Sự kiện bí ẩn suýt 'xóa sổ' loài cá mập trên Trái đất 19 triệu năm trước

Khám pháChủ Nhật, 06/06/2021 08:32:41 +07:00
(VTC News) -

Cách đây 19 triệu năm, 90% số cá mập trên Trái đát bị hủy diệt trong một sự kiện bí ẩn, dù đây là loài sống sót qua nhiều sự kiện dữ dội trong lịch sử hành tinh.

Khi nhiệt độ Trái đất tăng cao và lượng oxy trong các đại dương giảm cách đây khoảng 252 triệu năm, hầu hết sự sống trên hành tinh của chúng ta đều chịu chung số phận bi thảm. Ước tính, sự kiện tuyệt chủng này, còn được gọi là cuộc "Đại diệt vong" (Great Dying), đã giết chết 70% các loài trên mặt đất và khoảng 96% các loài trong các đại dương.

Sự kiện bí ẩn suýt 'xóa sổ' loài cá mập trên Trái đất 19 triệu năm trước - 1

Tuy nhiên, trong số đó không có cá mập. "Chúng là những loài còn sống sót cuối cùng", Elizabeth Sibert, một nhà nghiên cứu và xác định các hoá thạch cổ sinh, đồng thời là một nhà hải dương học tại Đại học Yale nhận định. Sự kiện tuyệt chủng tiếp theo vào cuối thời kỳ Triassic hay thậm chí sự kiện thiên thạch va vào Trái đất xóa sổ loài khủng long cách đây 66 triệu năm cũng không thể khiến cá mập tuyệt chủng.

Sự sống sót của cá mập hay tuổi thọ của chúng là một điều phi thường nhưng loài động vật này cũng từng tiến gần đến bờ vực tuyệt chủng, một nghiên cứu trên tạp chí Science tiết lộ ngày 3/6.

Nghiên cứu trên, dẫn đầu là nhà khoa học Sibert cho thấy một sự kiện tuyệt chủng chưa từng được biết tới trước đó đã đẩy cá mập đến bờ vực tuyệt chủng cách đây 19 triệu năm, khiến cho chỉ 1/10 trong số những con cá mập ở các đại dương còn sống sót.

"Điều gì đó đã xảy ra và xóa sổ 90% số lượng cá mập chỉ qua một đêm", nhà khoa học Sibert nhận định. Thứ gọi là điều gì đó vẫn chưa chắc chắn nhưng nó đã gây ra sự phá hủy vô cùng lớn. Thiên thạch xóa sổ loài khủng long trên Trái đất chỉ khiến 30 - 35% loài cá mập bị xóa sổ trong khi sự kiện trên còn tồi tệ gấp 2 - 3 lần.

Để tìm ra phát hiện này, nhà hải dương học Sibert cùng người cộng sự Leah Rubin đã trải qua một quá trình kỳ công.

Khám phá bí ấn

Khi một loài sinh vật biển chết đi, thi thể của chúng sẽ rơi xuống đáy biển và bị phân hủy thành những phần rời rạc. Những phần nhỏ bé, chẳng hạn như răng của chúng sẽ tích tụ dần trong các lớp trầm tích dưới biển.

"Đáy biển cơ bản là một nấm mồ của tất cả các loài sống ở dưới nước", bà Sibert nhận định.

Mẫu trầm tích được sử dụng trong nghiên cứu trên được thu thập từ 2 địa điểm ở Thái Bình Dương, một ở phía Bắc, một ở phía Nam và bao quát trong khoảng thời gian 40 triệu năm. Tuy nhiên, không dễ để phân tích những mẫu răng nhỏ bên trong mỗi mẫu vật trên. Những phần này quá nhỏ, thậm chí còn nhỏ hơn chiều rộng của sợi tóc con người.

Nhà hải dương học Sibert đã lọc những mẫu trầm tích khô dưới kính hiển vi và tách riêng những mẩu răng nhỏ của cá mập. Sau khi tách riêng chúng, nhà khoa học Rubin sẽ xác định và miêu tả các đặc điểm, cũng như phân loại chúng.

