Sự thật về tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của châu Á

Thế giớiThứ Hai, 30/01/2017 07:45:00 +07:00

Type-091, tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc cần đến 21 năm để hoàn thiện trong khi đặc tính kỹ thuật bị đánh giá tụt hậu hơn 20 năm so với Mỹ.

Theo tạp chí National Interest năm 1974, Hải quân Trung Quốc tiếp nhận tàu ngầm tấn công hạt nhân đầu tiên của nước này. Đây là mục tiêu lâu dài được ấp ủ bởi Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, thiết kế đầu tiên là một sự thất vọng. Type-091, lớp Han sẽ được nhớ đến như tàu ngầm hạt nhân đầu tiên được sản xuất tại châu Á.

tau ngam

Tàu ngầm tấn công hạt nhân Type-091, số hiệu 405 trong một lần hoạt động trên biển. Ảnh: Hải quân Mỹ 

21 năm đóng mới

Theo sử gia Benjamin Lai, tác giả cuốn sách “Nanh vuốt của Rồng”, Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược vào năm 1958. Dự án sau đó bị đình trệ trong nhiều năm nhưng được hồi sinh lại vào năm 1965.

Bắc Kinh cuối cùng đã quyết định một cách tiếp cận thực tế hơn. Đầu tiên, Trung Quốc đóng mới tàu ngầm tấn công hạt nhân, sau đó sẽ tiến tới phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

Lý do là để đóng mới tàu ngầm tấn công hạt nhân, Trung Quốc chỉ cần làm chủ công nghệ lò phản ứng. Trong khi tàu ngầm hạt nhân chiến lược đòi hỏi phải làm chủ công nghệ lò phản ứng, tên lửa, hệ thống phóng dưới nước cùng lúc.

Trước đó, Mỹ phát triển tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Skipjack, sau đó mới phát triển thành tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp George Washington. Trung Quốc cũng lựa chọn giải pháp tương tự. Nhà thiết kế hàng đầu Peng Shilu phụ trách dự án phát triển tàu ngầm hạt nhân, sau đó Huang Xuhua tiếp quản vị trí quản lý dự án.

Điểm bất lợi lớn nhất của Trung Quốc là chưa làm chủ được công nghệ lò phản ứng hạt nhân dưới nước. Họ phải bắt đầu mọi thứ từ con số 0 khiến dự án bị kéo dài. Tàu đầu tiên mang số hiệu 401 được khởi đóng tại nhà máy đóng tàu Bột Hải vào năm 1968, hoàn thành vào năm 1974.

Từ 1974 đến 1991, 4 tàu khác được đóng mới. Tốc độ đóng mới tàu ngầm Type-091 diễn ra rất chậm do các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng. Tàu đầu tiên cần 7 năm để hoàn thành. Tàu thứ 2 cần 3 năm để đóng xong, trong khi tàu cuối cùng chỉ cần 1,5 năm.

Theo niên lịch Hạm đội chiến đấu thế giới, tàu ngầm Type-091 được ví von là “cá mập không răng”. Trung Quốc cần đến 21 năm để hoàn thành đóng mới chỉ 5 tàu.

Type-091 có lượng choán nước 5.500 tấn khi lặn, dài 98 m, rộng 10 m. Tàu đặc trưng bởi 2 cánh phụ lắp phía trên cánh buồm chính. Thân tàu có thiết kế kiểu “giọt nước” là nỗ lực lớn của Trung Quốc trong việc bắt kịp thiết kế tàu ngầm hiện đại của Mỹ.

Theo Want China Times, Huang Xuhua, trong năm 2015 tuyên bố rằng, ông phát triển tàu ngầm Type-091 từ 2 tàu ngầm đồ chơi nhập khẩu từ Mỹ và Hong Kong. Câu chuyện nghe có vẻ lãng mạn nhưng điều đó không đảm bảo rằng, Huang có thể đoán đầy đủ chi tiết từ một món đồ chơi mà có thể bỏ qua nhiều năm nghiên cứu về thủy động lực học.

Type-091 được lắp 6 ống phóng ngư lôi 533 mm. Tàu sử dụng hệ thống định vị thủy âm (sonar) thụ động Thomson-Sintra DUUX-5 của Pháp, được cho là mua trước khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn. Sonar này có thể theo dõi 3 mục tiêu cùng lúc.

Chạy ồn như máy cày

Vấn đề lớn nhất đối với tàu ngầm Type-091 là khả năng vận hành. Năng lực của một tàu ngầm được đánh giá thông qua khả năng vận hành êm và tránh bị phát hiện. Type-091 được mô tả là tàu ngầm “chạy ồn như máy cày”, đặc trưng công nghệ những năm 1950-1960. Ji Lie, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh thừa nhận, Type-091 tụt hậu khoảng 20 năm so với tàu ngầm Mỹ.

tau ngam 1

2 tàu ngầm Type-091 neo tại một cảng của Trung Quốc. Ảnh: The Chive 

Ngoài ra, việc che chắn bức xạ từ lò phản ứng kém gây nguy hiểm cho sức khỏe của thủy thủ đoàn. Người ta cho rằng, tàu ngầm Type-091 neo đậu tại cảng nhiều hơn vận hành do sự lạc hậu của công nghệ lò phản ứng thế hệ đầu của Trung Quốc.

Frederik Van Lokeren, nhà phân tích hải quân người Bỉ nhận xét, Type-091 không có nhiều giá trị chiến đấu và chỉ phù hợp với nhiệm vụ đào tạo.

5 tàu ngầm Type-091 đều được bàn giao cho hạm đội Bắc Hải. Quyết định đặt chúng tại một căn cứ duy nhất có thể là do vấn đề hậu cần, sẽ dễ dàng hơn để duy trì 5 lò phản ứng hạt nhân tại cơ sở duy nhất. Mặt khác, ở thời điểm Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc coi Liên Xô là mối đe dọa nghiêm trọng hơn so với Mỹ.

Video: Hé lộ bí ẩn về tàu ngầm 'Sói biển' tuyệt mật của Mỹ

Hiện tại, các tàu ngầm Type-091 đang dần bị loại bỏ. Tàu đầu tiên được ngưng hoạt động vào năm 2000, tàu thứ 2 vào năm 2004. Một tàu ngầm Type-091 từng thực hiện chuyến hải trình dài hơn 12.000 km từ Trung Quốc đến khu vực Sừng châu Phi.

Từ Type-091, Trung Quốc đã phát triển thành Type-092, tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên của Trung Quốc. Sau đó Bắc Kinh phát triển thế hệ tàu ngầm tấn công hạt nhân mới Type-093. Gần đây, họ tiếp tục phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094.

Đặc tính kỹ thuật của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc liên tục được cải thiện qua các thế hệ và ngày càng trở nên đáng tin cậy hơn.

Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn