Sự cố thủy điện sông Bung 2: Không thể đổ lỗi hết cho thiên tai

Thời sựThứ Sáu, 16/09/2016 07:34:00 +07:00

"Công trình không đảm bảo chất lượng, không thể đổ lỗi hết cho thiên tai", Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội nhận định về sự cố vỡ van số 2 đường ống dẫn dòng thủy điện sông Bung 2.

Như VTC News đã phản ánh, vào 17h ngày 13/9, đường ống dẫn nước thủy điện sông Bung 2 (thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) bất ngờ bị bục, khiến 28 triệu khối nước đổ xuống hạ lưu, cuốn theo 18 công nhân đang thi công, gây ngập lụt trên diện rộng.

vu thuy dien song bung 2: vot duoc xe muc, khong thay 2 cong nhan hinh anh 1

Sự cố bục đường ống dẫn nước đập thủy điện sông Bung 2

Trước đó, trả lời về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sự cố được cho là do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới từ ngày 11/9. Việc nước lũ chảy mạnh đã khiến bục van cửa số 2 hầm dẫn dòng thi công.

Được biết, trước khi xảy ra sự việc bục van cửa số 2, lượng nước chứa trong hồ khoảng 28 triệu m3, trong khi lòng hồ chứa được khoảng 94 triệu m3. Ngoài ra, hồ chứa nước bên dưới thủy điện sông Bung 4, sông Bung 4A, sông Bung 5, sông Bung 6 đang thiếu nước, nên lượng nước tràn ra được hứng trọn.

Tuy nhiên, sự cố xảy ra cũng khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi, đặc biệt là về chất lượng các công trình thủy điện đang được thi công. Không ít chuyên gia nhận định, vụ bục ống thủy điện này đã lộ ra không ít vấn đề cần được khắc phục.

pho-giao-su-nguyen-van-hung-giaoduc.net.vn

PGS.TS. NGƯT Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội

Nhấn mạnh tính nghiêm trọng sự cố thủy điện sông Bung 2, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, đã có những chia sẻ về sự việc với PV VTC News.

- Ông đánh giá thế nào về sự cố bục ống thủy điện sông Bung 2 vừa xảy ra, thưa ông?

Theo tôi, việc bục ống thủy điện là sự cố rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới nhiều vấn đề khác trong xã hội. Hậu quả để lại là rất lớn về con người, tài sản, môi trường sống. Đối với các công trình như xây dựng đập thủy điện đòi hỏi hệ số an toàn rất cao. Quá trình thi công phải tính toán kỹ lưỡng, chuẩn chỉnh 100% từng chi tiết.

 
Để xảy ra sự cố trên, trách nhiệm vẫn là chủ đầu tư và đơn vị thi công.

Ông Nguyễn Văn Hùng

Việc đường ống dẫn nước bị bục thể hiện chức năng và chất lượng không tốt mới xảy ra sự cố nghiêm trọng như vậy. May là vết bục nhỏ, nếu vết bục đó lớn ra nữa thì người dân còn phải chịu cái hậu quả lớn hơn nhiều.

Nguyên nhân có thể do thiết kế, hoặc thi công không đảm bảo, bê tông chưa đủ độ cứng... Sự cố xảy ra, không thể đổ hết lỗi cho thiên tai được, họ phải có trách nhiệm lớn.

- Người có trách nhiệm ở đây là ai thưa ông?

Đơn vị thiết kế và thi công công trình phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Về nguyên tắc, công trình thủy điện khi đang trong quá trình thi công là không được tích nước. Sau khi hoàn thành các hạng mục theo đúng thiết kế, hội đồng nghiệm thu sẽ đánh giá, thẩm định, đảm bảo an toàn thì nhà máy thủy điện mới được phép tích nước ở lòng hồ. Để xảy ra sự cố trên, trách nhiệm vẫn là chủ đầu tư và đơn vị thi công.

- Được biết, trên sông Bung hiện có 5 công trình thủy điện, sau sự cố nứt tại thủy điện sông Bung 2, nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng về việc có thể xảy ra tình trạng vỡ đập liên hoàn. Ông chia sẻ gì về lo lắng này của người dân?

Lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Tôi đã từng biết, ở một số nước lớn như Nga, Pháp cũng đã từng xảy ra tình trạng đập rất lớn bị vỡ. Cụ thể, ở Pháp cũng từng có một đập gần bờ biển khi vỡ đã quét hàng trăm người ngoài bãi biển. Việc vỡ đập có thể coi là thảm họa vì nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người, nhất là những người dân sống gần khu vực đó.

- Trước sự cố này, giải pháp và hướng khắc phục đối với những người có trách nhiệm là gì, thưa ông?

Trong giai đoạn này là nước chưa nhiều, đập chưa bục ra thì việc khắc phục còn dễ dàng. Cái lời cảnh báo đối với bên thi công, kể cả bên chuyên môn về an toàn, là những chỗ được cho là an toàn vẫn phải kiểm tra lại.

Nếu cần phải gia cố, cần phải sửa chỗ nào là cần làm ngay, tăng tính an toàn lên. Theo tôi, cảnh báo này không riêng chỉ ở đập sông Bung mà còn nhiều đập khác ở Việt Nam. Cần thiết phải rà soát lại tất cả đập thủy điện ở Việt Nam để đảm bảo an toàn nhất có thể.

Phải có chế độ kiểm tra, bảo dưỡng, khai thác và vận hành... Các công trình mới xây thì kiểm tra kĩ các vùng địa tầng tốt trước khi làm. Làm phải có trách nhiệm và chất lượng, tạo ra hiệu quả kinh tế nhưng phải song hành các giá trị xã hội, đó mới đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân.

- Xin cảm ơn ông!

Video: Hiện trường sự cố thủy điện sông Bung 2

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn