Sự nguy hiểm đằng sau 'thảm họa' phá hủy một vệ tinh quỹ đạo thấp của Ấn Độ

Thế giớiThứ Ba, 02/04/2019 15:33:00 +07:00

NASA cảnh báo, vệ tinh Ấn Độ vừa bị phá hủy là “một thảm họa” khi tạo ra khoảng 400 mảnh vỡ trong không gian và có thể gây ra nguy hiểm cho Trạm vũ trụ ISS.

Cảnh báo của ông Jim Bridenstine, người đứng đầu Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đưa ra sau khi Ấn Độ tuyên bố đã bắn hạ một vệ tinh có quỹ đạo thấp để chứng minh trở thành một cường quốc về không gian.

Theo ông Jim, không thể kiểm soát được hết các mảnh vỡ từ vệ tinh bị phá hủy. Mặc dù các mảnh vỡ từ vệ tinh của Ấn Độ đều ở tầm thấp hơn Trạm vũ trụ quốc tế và hầu hết các vệ tinh khác trong quỹ đạo, song NASA cảnh báo có ít nhất khoảng 24 mảnh vỡ đang văng cao hơn Trạm vũ trụ quốc tế. Đây là một điều vô cùng nguy hiểm đối với các hoạt động tại khu vực này. Cho đến thời điểm này, NASA đang theo dõi khoảng 60 mảnh vỡ có kích thước khoảng 10cm hoặc lớn hơn.

an-do-thu-ten-lua-1

Tên lửa Ballistic Missile Defence (BMD) Interceptor bắn lên vệ tinh của Ấn Độ. (Ảnh: Handout/Reuters)

Quân đội Mỹ là cơ quan đang theo dõi sát các vật thể trong không gian để đánh giá mức độ tác động của chúng đối với Trạm vũ trụ quốc tế và các vệ tinh. Theo đánh giá của quân đội Mỹ, có khoảng 23 nghìn vật thể trong không gian có kích thước trên 10cm, trong đó có khoảng 10 nghìn mảnh vật thể được tạo ra bởi các sự kiện riêng biệt.

Mỹ cũng đánh giá, sau vụ thử nghiệm phá hủy vệ tinh của Ấn Độ, mức độ rủi ro đối với các hoạt động của Trạm vũ trụ quốc tế đã tăng thêm 44% trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, nguy cơ này sẽ giảm dần theo thời gian khi mà những mảnh vỡ vật thể sẽ bị tự bốc cháy trong bầu khí quyển.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết tại thời điểm thực hiện thử nghiệm rằng, hoạt động đã được thực hiện trong bầu khí quyển thấp hơn để đảm bảo rằng không có mảnh vỡ không gian. Dù bất cứ mảnh vỡ nào được tạo ra cũng sẽ phân rã và rơi trở lại trái đất trong vòng vài tuần.

Ước tính có khoảng 900.000 mảnh vụn lớn hơn một viên bi trên quỹ đạo quanh trái đất, theo các mẫu thống kê được cơ quan vũ trụ châu Âu dẫn ra. 

Ngay cả những va chạm với các vật thể nhỏ cũng có thể là thảm họa trong không gian, phần lớn là do tốc độ cực lớn của tàu vũ trụ di chuyển trên quỹ đạo, tối thiểu là 7,8 km mỗi giây.

Video: Mô phỏng quá trình đưa vệ tinh "Made by Vietnam" vào vũ trụ

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn