Sự thật về giao dịch nhà trong tháng Ngâu

Bất động sảnThứ Ba, 26/09/2017 17:30:00 +07:00

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, giao dịch nhà đất trong tháng Ngâu có xu hướng chững lại, với lượng giao dịch giảm 11% so với tháng trước.

Qua số liệu báo cáo của một số chủ đầu tư và một số sàn giao dịch bất động sản, tại Hà Nội trong tháng 9/2017 có khoảng 1.200 giao dịch thành công, giảm 11% so với tháng 8/2017.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, từ đầu năm đến nay có rất ít các dự án nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội được khởi công mới vì nguồn vốn hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội chưa được triển khai.

Chỉ có một số dự án nhà ở xã hội khởi công từ đầu năm vẫn tiếp tục triển khai như dự án nhà ở xã hội Kiến Hưng (quận Hà Đông), dự án nhà ở xã hội tại Tam Trinh (Quận Hoàng Mai).

TheGarden2_zing_1_1

Ảnh minh họa.  

Một số dự án được nhiều người quan tâm như dự án An Bình City - Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), dự án Imperial Garden Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân), dự án Sunshire Palace (quận Hoàng Mai)...

Tại TP.HCM, trong tháng 9/2017 có khoảng 1.300 giao dịch thành công, giảm 7% so với tháng 8/2017. Tuy nhiên mức giảm nhẹ hơn so với thị trường Hà Nội. Giao dịch thành công chủ yếu trong giai đoạn này vẫn là phân khúc căn hộ cao cấp với mật độ xây dựng thấp, tỷ lệ không gian xanh lớn, vị trí thuận lợi tại khu vực trung tâm như: dự án Vinhomes Golden River (Quận 1), dự án Hà Đô Sentosa (Quận 10), dự án Elite Park (quận Bình Thạnh).

Lý giải về mức giao dịch có phần chững lại này, theo các chuyên gia là do tâm lý ngại mua nhà tháng Ngâu. Dù tâm lý này đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn ít nhiều còn ảnh hưởng, nên lượng giao dịch nhà đất chững lại.

Tuy nhiên, tính chung theo quý thì lượng giao dịch trong quý 3 vẫn tăng so với quý 4. Công ty TNHH Savills Việt Nam cho biết, doanh số bán nhà tại TP.HCM tăng trưởng rất cao lên tới 36% theo quý và 68% theo năm, mức ấn tượng nhất trong vòng 5 năm qua. Tại Hà Nội, tỷ lệ hấp thụ cũng khá tích cực tăng nhẹ so với quý trước, khối lượng giao dịch tăng khoảng 5% so với quý trước đó.

Lượng giao dịch thành công tại TP.HCM trong quý đạt 11.700 căn và tại Hà Nội khoảng 6.700 căn. Đa phần thuộc phân khúc căn hộ hạng B và C, chiếm tỷ trọng khá lớn trên thị trường.

Lý do khiến lượng giao dịch bất động sản tăng mặc dù tháng Ngâu được coi là tháng thấp điểm của năm là do quan niệm này đang có xu hướng thay đổi rõ rệt trong những năm gần đây, nhất là khi thị trường bất động sản đã ở quy mô khá lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam thì tâm lý e ngại tháng Ngâu không còn phổ biến trong giao dịch nhà đất trong vài năm qua. Giao dịch mua bán nhà đất vào tháng điểm này vẫn khá tích cực, không còn tình trạng ảm đạm như các năm trước đây.

Thực tế thị trường cũng đang diễn ra khá tích cực. Lượng mở bán mới từ các dự án bất động sản đang tăng tốc trở lại. Thay vì rụt rè phát triển như trước đây, các chủ đầu tư và người mua nhà đã tích cực giao dịch trong tháng này.

Trong khi đó, giá bán lại có xu hướng giảm tại Hà Nội và hạ nhiệt tại TP.HCM. Theo đó, chỉ số giá nhà tại TP.HCM chỉ tăng nhẹ 1%, và đang có xu hướng chậm lại, trong khi tại thị trường Hà Nội theo ghi nhận của Savills đã bắt đầu giảm nhẹ.

Savills nhận định, áp lực ngày càng tăng của nguồn cung thứ cấp khiến giá nhà giảm xuống. Giá sơ cấp hạng A giảm xuống do các dự án mới có giá chào bán thấp hơn mức giá trung bình của thị trường. Dự kiến, cuối năm 2017 riêng tại thị trường Hà Nội có khoảng 23.500 căn hộ từ 45 dự án sẽ được tung ra thị trường. Các dự án căn hộ giá rẻ nhưng vẫn được trang bị đầy đủ tiện ích nội khu được dự báo sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của người mua nhà

Đây là sẽ một áp lực không nhỏ lên giá căn hộ chung cư trong những tháng cuối năm và đầu năm sau.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn