“Sự im lặng của mùa hè”: Đánh thức âm thanh tự nhiên

Tổng hợpThứ Hai, 18/02/2013 10:12:00 +07:00

Tiếng xe cộ, tiếng nói cười, tiếng gò hàn, hay cả tiếng kéo của ông thợ cắt tóc dường như đã “nuốt chửng” tiếng hót của một chú chim đơn độc trên bờ tường...

Liên hoan truyền hình toàn quốc lần 32 xướng tên giải Vàng cho “Sự im lặng của mùa hè”… Những nụ cười, những ánh mắt hân hoan, những cái bắt tay đầy chia sẻ. Đó là thành quả xứng đáng cho 3 tháng trời cả ê- kip ròng rã khắp ngõ ngách thành thị đến len lỏi về các vùng nông thôn, chắt lọc từ 700 GB hình ảnh để lấy ra 30 phút hình tinh túy… Cả nhóm nhìn nhau, im lặng, thở phào…

“Khóc thét” vì đề tài quá... ảo

Vào một ngày đẹp trời, lãnh đạo kênh VTC14 gặp Mai Đình Khôi và rủ rỉ một điều gì đó… Một gợi ý đề tài… Nghe cũng thú vị. Thế là gật đầu.

Chỉ đến khi tối về, nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, Khôi mới thấy mình… dại dột. Sự im lặng của mùa hè. Tại sao lại im lặng? Phải thể hiện sự im lặng như thế nào? Và phải bắt đầu từ đâu? Ừ thì mùa hè thường gắn với tiếng ve, tiếng côn trùng rả rích. Vậy, liệu những âm thanh đấy đã thực sự biến mất hay vẫn còn tồn tại đâu đây nhưng bị những âm thanh khác che lấp? Con người đã tác động vào thế giới tự nhiên như thế nào?...

Với tất cả câu hỏi và mớ bòng bong trong đầu, Khôi quyết định đi tìm câu trả lời từ các nhà khoa học. Sau gần một tuần gặp gỡ, trò chuyện với GS. Bùi Công Hiển và một số nhà côn trùng học khác, Khôi đã dần sáng tỏ một số vấn đề. Sự im lặng của mùa hè, thật ra chỉ là một biểu hiện cuối cùng của sự thiếu vắng tự nhiên. Nó có thể do tác động của con người, cũng có thể do sự thay đổi đặc tính của các loài vật.

 
Đã bắt đầu có “cọc” để bám vào, nhưng những hình dung về bộ phim vẫn chưa thực sự rõ ràng. Ê- kip vẫn chỉ nói miệng với nhau về kịch bản. Điều mọi người lo lắng nhất là với một đề tài “ảo” như thế này, chính mình trong nghề còn thấy lúng túng thì phải làm thế nào để khán giả với nhiều tầng lớp, trình độ khác nhau có thể hiểu được thông điệp của mình. 

Những ngày đầu, mấy anh em vác máy quay đi tìm hiểu và khảo sát. Có hôm vác máy về tay không. Trong đầu vẫn rất mông lung. Một lần, Khôi bị ám ảnh mãi bởi lời tâm sự của một cô bé: “Em sinh ra ở thành phố này, trước đây, cửa sổ nhà em mở ra một khoảng không gian của cây xanh. Nhưng bây giờ các tòa nhà mọc lên và khung cửa sổ mở ra là những bức tường nhà người khác”. Như vỡ ra điều gì đó, Khôi lại quay về bàn bạc với anh em trong ê- kip. Thế rồi, một mùa hè vắng âm thanh của tự nhiên cũng dần dần hiện ra.

Tiếng xe cộ, tiếng nói cười, tiếng gò hàn, hay cả tiếng kéo của ông thợ cắt tóc dường như đã “nuốt chửng” tiếng hót của một chú chim đơn độc trên bờ tường lở đá. Không còn những cành cây tỏa bóng, nó cứ hoang mang nhảy nhót trên khối bê - tông đang phả ra sức nóng khủng khiếp của mùa hè.

Ngay cả trong công viên, những “thiên đường cây xanh” còn sót lại ở thành phố cũng thưa thớt tiếng chim để nhường lại không gian cho con người tránh nóng. Đang giữa mùa nắng mà tiếng ve - “sứ giả” gọi hè dường như cũng bặt tiếng im hơi. Chỉ còn lại những cái xác khô khốc rơi trên vệ đường…

 
Khi mà những âm thanh mùa hè ở thành phố đang trở nên thưa vắng như thế, người ta lại mơ ước được về những vùng nông thôn yên bình, nơi có những cánh đồng xanh mướt, những triền đê rực rỡ cánh diều và những sinh vật ngày đêm tấu lên bản hòa ca của mùa hè.

Nghĩ vậy, Khôi hớn hở cùng quay phim Hà Dũng tìm về một vùng quê ở Nam Định. Nhưng, có lẽ, mùa hè của lũ trẻ nông thôn bây giờ cũng đã khác xưa nhiều rồi. Chỉ còn lại những con đê khô cằn, những khoảng trời nhằng nhịt dây điện, lác đác mới có vài cánh diều. Những khoảng không gian vui chơi của trẻ em vùng quê dường như cũng đang mất dần đi…

Cứ như thế, hết cặm cụi ở thành phố lại về săn tìm các ý tưởng ở nông thôn, càng làm, ê- kip lại càng vỡ vạc ra nhiều điều. Khôi chia sẻ, trong quá trình làm phim cả ê- kip đều không nghĩ sẽ mang tác phẩm đi thi thố. Thậm chí, có những lúc bế tắc, Khôi đã định dừng lại vì cảm thấy mình chưa đủ sâu sắc và tinh tế để thể hiện bộ phim này. Nhưng rồi, được lãnh đạo và đồng nghiệp động viên, khích lệ, anh chàng lại có thêm tự tin để tiếp tục.

4 quay phim cùng tác chiến

Có lẽ, điều đặc biệt nhất ở “Sự im lặng của mùa hè” là có tới 4 quay phim cùng tham gia. Trong đó, Hà Dũng và Đại Dương là những tay máy chính còn Huy Xứng và Hồng Phong làm công tác “yểm trợ”. Đây là lần đầu tiên ở kênh VTC14 có một tác phẩm truyền hình với sự góp công của nhiều quay phim đến thế.

Mỗi quay phim lại có một sở trường riêng. Nếu như Hà Dũng có khả năng “chớp” được linh hồn của cảnh động thì Đại Dương lại thể hiện rất tốt những góc máy tĩnh. Dương cũng là người có thể kiên nhẫn chờ cả ngày để đợi những thời điểm đắt giá nhất.

Kỷ niệm vui nhất của đoàn làm phim “Sự im lặng của mùa hè” có lẽ là những ngày “săn” cảnh trời mưa. Không đủ chi phí để tạo… mưa giả, mọi người đành bảo nhau canh chừng thời tiết, hễ hôm nào thấy trời nhiều mây là lên tư thế sẵn sàng tác chiến. Nhưng, khổ nỗi, nhiều hôm thấy trời xầm xì, vội vàng đi xin lịch máy quay, vác máy ra đường thì trời lại… hửng nắng. Đến hôm mưa thì chẳng ai ngờ. Cũng may, quay phim Đại Dương đã linh cảm trước và “canh me” được toàn bộ khung cảnh thành phố Hà Nội từ lúc bắt đầu xuất hiện những đám mây cho đến khi đất trời tầm tã.

 
Quay phim Hà Dũng thì nhớ mãi hôm về Nam Định, nửa đêm đi quay cảnh bắt ếch trong nghĩa địa. Sau 3 tiếng bì bõm lội nước, theo chân bác nông dân len lỏi khắp bãi tha ma, Dũng cũng đã học thêm được kha khá kinh nghiệm… vồ ếch. Công việc kết thúc lúc 11h đêm, Khôi và Dũng mệt phờ ôm máy đi về, không quên mua lại bác nông dân con ếch để làm… đạo cụ.

Sáng hôm sau, Dũng mang “đạo cụ” ra đặt lên bãi cỏ với kỳ vọng có thể quay được những góc máy cận, từ đôi mắt, cái miệng đến nhịp thở của chú ếch. Nhưng khổ nỗi, mỗi lần đưa máy lại gần thì “đạo cụ” lại… nhảy  vọt đi mất. Sau vài lần đuổi bắt, cuối cùng, Khôi phải lấy sợi chỉ buộc chân chú ếch lại để Dũng có thể tha hồ “tác chiến”.

Trong bộ phim, có một cảnh quay nữa cũng rất ấn tượng, đó là cảnh đồng ruộng ở góc rộng đầy phiêu linh. Chỉ có Hà Dũng và Đình Khôi hiểu rõ để có những thành quả đó phải vất vả như thế nào. Giữa đồng không mông quạnh, để lấy cú máy rộng thì chỉ có cách quay bằng máy bum, nghĩa là đặt máy lên cần cẩu trên bờ rồi lia xuống. Bờ ruộng mấp mô, mấy anh em chỉ lo sơ sẩy một chút là cả máy cả bum sẽ lao xuống ruộng ngay lập tức. Chưa kể, để giữ chắc đòn bẩy, Dũng và Khôi đã phải ì ạch mãi mới ôm được  4 quả tạ nặng gần 20 kg cùng với máy quay ra bờ ruộng.

Trong bộ phim cũng có những trường đoạn theo chân người dân đi đánh cá điện hay bắt ếch, nhiều người cứ nghĩ phải khó lắm mới quay được. Nhưng thực chất, lại vô cùng dễ dàng. Những người nông dân mà ê- kip làm phim gặp, hầu như rất hồn nhiên. Họ coi việc đánh bắt những sinh vật nhỏ bé ấy là bình thường, nếu họ giết những con cá này thì mùa mưa sau sẽ lại có những con cá khác sinh ra.

“Điều may mắn nhất và cũng là yếu tố làm nên thành công của bộ phim chính là một ê- kip nhiệt tình, hết mình vì tác phẩm, từ các quay phim đến kỹ thuật dựng hình. Đi theo một đề tài ảo, ý tưởng ảo, bản thân mình là đạo diễn đã thấy mệt thì các quay phim còn mệt gấp nhiều lần, bởi họ là những người trực tiếp bấm máy, thể hiện ý tưởng bằng cảnh quay. Họ cũng đã đưa ra cho mình những góp ý quý báu trong quá trình thực hiện bộ phim”- Đình Khôi cho biết. 

Kỹ thuật hậu kỳ kiêm… đạo diễn

Sau những chuỗi ngày đi quay, về dựng, lại đi quay, về dựng…, “Sự im lặng của mùa hè” đã trải qua ít nhất 3 phiên bản trước khi đi đến sản phẩm hoàn thiện cuối cùng. Tính từ bản đầu tiên đến bản cuối cùng cũng đã thay đổi rất nhiều, từ bố cục, cách thể hiện hay hình ảnh. Có lẽ, chỉ đến công đoạn dựng hậu kỳ thì bộ phim mới thực sự hình thành một cách rõ ràng nhất.

Không phải là người trực tiếp đi quay ở hiện trường nhưng chính KTV Ngọc Bách đã trở thành đạo diễn thứ 2 của bộ phim. Mất mấy ngày trời để xem hết toàn bộ hình ảnh thu về được, Bách đã dần hình dung và đưa ra bố cục cho bộ phim. Với 700 GB hình ảnh, nếu không phải là một kỹ thuật dựng chắc tay và làm chủ được tư duy thì chắc chắn Ngọc Bách đã “chết đuối” trong đống thông tin ấy.

Có lẽ, nhờ không có mặt ở hiện trường nên Bách không bị ám ảnh bởi bất cứ hình ảnh nào, mà chỉ đối diện với những chất liệu mình đang có để kể lên một câu chuyện. Thiếu hay cần cảnh gì, Bách lại bảo quay phim quay thêm. Nhưng cũng có những cảnh, dù cả đạo diễn và quay phim đều “chết mê chết mệt” thì Bách vẫn kiên quyết… cho vào sọt rác vì không phù hợp.

 
Bản thân Ngọc Bách cũng là người kỹ tính, cầu toàn. Nhiều lần, mặc dù đã dựng mọi thứ gần như xong xuôi nhưng nhìn thấy một cảnh quay khác ổn hơn hoặc bỗng dưng lóe lên một ý tưởng thì anh chàng sẵn sàng tháo dỡ tất cả để làm lại từ đầu.

Vừa dựng hình ảnh vừa hòa âm thanh, Bách gặp không ít áp lực khi đối diện với câu hỏi làm thế nào để dùng tiếng động diễn tả sự im lặng.

Với tiếng dế kêu hay tiếng chim hót, Bách cũng ngồi tỉ mẩn cả ngày để hết tách ra lại cấy vào, sao cho người xem vẫn nghe thấy tiếng chim nhưng cảm giác rất ít tiếng chim. “Thiết bị thu âm ở máy quay của kênh VTC14 khá hiện đại nhưng vẫn không thể so với các kênh truyền hình lớn trên thế giới với thiết bị thu âm chuyên nghiệp. Thu tiếng ve lẫn với tiếng ô tô thì âm thanh về nghe lại bị bẹt. Công việc của mình là phải làm cho khán giả nghe tiếng ô tô, tiếng còi xe nhưng vẫn nhận ra tiếng ve, tiếng chim hót”- Bách chia sẻ. Ngay cả tiếng kéo cắt tóc trong phim cũng do mấy anh em phòng hậu kỳ mượn chiếc chiếc kéo sắt mang về phòng để… tự thu lại âm thanh.

Bốn quay phim với 4 phong cách, thậm chí, mỗi người lại quay ra một màu sắc khác nhau, do gu chọn màu và do cả thiết bị máy quay. Bách lại phải vừa dựng vừa xử lý, cân lại màu, chỉnh lại ánh sáng từng cảnh một.

Có khi, cả một ngày trời xách máy quay đi, chỉ thu về vài ba cảnh ưng ý. Và có khi cả một tuần liền, hết lắp vào lại tháo dỡ, kỹ thuật mới thu được 30 giây hình. Đây cũng là yếu tố khiến cho bộ phim “Sự im lặng của mùa hè” mất 3 tháng mới hoàn thành.

Với mong muốn mang lại cho khán giả truyền hình một sản phẩm hiện đại, khác với những bộ phim tài liệu truyền thống trước đây, cả ê- kip làm phim “Sự im lặng của mùa hè” đều nặng lòng với “đứa con tinh thần” của mình. Hơn 90 ngày đêm, đạo diễn sống cùng ý tưởng, quay phim hết mình cho cảnh quay, kỹ thuật cũng chăm chút cầu kỳ cho phần “đóng gói”, không khó hiểu khi “Sự im lặng của mùa hè” đã để lại ấn tượng cho người xem ngay từ những khuôn hình đầu tiên. 

Thương Thương

 

 

 

Bình luận
vtcnews.vn