Sự cố chạy thận ở Hòa Bình: VKS lý giải việc không cấm ông Trương Quý Dương xuất cảnh

Pháp luậtThứ Năm, 24/05/2018 17:16:00 +07:00

Đại diện VKS cho biết, VKS và cơ quan điều tra đã xác minh làm rõ và kết luận hành vi của ông Dương là chưa đủ căn cứ để khởi tố hình sự nên không thể đề nghị cơ quan điều tra xem xét tạm hoãn xuất cảnh đối với ông này.

Xét xử sự cố chạy thận ở Hòa Bình: Luật sư đề nghị trả hồ sơ vụ án

Sáng 24/5, bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh), luật sư Trần Vũ Hải “truy” trách nhiệm của Viện Kiểm sát (VKS) và Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Hòa Bình trong việc không cấm xuất cảnh đối với ông Trương Quý Dương.

Ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, được cho là đã xuất cảnh và không còn ở Việt Nam từ trước khi phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương diễn ra.

Luật sư Trần Vũ Hải đề nghị VKS căn cứ Nghị định 138 năm 2007 của Chính phủ, trong đó có nói: “Trong trường hợp có liên quan đến công tác điều tra tội phạm hoặc đang trong giai đoạn giải quyết tranh chấp về kinh tế thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án có quyền yêu cầu ngừng việc xuất cảnh”.

vu hai1

Luật sư Vũ Hùng cho rằng nếu không mời được ông Dương về nước thì vấn đề sẽ hết sức nghiêm trọng.

Trong vụ án này, nếu xác định ông Trương Quý Dương là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mà không phải bị can, bị cáo, hoặc liên quan đến việc tranh chấp về dân sự kinh tế. Như vậy, đương nhiên phải yêu cầu cấm xuất cảnh đối với ông Trương Quý Dương.

“Tôi cho rằng nếu không mời được ông Dương về nước thì vấn đề sẽ hết sức nghiêm trọng”, luật sư Hải nói.

Đối đáp với luật sư, đại diện VKS cho rằng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tạm hoãn xuất nhập cảnh, chỉ có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với hai trường hợp. Một là người bị tố giác, kiến nghị khởi tố qua điều tra xác minh xác định người đó bị nghi thuộc diện tội phạm; hai là xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

“Trong quá trình điều tra, VKS và cơ quan điều tra đã xác minh làm rõ và kết luận hành vi của ông Dương là chưa đủ căn cứ để khởi tố hình sự. Do vậy chúng tôi không thể nào đề nghị cơ quan điều tra xem xét tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trương Quý Dương”, đại diện VKS nói.

Đối với ý kiến ông Dương cần bị tạm hoãn xuất nhập cảnh do liên quan đến vấn đề trách nhiệm dân sự, VKS cho biết cũng đã căn cứ vào Luật Dân sự. Trước tiên, trách nhiệm về dân sự thuộc về pháp nhân. Pháp nhân phải bồi thường trước tiên, sau đó nếu phát sinh mối quan hệ giữa cá nhân – pháp nhân thì sẽ giải quyết trong một vụ việc khác.

Đáp lại, luật sư Hải cho rằng CQĐT và VKS đã không xác định rõ tư cách người làm chứng đối với ông Trương Quý Dương. Luật Xuất nhập cảnh và Nghị định 138 năm 2017 đều quy định rõ những trường hợp bị cấm xuất nhập cảnh. Trong thực tế các vụ án, những người được cho là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đều không được phép xuất cảnh.

Luật sư Hải đề nghị phải xử lý trách nhiệm của Bộ Y tế, đại diện Bộ Y tế tại phiên tòa cũng đã nhận một phần lỗi, nhưng đây là việc cần phải nghiêm túc. Một sự cố y khoa lớn nhất từ trước đến nay cần phải xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc không xây dựng quy trình lọc thận.

33464053_1332704256832767_8967069464034017280_n-1022378 3

 Đại diện VKS.

VKS cho biết bản luận tội của VKS cũng đã kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với Bộ Y tế. Nếu các luật sư thấy cần có những kiến nghị về trách nhiệm khác, đề nghị HĐXX kiến nghị trong bản án.

Về hóa chất sử dụng trong quá trình sục rửa vỏ màng lọc RO là hóa chất không có trong danh mục sử dụng của Bộ Y tế, VKS cho rằng chỉ dựa vào công văn Bộ Y tế trả lời. Cáo trạng không khẳng định hóa chất bị cấm sử dụng mà chỉ khẳng định hóa chất đó không nằm trong danh mục hóa chất được phép sử dụng trong y tế.

Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn