Sự kiện Biển Đông là 'cú hích' để giảm phụ thuộc Trung Quốc

Kinh tếThứ Hai, 02/06/2014 09:06:00 +07:00

(VTC News) - Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, sự kiện tháng 5 vừa rồi là một cú hích để đẩy chúng ta giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

(VTC News) - Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, sự kiện tháng 5 vừa rồi là một cú hích để đẩy chúng ta phải làm mạnh hơn các giải pháp giảm nhập siêu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 2/6, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, quan hệ kinh tế Việt- Trung vẫn đang tiếp tục phát triển là mối quan hệ hai bên cùng có lợi. Các hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đang diễn ra bình thường, kể cả qua đường chính ngạch hay tiểu ngạch.

dệt may, Bộ Công thương, kinh tế, da giày, thép
Dệt may là một trong ngành phụ thuộc khá lớn vào Trung Quốc 
"Việt Nam đang xuất siêu sang Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc như dệt may, da giày, thủy hải sản. Chúng ta nuôi con cá nhưng thức ăn cũng phải mua từ Trung Quốc", Thứ trưởng Hải cho hay.


Đánh giá về cơ cấu xuất nhập khẩu này, Thứ trưởng Hải nói: Trước đây, vẫn nhiều ý kiến đã nói Việt Nam không nên quá phụ thuộc vào một thị trường, kể cả xuất khẩu và nhập khẩu. Vì vậy, ngay từ sớm, Bộ Công Thương đã có hệ thống các giải pháp đồng bộ để giảm nhập siêu, giảm phụ thuộc từ nước láng giềng.

Cơ bản, đó là những biện pháp nhằm thúc đẩy tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu đối với thị trường này.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện tại, việc tăng xuất khẩu đang được thực hiện khá tốt. Đơn cử, 4 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 28,4%.

“Đây là con số rất ấn tượng, là cách rất tốt để giảm nhập siêu”, ông Hải nhấn mạnh.

Còn giảm nhập khẩu, ông Hải cũng cho rằng, phải bằng cách tăng cường sản xuất hàng hóa trong nước và vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Riêng với vận động người Việt dùng hàng Việt, theo ông Hải, với 90 triệu dân Việt Nam mà ưu tiên dùng hàng Việt thì sẽ tạo ra lượng kim ngạch không nhỏ góp phần giảm nhập khẩu từ Trung Quốc. 
Thực tế, nhiều mặt hàng Việt Nam như hoa quả, quần áo, thủy sản... đã tự sản xuất được với chất lượng có thể xuất khẩu mạnh sang châu Âu, Mỹ... nhưng nhiều người Việt vẫn chưa chú trọng lựa chọn ưu tiên dùng hàng Việt.

"Hiện nay, người Việt Nam hiện nay vẫn mua gạo Thái Lan, hoa quả Thái Lan. Nhiều mặt hàng ta sản xuất được, đã xuất khẩu được, tại sao người Việt lại không dùng mà dùng hàng ngoại giá cao hơn", người phát ngôn của Bộ Công Thương nói.

"Ưu tiên dùng hàng Việt, đây chính là hành động yêu nước trong thời điểm này có thể thể hiện được", ông Hải nhấn mạnh.

Cũng tại buổi họp báo, đại diện Bộ Công thương cho biết, các doanh nghiệp dệt may đã chủ động tìm nguồn hàng từ các nước khác để thay thế nguồn hàng từ thị trường Trung Quốc.

Theo đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có công văn kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chủ động tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu nguyên phụ liệu. Một số nước có thể đáp ứng, thay thế được nguồn hàng như Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia…

Ngoài ra để thúc đẩy sản xuất trong nước và chuẩn bị sẵn sàng cho các điều kiện khai thác cơ hội đến từ Hiệp định TPP, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất sợi quy mô lớn trong nước đã có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư, nâng cao năng lực cung cấp sợi, giảm dần giá trị nhập khẩu.

Kể từ năm 2001 đến nay, Trung Quốc vẫn đang làm thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, ở nhiều nhóm hàng tư liệu sản xuất, cơ bản, nguyên vật liệu, như máy móc thiết bị phụ tùng, phân bón, hoá chất... Hàng hoá Việt Nam xuất sang Trung Quốc có giá trị không lớn như nông sản, sắn, củ quả, và khoáng sản như than đá, dầu.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn