó phản ánh một phần dễ thấy của cả làng game nước nhà: thiếu ổn định.

Khi một game mới ra mắt, nếu một game thủ trong tiệm chơi thử, họ sẽ rủ thêm một người khác chơi cùng để cho có bầu bạn, giúp đỡ nhau. Theo đà đó, một phong trào chơi game mới có thể khuấy động lên trong từng quán nhỏ như vậy. Nếu như ngày hôm nay game này còn đông người, ngày mai nó có thể vắng hẳn, chỉ còn những người nhiệt tình. Một phần lớn sẽ chuyển qua chơi game mới ra, được quảng bá, nhiều cái mới lạ.


Game online ở Việt Nam: dễ đến, dễ đi.

Chúng ta thường chỉ biết lắc đầu nói rằng gamer Việt thật khó hiểu. Game thủ quá dễ thay đổi. Chính bởi tâm lý như thế, họ thường thích chọn những game miễn phí, nếu không thích sẽ ngay lập tức chuyển qua một game khác. Phương pháp nạp card mua đồ trong cash shop dễ được ưa thích, nó cho họ có được lựa chọn tuyệt nhất: test game nhanh, bỏ game nhanh.

Thế nên, cũng khó để cho NPH đưa một game thu phí vào vận hành. Nó sẽ rất dễ bị đào thải bởi không thích hợp với bản chất của những game thủ nước nhà vốn “lẳng lơ”, dễ “đứng núi này trông núi nọ”. Họ sẽ không muốn chơi một game mà phải bỏ tiền ra mới được chơi, trong khi xung quanh đầy rẫy những game được chơi miễn phí.
Võ Lâm thu phí ngày trước tồn tại được là vì thời điểm đó chưa có nhiều game “free” cạnh tranh. Ngay cả khi công bố thu phí, nó vẫn bị phản đối kịch liệt. Qua đó, dễ thấy được rằng thể loại thu phí giờ chơi thật khó để tồn tại.


Thu phí giờ chơi, bền vững nhưng không ai dám làm.
 
Chính vì vậy, những game “free” được ưu tiên nhập về. Và những game này phần lớn cũng không thể tồn tại lâu với lượng người chơi thiếu ổn định. Sau thời gian đầu mở cửa thu nhập khá, một thời gian sau chúng sẽ mất đi một lượng lớn thành viên và lựa chọn cho NPH là đóng cửa để nhập về một game khác mới hơn. Chính vì vậy, game tại Việt Nam quá dồi dào, nhưng tuổi thọ lại rất ngắn.
Làm game: chập chững, nhưng vẫn có tiềm năng ở khu vực
 
Nếu so với những xứ sở chuyên sản xuất game như Hàn Quốc hay Trung Quốc, chúng ta chỉ là những đứa trẻ chập chững. Tuy nhiên, nếu xét trong bình diện khu vực, khả năng phát triển của chúng ta không hề nhỏ.

Nhìn vào những nước trong khu vực, hầu như chỉ có Thái Lan và Singapore là có vài công ty sản xuất game. Nhưng họ cũng không có nổi một game nào có tiếng tăm. Sự thực là tại khu vực Đông Nam Á, ngôi đầu trong lĩnh vực sản xuất game online đang bỏ ngỏ, và toàn khu vực hầu hết được cho là thị trường kinh doanh của Trung Quốc và Hàn Quốc.


Chúng ta chỉ mới chập chững làm game.
 
Sản xuất game vẫn đang là một bước đi mới mẻ đối với những NPH kiêm NSX game nước ta. Tuy nhiên, chúng ta làm game rất rầm rộ, có tiếng vang, thêm nữa, lại có nhiều khả năng tấn công vào các nước trong khu vực. Với đặc thù là các NPH game, những studio làm game nước nhà sẽ có thể tự phát hành các game mình làm ra những nước lân cận, không phải qua công đoạn bán cho một đối tác nào đó.

Hãy nhìn vào cách mà VTC đã làm với Đột Kich, Audition, Linh Vương sẽ thấy rõ con đường của việc tự phát hành sẽ dễ dàng thế nào. Khi mà SQUAD còn đang thai nghén, hãng đã chuẩn bị sẵn để mang con bài của mình qua phát hành tại Indonesia. Nếu như khả năng thành công không cao, VTC sẽ không cần phải tốn công như thế.


SQUAD đã được đem "nhá hàng" ở nước ngoài.
 
Nhưng nói gì thì nói, khi chúng ta bỏ tiền ra tự làm game, chúng ta đã có một bước đi đúng. Nếu xét việc Việt Nam là thị trường game online số 1 trong khu vực, việc bắt tay tự làm game sẽ là tiền đề tốt trong việc khẳng định vị trí tại Đông Nam Á.


Game nội cần được ưu tiên phát triển hơn nữa.
 
Việc hạn chế nhập game ngoại, ưu tiên cho sản xuất game cũng cho thấy đường hướng phát triển tất yếu của ngành kinh doanh game nước nhà. Ở hiện tại, cố gắng phát triển ổn định, sản xuất game đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước thì chúng ta sẽ có nhiều khả năng thành công hơn khi tiến ra toàn khu vực.

(Theo GenK)




Bình luận
vtcnews.vn