Sử dụng vật liệu phòng cháy chữa cháy – Giải pháp tối ưu cho các công trình cao tầng

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Ba, 28/08/2018 11:18:00 +07:00

Mới đây, Công ty CP Eurowindow vừa phối hợp với Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) tổ chức hội thảo "Phổ biến các Quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở công trình xây dựng và các vấn đề thực tiễn”.

Bên cạnh những trao đổi về các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC và cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, phân tích về bất cập còn tồn tại trong công tác PCCC, nhiều giải pháp ứng dụng vật liệu xây dựng chống cháy cho công trình cao tầng cũng đã được các chuyên gia đánh giá cao.

“Kẽ hở” trong công tác thực thi chuẩn PCCC tại các công trình cao tầng

Hiện nay, ngoài QCVN 06:2010/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, Việt Nam còn có hơn 140 TCVN liên quan đến phòng cháy chữa cháy, được phân theo nhóm. Các yêu cầu về xây dựng và trang thiết bị phòng cháy chữa cháy cần lắp đặt trong công trình xây dựng được nêu khá đầy đủ trong các TCVN liên quan của ngành Xây dựng và có tính chất bắt buộc theo các quy định của cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CHCN (Bộ Công an), hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC quy định về giải pháp an toàn cháy, điều kiện an toàn về PCCC đối với các loại hình nhà ở công trình, các cơ sở kinh doanh hiện nay còn chưa đầy đủ, một số quy định chưa phù hợp hoặc chồng chéo và khó áp dụng trong quá trình thực hiện.

Tại một số nơi vẫn còn hiện tượng cấp giấy phép xây dựng khi công trình chưa được thẩm duyệt về PCCC. Nhiều dự án kiểm tra nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC, dẫn đến còn nhiều tồn tại, bất cập, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

a1

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CHCN (Bộ Công an) đánh giá về hiệu quả triển khai công tác PCCC tại các công trình 

Mặt khác, quy định thành lập ban quản trị các chung cư còn chung chung, khó thực hiện, việc thành lập ban quản trị hoạt động chưa hiệu quả, nhiều nơi mới chỉ mang tính hình thức. Chưa kể, nhiều dự án chưa quan tâm đến công tác duy trì vận hành hệ thống kỹ thuật PCCC, lắp đặt trong công trình, không có cán bộ kỹ thuật chuyên môn để kiểm tra, xử lý khi có các tình huống cháy nổ xảy ra.

“Hiện nay chưa có cơ quan nào thực hiện việc thẩm định về nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của lực lượng, phương tiện PCCC nên chủ đầu tư không tính toán và dự toán nguồn kinh phí này. Nguồn kinh phí hạn chế dẫn đến không đảm bảo việc bảo trì, bảo dưỡng công trình và hệ thống kỹ thuật PCCC trong suốt tuổi thọ công trình” - ông Việt cho biết thêm.

Đáng chú ý, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cho rằng, một nguyên nhân quan trọng khác khiến dự án chung cư không đảm bảo các yếu tổ về PCCC là do chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư về hạng mục PCCC cho công trình. Trong đó, một số chủ đầu tư còn làm việc với hình thức đối phó, làm cho có để được thẩm duyệt, nghiệm thu đưa vào sử dụng.

“Nhiều chủ đầu tư không quan tâm đến chất lượng các hệ thống PCCC, lựa chọn các thiết bị rẻ tiền công nghệ cũ, chất lượng kém, dẫn đến khi đi vào hoạt động một thời gian thì phát sinh hư hỏng, báo lỗi không hoạt động theo đúng chức năng quy định, gây ảnh hưởng đến các quy chuẩn an toàn cháy nổ” - ông Việt cho hay.

Giải pháp để nâng cao hiệu quả PCCC

Để nâng cao hiệu quả của công tác PCCC trong thời gian tới, Thượng tá Bùi Quang Việt cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, thống nhất trong công tác quản lý, cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, thẩm định, thẩm duyệt thiết kế về PCCC, kiểm tra điều kiện năng lực của đơn vị thiết kế, tư vấn giám sát thi công lắp đặt về PCCC. Qua đó, đảm bảo các dự án công trình được đầu tư trang bị hệ thống PCCC đạt chất lượng và chi phí để duy trì hoạt động.

Đồng thời, bổ sung quy định về biện pháp xử lý, xử phạt vi phạm hành chính về PCCC trong đầu tư xây dựng. Trong đó, cần nghiên cứu tăng mức phạt tiền đối với một số vi phạm, bổ sụng thêm các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc hình thức xử phạt bổ sung để có căn cứ cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, nhất là các hành vi vi phạm như thi công xây dựng khi chưa được thẩm duyệt, đưa vào sử dụng mà chưa được nghiệm thu về PCCC.

Đối với chủ đầu tư, các dự án xây dựng công trình phải quan tâm đầu tư kinh phí cho các hạng mục hệ thống PCCC ngay từ khâu thiết kế thi công xây dựng. Trong đó cần lựa chọn các thiết bị công nghệ kỹ thuật về PCCC mới, hiện đại, thông minh, có độ tin cậy cao và tuổi tho phù hợp với tuổi thọ của công trình…

a2

 Ông Vũ Trọng Trung - Phó Tổng giám đốc Eurowindow phát biểu tại hội thảo

Việc ứng dụng các loại vật liệu xây dựng với công nghệ chống cháy hiện đại cũng được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực PCCC cho các công trình cao tầng. Ngoài vữa cách nhiệt chống cháy, giải pháp chèn khe chống cháy…. các sản phẩm cửa chống cháy mang thương hiệu Eurowindow cũng được sử dụng ngày một nhiều trong các công trình cao tầng. Điển hình một số công trình đã sử dụng có thể kể đến như: Nhà Quốc Hội, Thăng Long Number One (Hà Nội), Thảo Điền Pearl (TP Hồ Chí Minh), chung cư Goldmark City, Tòa nhà văn phòng Eurowindow….

“Các sản phẩm cửa sổ, cửa đi, vách kính lớn Eurowindow hiện đang cung cấp ra thị trường, ngoài tác dụng giúp bao che công trình, tạo hành lang giao thông, thông gió, lấy ánh sáng tự nhiên, đảm bảo cách âm, cách nhiệt, an toàn dưới tác động của thiên tai, gió bão thì còn có khả năng chống cháy nổ, ngăn cháy, ngăn khói trong khoảng thời gian lên tới 60-90-120 phút giúp kéo dài thời gian thoát hiểm và cứu nạn, thoát khí độc” – Ông Vũ Trọng Trung – Phó Tổng giám đốc Eurowindow cho hay.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn