Sự thực chuyện Việt Nam tự chọn bảng đấu bóng đá nam SEA Games 2003

Thể thaoThứ Sáu, 30/06/2017 06:53:00 +07:00

Có sự khác biệt rất lớn giữa quyền được lựa chọn bảng đấu của Việt Nam ở SEA Games 2003 với Malaysia ở SEA Games 2017.

Để biện bạch cho mình trước sự phản đối của cả làng bóng đá Đông Nam Á về việc chủ nhà Malaysia tự cho mình quyền được lựa chọn bảng đấu của môn bóng đá nam ở SEA Games 29 sắp tới, ông Sieh Kok Chi, TTK Uỷ ban Olympic Malaysia, lý giải rằng đây là đặc quyền của nước chủ nhà SEA Games và chính Việt Nam cũng từng cho mình quyền lựa chọn bảng đấu bóng đá nam ở SEA Games 22 năm 2003, khi chúng ta là chủ nhà.

siehkokchi0808

Ông Sieh Kok Chi, Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Malaysia.

Xét về lý thuyết thì phát biểu của ông Sieh Kok Chi không sai, nhưng dựa theo tình hình thực tế thì dường như ông Sieh Kok Chi đang tìm cách đánh tráo khái niệm. Sở dĩ nói thế là bởi tại lễ bốc thăm bóng đá nam SEA Games 22, Việt Nam lựa chọn bảng A để được thi đấu ở Hà Nội, và không có nước nào phàn nàn về quyết định này, vì nước chủ nhà đương nhiên cần được thi đấu ở địa điểm đăng cai chính của SEA Games.

Bên cạnh đó, ở kỳ SEA Games 22 năm 2003, trong số 8 đội bóng nam tham dự lễ bốc thăm (do Brunei rút lui vào giờ chót) thì có tới 4 đội bóng được nhận quyền đặc cách chọn sẵn bảng đấu từ trước giờ bốc thăm là ĐKVĐ Thái Lan (bảng A), á quân Malaysia (bảng B), Singapore (bảng B, được bố trí đá sớm để tránh Asian Cup) và chủ nhà Việt Nam (bảng A để đá ở Hà Nội), chỉ có 4 đội Myanmar, Indonesia, Lào và Campuchia phải tham dự bốc thăm theo đúng trình tự.

Hơn nữa, với việc nằm ở bảng A gồm có Thái Lan, Indonesia và Lào, chủ nhà Việt Nam không có được bao nhiêu lợi thế so với bảng B gồm Malaysia, Singapore, Myanmar và Campuchia, nếu không nói là chủ nhà Việt Nam thực sự đã rơi vào bảng tử thần.

Có lẽ cũng vì thế mà khi trực tiếp tham dự lễ bốc thăm môn bóng đá nam tại SEA Games 2003 cách đây 14 năm ở trụ sở VFF (khi ấy còn ở 18 Lý Văn Phức), chúng tôi đã không ghi nhận được bất cứ sự phản đối hay phàn nàn từ các phóng viên hoặc đại diện đội bóng nước ngoài nào ở khu vực Đông Nam Á, trong khi với trường hợp của Malaysia ở SEA Games 29 thì tất cả đều cực lực phản đối, từ Việt Nam, Thái Lan, cho tới Lào hay Indonesia.

phuong0731

Công Phượng và đồng đội ở U22 Việt Nam gặp khó với chiêu tự chọn bảng đấu của chủ nhà Malaysia. 

Có sự khác biệt rất lớn giữa quyền được lựa chọn bảng đấu của Việt Nam ở SEA Games 2003 với Malaysia ở SEA Games 2017, vì tại SEA Games cách đây 14 năm, có 8 đội bóng được chia đều thành 2 bảng và Việt Nam chỉ được ưu tiên chọn mã số A hay B để được đá tại Hà Nội, còn bảng đấu nào cũng chỉ có 4 đội như nhau.

Còn môn bóng đá nam SEA Games 2017 sẽ có 1 bảng gồm 5 đội và 1 bảng gồm 6 đội, và trong khi 10 đội bóng nước ngoài phải trải qua bốc thăm để xác định mã số từ 1 đến 5 cho mỗi bảng A hay B thì chủ nhà Malaysia lại được tự chọn bảng đấu mà không cần tham gia bốc thăm.

Điều đó nghĩa là Malaysia sẽ có quyền lựa chọn bảng đấu 5 đội (gần như chắc chắn) để thi đấu ít hơn 1 trận so với bảng đấu 6 đội, hoặc họ cũng sẽ có thể lựa chọn bảng đấu 6 đội với đa số là đội yếu để thuận đường tính toán vào bán kết, khác hẳn với việc chủ nhà Việt Nam chủ động lựa chọn bảng tử thần chỉ để được thi đấu tại Hà Nội ở SEA Games 2003.

Đến đây thì hẳn độc giả có thể tự đưa ra lời đáp cho câu hỏi vì sao cách đây 14 năm quyền tự mình lựa chọn bảng đấu môn bóng đá nam SEA Games của Việt Nam không làm dậy sóng dư luận như những gì mà Malaysia đang trải qua.

(Nguồn: Thể Thao Văn Hóa)
Bình luận
vtcnews.vn