Những mẩu răng nhỏ này có thể tiết lộ cho chúng ta nhiều điều. Có khoảng 1.300 mẩu răng nhỏ được xác định trong nghiên cứu trên với 85 mẫu có hình dạng khác nhau. Đa phần chúng đều thuộc giai đoạn trước thời điểm 19 triệu năm và chỉ một vài mẫu thuộc giai đoạn sau này. Vậy, câu hỏi đặt ra, điều gì đã xảy ra với những con cá mập?

Phần nổi của tảng băng trôi

Những mẩu răng nhỏ cho thấy sự suy giảm về số lượng và sự đa dạng của cá mập cách đây khoảng 19 triệu năm nhưng chưa rõ nguyên nhân đằng sau sự kiện này.

"Đây thực sự là một bí ẩn. Hiện chúng tôi chưa biết điều gì đã xảy ra", bà Sibert cho hay.

Chìa khóa để giải quyết bí ẩn này là tìm hiểu về quãng thời gian mà những con cá mập gần như biến mất. Giai đoạn này được gọi là "Miocene" và được nhà khoa học Sibert miêu tả là "giai đoạn chuyển giao" của Trái đất. 15 triệu năm trước khi sự kiện bí ẩn về cá mập xảy ra, Trái Đất dần trở thành một "ngôi nhà băng" khi mà những tảng băng vĩnh cửu tăng lên ở châu Nam Cực.

Các đại dương vào thời điểm đó không khác so với các đại dương ngày nay mặc dù chúng ta không thể tìm thấy những loài như cá ngừ, cá kiếm và chim biển. Cá heo và cá voi lúc đó cũng vẫn chưa tiến hóa.

Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng để tìm ra nguyên nhân xóa sổ cá mập. Ngay cả phát hiện trên, vốn diễn ra trong quãng thời gian không mấy đặc biệt của lịch sử Trái Đất cũng chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

"Có rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp", nhà nghiên cứu Rubin nhận định.

Liệu có phải sự thay đổi nào đó về môi trường đã dẫn đến sự suy giảm về số lượng cá mập? Rất khó để khẳng định việc này bởi lượng oxy và carbon không cho thấy sự bất thường nào nhưng các nhà khoa học có thể sử dụng nhiều dữ liệu hơn xoay quanh dấu mốc thời gian này. Có phải sự kiện trên đã xảy ra ở khắp các đại dương và tác động tới cả các loài sinh vật biển khác hay không? Bà Sibert cho rằng đây là một sự kiện toàn cầu nhưng chúng ta vẫn cần thêm dữ liệu.

Ngoài ra, những vùng nước khác thì như thế nào? Trầm tích ở các hồ nước và các vùng ven biển có thể xảy ra hiện tượng khác hay không? Các loài sinh vật trên đất liền bị ảnh hưởng thế nào trong thời gian này? Có chất hóa học nào có thể tiết lộ cho chúng ta về môi trường khi đó hay không?

Bà Sibert thậm chí đã nghĩ tới một dịch bệnh, chẳng hạn như một virus có thể là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm số lượng cá mập.

Dù vậy, với nhà hải dương học này, sự kiện tuyệt chủng trên là một hiện tượng đáng chú ý. Việc cá mập tồn tại trong hơn 400 triệu năm, sống sót qua nhiều sự kiện tuyệt chủng khiến bà tin rằng điều gì đó thực sự dữ dội đã xảy ra và những con cá mập có lẽ là cánh cửa để hiểu về những thay đổi lớn lao với Trái đất trong thời kỳ đầu của Miocene.

"Có nhiều dữ liệu đang chờ được khám phá", nhà nghiên cứu Rubin nhận định.

Phát hiện trên không chỉ cho thấy sự thay đổi khó lường của môi trường biển mà còn cho thấy sự khó khăn để các loài khôi phục lại khi chúng bị đẩy đến bờ vực của sự tuyệt chủng.

"Sinh học đang cố gắng nói cho chúng ta điều gì đó và tôi nghĩ chúng ta cần lắng nghe", bà Sibert đánh giá.

Kiều Anh(Vov.vn)
Bình luận
vtcnews.vn